Ở phần 2, kỹ sư Vũ Đình Thanh, người trực tiếp tham gia nghiên cứu chế tạo các vũ khí mới cho một số tập đoàn vũ khí nhà nước tại châu Âu, hiện làm việc cho Cơ quan Nghiên cứu và sản xuất Almaz (tập đoàn Almaz-Antey - Nga) phân tích cách sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt để đại phá quân Thanh của vua Quang Trung năm 1789.

Chế tạo phốt pho

Ông có thể nói rõ hơn về phốt pho?

Phốt pho được nhà giả kim người Đức Hennig Brand tìm ra năm 1669, trước chiến thắng Đống Đa cả trăm năm. Khi ẩm, phốt pho phát ra ánh sáng lạnh (không có nhiệt). Ban đầu, ông có ý định sử dụng phốt pho để thắp sáng nhưng khi phốt pho khô đi thì lập tức bắt cháy với nhiệt độ rất cao.

Ngay sau đó, ông mang bán cho giới quý tộc để họ bôi phốt pho ẩm vào quần áo khiến quần áo phát sáng xanh trong đêm, bôi vào mắt để con mắt phát sáng.

{keywords}
Phốt pho có nhiều trong phân dơi, gây ra hiện tượng ma trơi, trong văn học nổi tiếng với tác phẩm Con chó săn của dòng họ Baskerville - con chó có mắt phát sáng trong đêm vì bôi phốt pho

Giới nghiên cứu hoá học cho rằng, chỉ có phốt pho là hóa chất có thể sử dụng để bôi vào mắt khiến con mắt phát sáng trong đêm vì nước mắt giữ cho phốt pho ẩm và phát ra ánh sáng lạnh. Đây là lý do vì sao con mắt của vua Quang Trung đã phát sáng xanh trong đêm mà rất nhiều sử sách đều ghi chép.

Trong "Tây sơn thuật lược" có miêu tả: "Tóc Huệ quăn, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...".

Như vậy, con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung là 1 bằng chứng hiển nhiên nữa về việc vua biết rất rõ về phốt pho. Nhưng liệu vua học được công nghệ sản xuất phốt pho từ phương Tây hay là tự biết?

Như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, nghệ thuật chỉ huy luôn gắn liền với kỹ thuật quân sự. Bài viết đã có cách đánh giá đúng đắn về kỹ thuật quân sự tương ứng với thiên tài quân sự của vua Quang Trung, mà nhờ đó mới có được chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa tiêu diệt 29 vạn quân Thanh.

Thượng tướng, Viện sĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu

Một điều chắc chắn là người Việt đã biết sản xuất phốt pho từ hàng nghìn năm trước.

Có nhiều thông tin là người Arập biết chưng cất phốt pho từ thế kỷ 12. Người châu Âu từ năm 672 đã sử dụng hợp chất phốt pho là Calcium Phosphide trong hợp chất “lửa Hy Lạp huyền thoại”.

Trở lại với phát minh về phốt pho trắng của ông Hennig Brand, phốt pho trắng là hóa chất cực kỳ nguy hiểm nhưng lại được chưng cất từ nước tiểu, đơn giản là chưng cất và ngưng đọng nước tiểu.

Phốt pho có sẵn ở Việt Nam?

Tôi đã đọc một phóng sự của VTC về huyền thoại hang dơi lớn nhất miền Bắc: “Tên gọi hang Cháy xuất phát từ việc người dân lên hang lấy đất đá về nấu thành chất dễ cháy vì nơi này có rất nhiều phân dơi. Nước tiểu dơi lâu ngày ngấm vào nên hàm lượng phốt pho rất cao”.

Có nghĩa là người Việt vùng cao cạnh các hang dơi khổng lồ nơi nhà Tây Sơn khởi nghĩa đã chế tạo chất dễ cháy (phốt pho) từ hàng nghìn năm trước. Và vua Quang Trung có sẵn phốt pho trắng cho cải tiến của mình.

Ngoài phân dơi, Việt Nam có hàng loạt đảo với lượng phân chim khổng lồ có hàm lượng phốt pho còn hơn cả trong phân dơi. Vua Quang Trung chỉ cần làm như những người dân cạnh hang dơi. Đó là nung phân dơi, phân chim với đất cát, than củi là có được nguồn phốt pho trắng vô tận. Đây là lý do để vua tự tin tuyên bố giết 3 vạn người trong một trận và tự tin chiến thắng cả một đạo quân nhà nghề khổng lồ chỉ trong vài ngày.

Theo thông tin từ tổ chức y học thế giới, những người tiếp xúc lâu dài với phốt pho, khi nồng độ phốt pho trong không khí đạt 0,1ppm thì đều có hiện tượng tủy xương bị hủy hoại, giảm huyết sắc tố trong máu gây ra hoa mắt, xây xẩm mặt mũi, bị ngất rồi có thể chết, mất răng, hoại xương hàm, viêm lợi rất đau đớn… Đó là tất cả những gì vua Quang Trung mắc phải trước khi băng hà mà người xưa gọi là chứng huyễn vựng.

Có thông tin là Nội hầu tướng quân Phan Văn Lân chết vào năm 1793 ở Bắc Thành. Tình trạng cũng khá giống vua Quang Trung. Điều này cho thấy chỉ có ít người thân cận với vua được cùng vua bào chế phốt pho trắng. Cái chết của vua Quang Trung được mô tả trong sử sách hoàn toàn trùng hợp với triệu chứng của những người bị bệnh khi bào chế phốt pho trắng. Vua đã hy sinh vì đất nước.

Hỏa cầu và hỏa hổ

Vũ khí chính của quân Tây Sơn là gì, theo ông?

Quân luật của nhà Thanh mô tả rõ vũ khí của quân Tây Sơn chủ yếu là hỏa cầu và hỏa hổ. Vua Quang Trung đã tập trung chế tạo tất cả các loại vũ khí tạo ra lửa với nhiệt độ cực lớn để tiêu diệt đối phương. Cách đánh này hiệu quả bởi quân tập trung một khối, hoặc trong thành trì hoặc trong tàu thuyền.

{keywords}
Các phương thức sử dụng hỏa cầu: Ném hỏa cầu phốt pho từ trên mình voi, bắn hỏa cầu phốt pho từ súng thần công trên voi, bắn hỏa cầu phốt pho từ súng thần công, phóng pháo thăng thiên với phốt pho từ hỏa hổ

Quân Tây Sơn sở hữu hỏa cầu có chứa phốt pho, được dùng như đầu đạn bắn từ súng thần công và sử dụng như đầu nổ trong tên lửa sơ khai (một dạng pháo thăng thiên to). 

Súng thần công và tên lửa sơ khai đã có từ trước thời Quang Trung. Tuy nhiên, việc sản xuất hỏa cầu phốt pho trắng không hề đơn giản nên sau khi chiến thắng quân Thanh, quân Tây Sơn đã hết hỏa cầu, không quay vào Nam tiêu diệt quân nhà Nguyễn. Thêm nữa, những nhân vật chủ chốt của vua Quang Trung đều đồng loạt bị bệnh vì phơi nhiễm phốt pho.  

Tổng hợp lại, hỏa cầu của vua Quang Trung là một quả cầu kim loại rỗng ruột hoặc bằng giấy quết nhựa bên ngoài, to cỡ quả bưởi, lõi là thuốc nổ đen, bên trong có phốt pho trắng nguyên chất. Khi nổ, thuốc nổ đen tung phốt pho trắng vào không khí, phốt pho trắng lập tức tác dụng với ô xy gây cháy với nhiệt độ lên tới 2.000 độ C.

Đây là một ý kiến rất hay, lý giải được vấn đề then chốt của một trận đánh.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Tuyến, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

 

Hỏa cầu có thể được bắn bằng súng thần công, bằng pháo thăng thiên, hoặc ném vào quân địch.

Một quả hỏa cầu cỡ quả bưởi tiêu diệt ngay lập tức toàn bộ người trong vòng 600m2 bất kể là 1 người hay 1.000 người trong diện tích đó nếu họ không dịch chuyển.

Vua Quang Trung còn có siêu vũ khí rất uy lực thứ hai là hoả hổ. Chính sử nhà Nguyễn ghi lại:

“Các đội quân Trịnh thấy mũi giáo Tây Sơn quá sắc liệu không chống nổi, cố sức lấy súng lớn bắn ra, quân Tây Sơn đều cúi đầu tránh đạn mà nhảy vào. Chúa Trịnh mặc nhung phục, đứng trên voi phất cờ hồng thúc các quân. Quân Tây Sơn lấy ông hỏa hổ tung ra, quân Trịnh đều tan vỡ, vứt gươm, bỏ giáo, xô nhau chạy trốn thể như núi đổ, chồng chất đạp lên nhau mà chết”.

“Tháng Sáu năm thứ 51 (tức năm Bính Ngọ 1786), Nguyễn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ công thành, nghe nói có đến hơn 5 vạn quân, khí giới của chúng phần lớn là giáo mác và hỏa đồng còn có tên là hoả hổ, có bầu lớn, dài chừng một thước (khoảng 30cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy”.

Sử ký của nhà Nguyễn ghi: “Tây Sơn dùng nhựa cây trộn với dầu mỏ chế ra loại hỏa dược cháy lâu và không thể dập tắt”. Và trong quân luật của quân Thanh ghi: “Quân Nam không có sở trường gì khác, toàn dùng thứ ống phun lửa làm lợi khí, gọi là hoả hổ. Khi hai quân giáp nhau, trước hết họ dùng thứ đó đốt cháy quần áo người ta, buộc người ta phải lui”.

Như vậy đã rất rõ ràng. Quân Tây Sơn được trang bị đại trà một loại vũ khí là hỏa hổ, đơn giản chỉ ống đồng có hai khoang, một nhỏ một dài như hình sau đây:

{keywords}
 

Loại vũ khí này có từ thời nhà Trần, thuốc nổ đen được nhồi vào phần tròn tròn có ngòi dẫn ra ngoài, phần dài sẽ nhồi các mảnh sắt hoặc chất gây cháy hoặc mũi tên. Khi thuốc nổ đen nổ thì tống sắt hoặc mũi tên hoặc chất cháy ra gây sát thương và gây cháy.

Cải tiến nhỏ thành vĩ đại

Loại vũ khí thông thường tại sao trong tay quân Tây Sơn lại thành siêu vũ khí tiêu diệt mọi kẻ thù?

Vua Quang Trung cải tiến tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng lại rất vĩ đại biến hỏa hổ trong tay quân Tây Sơn thành thứ siêu vũ khí. Vua thay bằng hỏa dược của riêng mình mà theo mô tả của nhà Nguyễn thì là chất lỏng tự cháy, bám vào quân giặc, không dập tắt được, làm từ nhựa cây và dầu mỏ.

Chất lỏng này theo mô tả “trúng phải đâu, lập tức bốc cháy” chứng minh rõ ràng trong đó phải chứa phốt pho. Loại chất này khi cháy đạt 1.200 - 2.000 độ C, nghĩa là còn hơn napan tự cháy ngày nay.

Cải tiến tiếp theo với hỏa cầu, đó là phương thức phóng chất lỏng (hỏa dược) tự cháy. Vua sử dụng 2 nguyên lý pháo hoa và tên lửa sơ khai. Cụ thể:

Sử dụng nguyên lý pháo hoa để bắn gần đến 50m: Cách bắn này dùng cho cận chiến và sử dụng nguyên lý y hệt như pháo hoa, chỉ khác là thay các hạt sáng tạo màu bằng chất lỏng đặc biệt nêu trên và bắn ngang chứ không bắn lên trời. Khi đập vào mục tiêu, khối cầu này vỡ tung, nhờ có phốt pho nên tự động bốc cháy với nhiệt lượng cực lớn, bám vào quân địch và không dập tắt được như sử sách mô tả.

Còn nếu không đập vào mục tiêu thì y hệt như pháo hoa, nhờ ngòi nổ đến tầm nhất định sẽ nổ tung ra và tung chất lỏng đặc biệt này khắp nơi. Chất lỏng sẽ tự cháy và biến toàn bộ quân thù thành bó đuốc sống. 

Quân Việt được trang bị ống hỏa hổ, kèm theo là hàng chục quả pháo hoa chứa chất lỏng đặc biệt, khi chiến đấu chỉ cần cắm quả pháo hoa vào ống hỏa hổ, chĩa về phía địch và châm ngòi đốt. Cách làm này của vua Quang Trung dựa theo các công nghệ sẵn có hàng nghìn năm, rất dễ làm.

Rất có thể vua Quang Trung còn có cải tiến đáng kể nữa là không cần đốt ngòi nổ quả pháo hoa (vì như vậy trong thực chiến sẽ lâu) mà có động tác tung hỏa hổ lên phía trước. Trong hỏa hổ có nạp quả pháo hoa, pháo hoa giật lại đập hạt nổ, mồi cho khối thuốc đen nổ và bắn quả cầu với chất lỏng đặc biệt lao về quân giặc.

Trong khoảng cách 30-50m thì vũ khí hỏa hổ của Tây Sơn không có đối thủ. Chi tiết như các hình vẽ minh họa sau đây:

{keywords}
 

Sử dụng nguyên lý pháo thăng thiên (tên lửa): Hỏa hổ được gắn vào đáy cán giáo và giáo được cắm vào đất. Lúc này, hỏa hổ sẽ như ống phóng cho pháo thăng thiên với phần đầu được thay thế bởi chất lỏng đặc biệt hơn cả napan hoặc phốt pho trắng. Bằng cách đốt ngòi pháo (tên lửa sơ khai) với phần đầu nổ là chất lỏng hơn napan hoặc là phốt pho trắng, pháo thăng thiên này bay khỏi ống hỏa hổ tới mục tiên xa tới 300-500m.

Khi tới mục tiêu, đầu nổ sẽ nổ tung phốt pho trắng gây cháy đồng loạt, thiêu và làm chết ngạt quân thù. Hình vẽ mô tả sau đây:

{keywords}
 

Nhà khoa học thời cận đại

Sử sách nhà Nguyễn lúc thì ghi quân Tây Sơn chế tạo ra loại chất cháy từ nhựa thông, lúc thì ghi là từ nhựa cây. Tại đất Tây Sơn, chất cháy đó là dầu chai, một loại nhựa cây dầu có nhiều ở rừng núi Tây Sơn.

Dù là nhựa thông hay dầu chai hay nhựa cây, rõ ràng chất lỏng đó có nhiệt lượng cực cao và có khả năng bám chặt vào quân địch khi phóng ra. Khi cháy, chất lỏng này không thể dập tắt được vì có pha phốt pho và có nhiệt lượng rất lớn tương tự như bom napan tự cháy hiện đại. Đây chính là chìa khóa sức mạnh vô địch của quân đội Tây Sơn. 

{keywords}
 

Tất nhiên quân Tây Sơn còn có thể nhồi dung dịch đặc biệt nêu trên vào bình đất, vào đoạn tre rồi ném vào quân thù như lựu đạn ngày nay. Bình đất hoặc đoạn tre vỡ tung ra, dung dịch tự bắt cháy và thiêu quân thù.

Các trận chiến đấu chủ yếu thường được tiến hành vào nửa đêm và kết thúc trước khi trời sáng, quân Tây Sơn dành thời gian ban ngày cho việc trú quân kín đáo và chuẩn bị đánh lúc nửa đêm.

Tuy vậy, vũ khí của quân Tây Sơn có điểm yếu là quân địch phải ở trong tầm bắn, phải tập trung thành một cụm thì lửa của nhiều loại vũ khí mới tạo được nhiệt độ siêu cao. Nhà Nguyễn sau nhiều lần chiến đấu với quân Tây Sơn đã biết. Từ trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút, quân Nguyễn đã giãn cách xa khỏi tầm tác chiến của hỏa lực Tây Sơn.

Sau này, nhà Nguyễn có sử dụng vũ khí Pháp có tầm bắn hơn xa tầm bắn của các loại vũ khí của quân Tây Sơn, quân khi tiến lên thì có độ giãn cách lớn, cộng thêm việc nhà quân sự, nhà khoa học vĩ đại vua Quang Trung mất đi nên không tìm ra đối sách hiệu quả.

Toàn dân ta đều biết vua Quang Trung là nhà quân sự, chính trị lỗi lạc nhưng trước hết, vua là nhà khoa học Việt Nam giỏi nhất thời cận đại, làm việc đến hơi thở cuối cùng vì đất nước. Đó là sự thực mà toàn thể dân Việt ai cũng nên biết.  

Quốc Phong - Thái An

Siêu vũ khí hủy diệt của vua Quang Trung

Phần 1: Siêu vũ khí của vua Quang Trung

Quân đội Tây Sơn sở hữu 2 loại vũ khí khủng khiếp, đó là phốt pho trắng và chất lỏng đặc biệt.