1. Nguyên liệu gói bánh chưng
Gạo nếp: 4kg
Đỗ xanh tách vỏ: 1kg
Thịt ba chỉ: 1kg
Gia vị: muối, tiêu, nước mắm
Lá dong: 40-50 chiếc
Dây lạt giang: 2 bó
Lá riềng tươi: 1 nắm
2. Cách gói bánh chưng ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Lá dong rửa sạch cả 2 mặt rồi lấy khăn lau khô và để ráo nước. Sau đó dùng dao cắt bớt gân lá cho lá mềm, dễ gói. Lưu ý cắt sát vào lá nhưng không cắt quá sâu tránh làm rách lá.
Lá riềng tươi rửa sạch, giã và chắt lấy nước cốt.
Ngâm gạo nếp tầm 6-8 tiếng hoặc ngâm qua đêm để bánh chưng dẻo thơm. Sau đó, vo sạch gạo, để ráo rồi thêm 1-2 muỗng muối vào, cho nước cốt riềng vào và trộn đều.
Đỗ xanh ngâm nước lạnh 2 tiếng, vo sạch vỏ rồi cho lên nồi, thêm một xíu muối hạt, nấu chín hoặc đồ chín. Tiếp theo, đánh nhuyễn đỗ rồi nắm đỗ thành từng nắm vừa tay.
Thịt ba chỉ rửa sạch với nước muối loãng rồi rửa sạch lại với nước sạch. Tiếp đó, thái miếng thịt dài 5-6cm, dày 1-2cm, rồi ướp thịt theo tỷ lệ 3 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh muối, 1 thìa canh tiêu. Thời gian ướp thịt tối thiểu 1 giờ.
Bước 2: Gói bánh
Để bánh chưng vuông vức, đẹp mắt, bạn nên chuẩn bị khuôn gói bánh chưng hình vuông để cố định hình dạng bánh. Kích thước khuôn bánh chưng chuẩn thường là 12 x 12cm.
Đặt 2 chiếc lá dong vào khuôn, tạo góc vuông ở hai bên khuôn, bẻ mép lá dưới thành hình tam giác. Làm tương tự với 2 lá còn lại ở hai góc đối diện nhưng không gấp mép lá thành tam giác.
Đặt 2 lá khác theo hình chữ thập, mặt tối của lá hướng lên trên để bánh có màu xanh đẹp mắt.
Tiếp đó, rải 1 bát gạo nếp đã sơ chế đều dưới đáy khuôn, bẻ một nửa nắm đỗ xanh lên trên gạo, tiếp theo là 2 miếng thịt. Tiếp tục phủ thêm một nửa nắm đỗ xanh còn lại và thêm 1 bát gạo nếp nữa để phủ kín nhân.
Cuối cùng, gấp gọn mép lá, nhẹ nhàng nhấc khuôn ra rồi dùng lạt buộc bánh lại.
Bước 3: Luộc bánh
Trước khi xếp bánh chưng vào nồi, cần xếp một lớp cuống lá dong bên dưới để bánh không bị cháy và dính đáy nồi. Có thể cho thêm vào nồi phần lá thừa để khi luộc bánh được xanh hơn.
Tiếp đó, xếp bánh vào nồi theo chiều thẳng đứng, khoảng cách bánh khít vào nhau.
Đổ nước vào nồi ngập bánh và đun liên tục trong 10-12 tiếng. Trong quá trình luộc, cần giữ nước ngập bánh liên tục, thấy nước cạn thì bồi thêm nước vào.
Lửa luộc bánh chưng không quá lớn, luôn giữ đều lửa, liên tục trong cả quá trình luộc.
Bước 4: Hoàn thành
Khi bánh chín thì vớt ra, cho ngay vào thau nước lạnh khoảng 15-20 phút rồi vớt bánh ra, lau sạch nhựa bề ngoài mặt bánh.
Xếp bánh ra mâm, để chỗ thoáng. Tiếp đó dùng 1 mâm khác đặt lên, đặt vật nặng lên mâm đè lên bánh để phần nước trong bánh chảy ra, giúp chắc bánh. Chú ý là không đặt quá nặng khiến bánh bị vỡ lòi ra nhìn không đẹp mắt.
Khi bánh đã nguội hoàn toàn, khô hết nước thì bỏ vật nặng đi, lấy bánh xếp vào chỗ thoáng mát.
3. Lưu ý khi gói và bảo quản bánh chưng
Nên chọn gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy đều. Không cần ngâm gạo quá kỹ sẽ làm bánh bị nát và dễ bị chua.
Có thể dùng đậu xanh sống ngâm mềm để gói mà không cần hấp chín.
Không gói bánh quá chặt tay vì quá trình luộc, bánh nở ra dễ bị bục.
Để bánh ở nơi khô thoáng và tránh ánh nắng trực tiếp sẽ giữ được tầm 7-10 ngày. Tốt nhất là nên treo bánh lên cao để tránh bị các loại côn trùng ăn.
Khi bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh, thường xuyên kiểm tra xem bánh có bị nấm mốc hay không. Trước khi ăn, nên cho vào lò vi sóng hoặc hấp cho bánh nóng lại.
Nếu muốn bảo quản lâu hơn, có thể cho bánh vào ngăn đông và dùng trong 20 ngày. Khi dùng bạn nên cắt một lượng vừa đủ và rã đông ở nhiệt độ thường rồi mang đi hấp. Có thể chế biến bánh bằng cách chiên để thay đổi khẩu vị.
Để thưởng thức bánh chưng đúng cách và tốt cho sức khỏe, nên ăn kèm bánh với rau xanh và dưa muối, củ kiệu, dưa hành để cân bằng dinh dưỡng và hỗ trợ tiêu hóa.
Bánh chưng ngon, gói đẹp, bạn có thể tự tin đặt trên mâm cỗ cúng gia tiên hoặc gửi tặng cho người thân, bạn bè. Chúc bạn thành công!
>> Xem thêm các công thức món ngon mỗi ngày mới nhất