Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đang chủ trì xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050”. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân, tham gia vào tất cả công đoạn của chuỗi giá trị ngành bán dẫn.
Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, giới trẻ tại các quốc gia phát triển tỏ ra thờ ơ trước những cơ hội nghề nghiệp trong ngành bán dẫn. Trong khi đó, ngay cả những người lao động đang làm việc trong lĩnh vực bán dẫn cũng tìm cách rời khỏi ngành công nghiệp này.
Sự thiếu hụt sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM để bổ sung và thay thế sẽ tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường lao động ngành bán dẫn. Trong bối cảnh đó, cùng với Ấn Độ, Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu ròng các lao động kỹ thuật.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT), nước ta hiện có khoảng 5.000 kỹ sư ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. So với mục tiêu khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế và 35.000 kỹ sư cho các công đoạn còn lại của ngành công nghiệp bán dẫn, con số này vẫn còn là một khoảng cách khá xa.
Tuy nhiên, sau một quá trình triển khai thử nghiệm, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ KH&ĐT) cho biết, mô hình đào tạo kết hợp giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp có thể giúp Việt Nam đào tạo hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch mỗi năm. Nếu được nhân rộng tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, cách làm này sẽ giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực bán dẫn trong nước.
Theo ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết.
“Sự tham gia và hợp tác này giúp nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình hợp tác như hiện nay giữa NIC và các trường đào tạo, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cần được nhân rộng”, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định.
Trong bối cảnh nhân lực bán dẫn đang là chủ đề nóng, Đà Nẵng là một trong những địa phương tích cực nhất trong việc giải bài toán thiếu hụt nguồn kỹ sư bán dẫn trong nước.
Chia sẻ tại tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, địa phương này đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tập trung vào việc xây dựng cơ sở pháp lý, tạo chính sách thu hút đầu tư; Chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng; Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các trường đại học. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại địa phương, Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo từ tháng 1/2024.
Ngay sau khi thành lập, Trung tâm đã ký kết 2 hợp tác chiến lược với tập đoàn Synopsys và tập đoàn Intel để triển khai hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cho Đà Nẵng.
“Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Trong đó, 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử”, ông Quảng cho biết.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, yếu tố then chốt chính là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp.