Đã có lúc Vịnh Manila, địa điểm du lịch nổi tiếng của Philippines, ngập tràn trong rác thải, tới mức từng đợt sóng rác dạt vào bờ biển. Thế mà hiện tại, mức độ ô nhiễm tại đây đã có sự biến chuyển rõ rệt sau vài tháng triển khai dự án dọn dẹp rác thải, bắt đầu từ ngày 27/1/2019. Hơn 5.000 tình nguyện viên đã thu thập được 45 tấn rác trong đợt ra quân lần này, đánh dấu chiến dịch phục hồi môi trường quy mô quốc gia.
Tuy vậy, khoảng 2 tháng trước khi chiến dịch này bắt đầu, một dự án được âm thầm triển khai bởi Bounties Network đã xử lý 3 tấn rác tại Vịnh Manila trong vòng hai ngày nhờ mạng lưới các ngư dân, những người nhận được một đồng tiền ảo Ethereum cho một khối rác thu thập được. Với hầu hết các người ngư dân Philippines, họ không có kinh nghiệm với tiền điện tử ở bất kỳ dạng nào, thậm chí còn không có tài khoản ngân hàng.
(Nguồn: Internet) |
Lĩnh vực đổi rác thải lấy thanh toán điện tử đang có dấu hiệu phát triển tại Philippines. Vào tháng 9/2018, Plastic Bank, một công ty blockchain có trụ sở tại Canada sử dụng công nghệ của IBM, triển khai một dự án tương tự tại Naga, làng chài nhỏ ở phía Nam Luzon, đảo lớn nhất của Philippines. Một điểm thu đổi cố định được thiết lập để người dân đem các vật liệu nhựa và tái chế được đến và đổi lại phần thanh toán điện tử từ hệ thống tích điểm đổi thưởng. Shaun Frankson, đồng sáng lập Plastic Bank, cho biết 3 điểm thu đổi tương tự sẽ được triển khai ở gần Vịnh Manila trong vòng 6 tháng tới.
Việc Philippines được nhiều công ty quan tâm và chọn lựa làm địa điểm phát triển dịch vụ của mình có thể đến từ nguồn đóng góp vô cùng lớn của quốc gia này với rác thải biển. Một nghiên cứu năm 2015 của tờ Wall Street Journal cho thấy Philippines đứng thứ ba toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia, về nguồn thải rác nhựa ra biển, với khoảng 2 triệu tấn một năm.
Một số dự án đang được triển khai bởi Bounties Network tại Thái Lan và Indonesia, Plastic Bank tại Indonesia và Haiti, trước khi lan rộng ra thế giới trong các năm tiếp theo. Riêng tại Philippines, Bounties Network đã liên kết với đối tác địa phương, Coins.ph, để giúp người dân chuyển tiền điện tử họ thu được sang đồng tiền pháp định.
Dự án thu gom rác của Bounties Network (Nguồn: Internet) |
Khối lượng rác thải thu được bởi dự án của Bounties Network cuối tháng 12/2018 gồm rất nhiều chủng loại: đồ nhựa, đệm giường, đồ dùng trường học, giày dép, đồ chơi, khiến cho chất lượng nước trong vịnh giảm sút. Chính thói quen thu thập tái chế rác thải được tạo ra bởi các chương trình tiền ảo có thể giúp các cộng đồng dân cư nhận biết lợi ích lâu dài hơn là các đợt hô hào nhặt rác ngắn hạn. Còn Plastic Bank cũng biết cách kêu gọi các đối tác thương mại như cửa hàng mua sắm hay ngân hàng sử dụng hệ thống tích điểm đổi thưởng thay thế cho thanh toán tiền mặt.
Ngoài ra, dự án đổi rác lấy tiền ảo có lợi thế tiết kiệm chi phí không hề nhỏ cho chính phủ Philippines. Chương trình của Bounties Network trả mỗi ngư dân 2,5 USD cho mỗi giờ thu hoạch rác, gấp đôi mức lương tối thiểu mỗi ngày ở đây, và tổng số tiền chi trả cho việc thu gom 3 tấn rác trong hai ngày là 700 USD; trong khi đó kết quả tương tự có thể thu được bởi khoản chi 10.500 USD của chính quyền. Công nghệ blockchain có thể đem lại ích lợi thực tế so với tiền mặt, nếu nhìn vào các dự án ban đầu như thế này.