Không có điện thoại thông minh hay những ứng dụng hẹn hò như loài người, thêm việc không ưa di chuyển, vậy loài lười làm cách nào để hẹn hò? Câu trả lời chính là việc 'đánh dấu bằng phân' để dụ đối phương.
Những con lười cái rất hiếm khi trèo xuống cây, nơi chúng ngụy trang để tránh kẻ săn mồi. Thông thường phải từ tám tới mười ngày chúng mới xuống khỏi tổ một lần. Nhưng lười cái lại sẵn sàng xuống cây bất cứ lúc nào để tìm bạn tình.
Những con lười đực sẽ kiểm tra nhu cầu sinh sản của con cái trong khu vực bằng một cách hết sức đặc biệt là 'ngửi phân' dưới những gốc cây. Từ đó, sẽ đưa ra tín hiệu cho đối phương.
Mặc dù dành phần lớn thời gian để treo ngược mình trên cây nhưng loài lười lại có kỹ năng bơi lội rất cừ khôi. Chúng có thể di chuyển trong nước nhanh gấp ba lần so với trên cạn và có thể nín thở dưới nước tận 40 phút.
Không giống như nhiều loài động vật có vú khác, con lười có khả năng làm chậm nhịp tim của chúng tới 1/3 mức nhịp bình thường. Vì vậy, chúng có thể nín thở trong thời gian dài, điều mà bất cứ một thợ lặn hay vận động viên bơi lội nào cũng khao khát.
Những con lười phải trèo xuống cây để có thể đi vệ sinh. Đây là một việc làm tương đối nguy hiểm khi có nhiều 'kẻ săn mồi' ẩn nấp dưới mặt đất. Tuy nhiên, sau mỗi lần đi vệ sinh, trọng lượng của lười sẽ giảm đi 1/3 nên loài vật này cũng chỉ cần xuống mặt đất khoảng bảy tới mười ngày một lần. Một con lười cũng có thể mất tới 50 ngày để tiêu hóa lượng thức ăn của mình.
Có hai loại lười chính là loài lười ba ngón và loài hai ngón. Mặc dù đều có ba ngón chân nhưng sự khác biệt về số ngón ở hai chi trên là hết sức quan trọng.
Bởi lẽ, loài lười ba ngón sẽ nhỏ hơn và cực kỳ kén ăn. Chúng cũng không thể sống trong điều kiện nuôi nhốt vì chỉ có thể ăn được lá cây nơi chúng sinh ra.
Phần lông trên đầu của loài lười sẽ bị gập làm đôi, do vậy tảo và rong rêu có thể phát triển trên đó. Ngoài ra, nấm, bọ cánh cứng, gián hay bướm đêm cũng làm tổ trên thân lười.
Thậm chí, một số nhà sinh vật học có thể tìm được tới 120 con bướm đêm bò xung quanh một số con lười. Những loại động thực vật ký sinh trên thân này sẽ giúp lười có lớp ngụy trang an toàn để tránh khỏi những loại chim săn mồi nguy hiểm như đại bàng.
Loài lười đặc biệt yêu thích việc ngủ. Mặc dù những con lười hoang dã ở Nam và Trung Mỹ có thói quen ngủ khá giống với con người (8-9 tiếng) thì những con lười nuôi nhốt có thể ngủ tới 20 tiếng một ngày.
Tuy nhiên, lối sống biếng nhác này lại dường như không ảnh hưởng tới sự linh hoạt ở khớp cổ của chúng. Những con lười ba ngón có thể quay đầu tới 270 độ, một đặc điểm mà bất cứ người yêu Yoga tới đâu cũng không làm được dù có dành bao nhiêu thời gian trên thảm tập đi chăng nữa. Bí mật nằm ở chỗ: loài lười có thêm một đốt sống ở cổ.
Tổ chức bảo tồn Foundation AIUNAU đã giới thiệu 'Ngày Quốc tế của loài lười' để giúp mọi người nhận thức về con vật này, môi trường sống của chúng cũng như sự cần thiết của các nỗ lực bảo tồn.
Loài lười được tìm thấy nhiều nhất ở Nam và Trung Mỹ. Chúng phụ thuộc vào cây cối trong các khu rừng nhiệt đới để làm nơi trú ẩn và tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, hiện nay do nạn phá rừng bất hợp pháp khiến môi trường sống của loài vật này luôn ở trong tình trạng bị đe dọa. Có sáu loài lười hiện được tìm thấy trên Trái đất là: lười ba ngón lùn, lười có lông, lười cổ họng, lười lông nâu, lười hai ngón Linnaeus và lười hai ngón Hoffman. Những con lười Pygmy ở rừng Isla Escuado de Veraguas của Panama đang bị đe dọa nghiêm trọng và loài lười Mập ở Brazil cũng đang gặp nguy hiểm.
Một ngày bất kỳ trong tháng 10 hàng năm sẽ được chọn để tổ chức những hoạt động hướng về loài động vật di chuyển chậm chạp nhưng hết sức dễ thương này.
Đỗ An (Theo Wanderlust)