Nguyễn Hoàng Giang (1992) là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Cậu từng có 2 năm sang Anh học phổ thông tại The Royal School Wolverhampton với suất học bổng 47.000 bảng trước khi nhận học bổng cho 4 năm tại Haverford College, Mỹ.

Không chỉ có bảng thành tích khủng với nhiều học bổng danh giá, mới đây, Giang còn là một trong những người đầu tiên trên thế giới tham gia bài thi TOEFL theo định dạng mới và đạt 119/120 TOEFL, tương đương 9.0 IELTS.

{keywords}

Hoàng Giang đạt 119/120 TOEFL, tương đương 9.0 IELTS

Phải biến tiếng Anh thành cuộc sống của mình

Bắt đầu học tiếng Anh từ khi lên 5 tuổi với người thầy đầu tiên là bố, Hoàng Giang cho rằng muốn giỏi tiếng Anh, cần phải biến việc học thành một thói quen và học qua tất cả mọi thứ.

“Mình may mắn được bố mẹ cho tiếp cận với tiếng Anh từ khi lên 5 tuổi. Xuất phát điểm sớm là một lợi thế với mình, nhưng đó không phải là tất cả”.

Giang cho biết, chính ước mơ đi du học là một động lực rất lớn giúp cậu yêu thích thứ ngôn ngữ này và khiến cậu quyết tâm phải học hành bài bản.

“Khi mình lên 3 tuổi thì bố mẹ phải đi học ở châu Âu. Mẹ thường kể cho mình nghe rất nhiều câu chuyện, rằng cuộc sống ở châu Âu ra sao, có nhiều thứ thú vị thế nào. Mẹ nói việc đi du học cũng giống như một con chim trong lồng bỗng dưng được thả bay lên bầu trời rộng lớn.

Bố mẹ còn quay lại những thước băng về cảnh đường phố châu Âu với những con chim bồ câu bay sà sà mặt đất. Ước mơ đi du học của mình đã được bố mẹ truyền lửa như thế”.

Theo Giang, bên cạnh động lực, yếu tố quan trọng nhất khi học tiếng Anh là phải xây dựng được kỷ luật, thói quen thay vì làm theo cảm hứng.

“Mình luôn đặt quyết tâm phải học chăm chỉ ngay từ những ngày đầu tiên, học đến đâu phải chuẩn đến đó”, cậu nói.

{keywords}

Hoàng Giang chụp cùng bố mẹ. Ảnh: NVCC

Một thói quen theo Giang nhiều người mắc phải là mọi người thường chú trọng vào ngữ pháp thay vì để ý đến ngữ âm.

“Còn với mình, mỗi khi về nhà, hai anh em hay nói tiếng Anh với nhau. Anh trai thường bắt lỗi mình rất nhiều, sau đó dạy mình cách tra từ để gặp một từ mới sẽ biết cách phát âm cho chuẩn xác”.

Đến khi lên cấp 2, bố mẹ Giang quyết định cho cậu đi học ở Hội đồng Anh, mặc dù học phí khi ấy vô cùng đắt đỏ so với đồng lương giáo viên.

Nhưng sau này bản thân cậu mới nhận ra rằng, đó là một quyết định đúng đắn. “Ở đó mình có thể học cách phát âm chuẩn. Đây là điều vô cùng quan trọng, bởi nếu đã phát âm sai về sau này rất khó sửa lại. Cho nên, sự đầu tư này rất xứng đáng”.

{keywords}

Giang (phải) chụp cùng anh trai tại trụ sở của Google - nơi anh trai hiện đang làm việc. Ảnh: NVCC

Ở cả 4 kỹ năng, Giang luôn đầu tư thời gian đồng đều. “Với kỹ năng đọc, mình thường lựa chọn đọc những cuốn sách tiếng Anh viết về người thành công trên thế giới hay những cuốn sách khoa học mà mình cảm thấy hứng thú.

Còn đối với kỹ năng nghe, mình thường xuyên bật đài hay xem youtube. Lúc đầu mình sẽ nghe tiếng Anh với phụ đề tiếng Việt. Dần dần, mình chuyển sang nghe tiếng Anh, phụ đề tiếng Anh và sau đó là không phụ đề.

Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi như đánh răng, nấu cơm hay trước khi đi ngủ, mình thường bật những clip theo chủ đề mình thích, kéo dài khoảng 30 – 40 phút. Mình biến nó thành những thói quen cần phải làm hàng ngày”.

“Biến tiếng Anh thành cuộc sống” luôn là kim chỉ nam trong quá trình học tiếng Anh của Giang. “Ví dụ khi đi trên đường, bất chợt nhìn thấy điều gì hay ho, mình cũng có thể nghĩ ra topic để tự nói một mình.

Theo mình, việc tự học là vô cùng quan trọng. Ví dụ ở trên lớp mình chỉ có 6 tiếng để học nhưng ở nhà có đến 60 tiếng/ tuần. Như vậy có thể thấy việc tự học ở nhà quan trọng như thế nào”.

Không có con đường ngắn để giỏi tiếng Anh

Thích học tiếng Anh, thời phổ thông, Giang luôn được khen là người… giở từ điển nhanh nhất. Ở trên lớp, mỗi khi cô giáo cần tra một từ gì, Giang cũng luôn là người tìm được vị trí để tra đầu tiên. “Việc giở nhiều quá khiến mình quen cả vị trí con chữ”, Giang kể.

Dù vậy, trong những kỳ thi học sinh giỏi, điểm của cậu luôn kém hơn các bạn khác trong đội tuyển. “Các bạn lớp mình học ngữ pháp rất chăm, còn bản thân mình lại tìm đến giáo viên bản xứ để học giao tiếp và viết luận - những thứ không liên quan đến bài thi học sinh giỏi tiếng Anh hồi đó”.

Đến khi đi du học, Giang cũng nhận ra rằng, thầy cô bản xứ không sử dụng những cấu trúc dạng “Phrasal Verb” (Cụm động từ) hay những câu thành ngữ tục ngữ tiếng Anh vào việc giao tiếp - những thứ vốn được thầy cô Việt rất chú trọng.

{keywords}

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ở Haverford College (Mỹ), Giang về nước và dành thời gian luyện IELTS, TOEFL cho một số bạn học sinh, sinh viên muốn đi du học.

Tuy vậy, Giang cho rằng, sai lầm thường thấy của nhiều học sinh khi học tiếng Anh là phụ thuộc quá nhiều vào các khóa học, ví dụ “nếu mình học xong khóa này mình sẽ lên được bao nhiêu điểm?”.

Cựu học sinh Chuyên Ngữ cho rằng, điều quan trọng nhất khi học tiếng Anh là cần đưa cả bốn kỹ năng vào cuộc sống hàng ngày của mình.

“Mình rất sợ việc tìm con đường ngắn để học tiếng Anh chỉ với 3 tháng, 6 tháng. Thực sự là không có con đường ngắn như thế. Muốn giỏi tiếng Anh phải mất thời gian trau dồi rất lâu.

Cho nên, thay vì đặt mục tiêu 1 tháng, 3 tháng..., hãy chuyển sang đặt mục tiêu 3 năm, 10 năm với những hạn chót nhỏ. Thành công lớn chỉ đến với những người có mục tiêu dài hạn cùng sự chăm chỉ trong từng thời gian ngắn hạn!”.

Cần phải tham gia thật nhiều hoạt động bằng tiếng Anh. Hãy tận dụng mọi cơ hội để được nói chuyện với những người bản ngữ đến từ Anh, Mỹ, Australia. Biến tiếng Anh thành thú vui hàng ngày, rồi một ngày tiếng Anh sẽ trở thành thói quen”, chàng trai 9X chia sẻ bí kíp.

Thúy Nga

Nam sinh học bằng kính lúp... trở thành thủ khoa

Nam sinh học bằng kính lúp... trở thành thủ khoa

- Nguyễn Văn Trung đã vượt lên số phận để trở thành thủ khoa khối C của Học viện Quản lý giáo dục năm 2019.