FIFA 15

Có thể nói, gã khổng lồ EA đã mang đến một trong những tựa game phiền hà nhất với những tay tin tặc muốn crack game với mục đích xấu. Hãng này đã sử dụng hệ thống bảo mật DRM Denuvo, một công nghệ mới và hiện đang được rất nhiều nhà phát hành khác tin dùng như Rockstar Games chẳng hạn. Công nghệ này không những sử dụng điện toán đám mây mà nó còn có chứa các bộ mã đặc biệt có thể thay đổi liên tục theo thời gian. Về mặt lý thuyết, khả năng tin tặc có thể tấn công vào hệ thống trò chơi để bẻ khóa gần như là không thể. Vâng, quả thật rất xứng danh là 'ông lớn' trong làng game phải không nào.

Dragon Age: Inquisition

Cũng sử dụng hệ thống bảo mật tương tự như FIFA 15, Dragon Age Inquisition cũng là một trong những trò chơi mà nhiều tin tặc chán chả buồn động vào. Có lẽ, chúng ta sẽ cần phải trao bằng sáng chế và vinh danh những ai đã tạo ra Denuvo mất thôi bởi nó đã làm được điều mà các nhà phát hành trăn trở hàng chục năm trời - ngăn cản những tay lậu game. Tuy có nhiều báo cáo (chưa được xác thực) cho rằng một vài tựa game cũng sử dụng Denuvo vẫn bị crack nhưng phải nói rằng đối với những tựa game tên tuổi như Dragon Age Inquisition hay FIFA 15 thì điều này là rất hiếm.

Star Tropics

Đối với những kẻ chép lại tựa game này của Nintendo, họ vẫn có thể đăng nhập vào game như bình thường nhưng rắc rối lại nằm ở nhiệm vụ đầu tiên trong game. Khi đó, bạn sẽ phải thực hiện yêu cầu của NPC là "đi tìm và mang đến một lá thư" mà với những kẻ chép game thì không thể biết được lá thư ở đây là gì. Thực chất, đây là một 'thông điệp' được đính kèm với trò chơi 'xịn' khi mua và trong đó hàm chứa một loại mật mã để phân biệt game 'chính chủ' và game lậu.

Tuy nhiên, hình thức này đôi khi cũng gây không ít phiền hà đối với những người mua game xịn. Bởi có người cho rằng nó không quan trọng nên vứt đi, lúc cần đến thì không tìm lại được, bản thân lá thư này cũng được viết bằng loại mực đặc biệt chỉ hiện lên khi nhúng nước nên cũng có cả trường hợp nhúng nước quá đà, chữ bay mất hay nhập nhòe không nhìn rõ nét. Dẫu sao, đây cũng là một biện pháp chống vi phạm bản quyền khá độc đáo đấy nhỉ.

Spyro: Year of the Dragon

Kể từ khi các trò chơi của mình được cộng đồng ưa chuộng thì cái cách mà Insomniac Games đối phó với nạn lậu game cũng được đổi mới theo. Tuy không có cách nào ngăn chặn triệt để nhưng họ lại tạo ra vô số cái bẫy trong game để trừng phạt những kẻ chơi game lậu.

Ví dụ, khi một người chơi game lậu bị hệ thống phát hiện thì ngay lập tức những cái bẫy sẽ được kích hoạt. Có rất nhiều loại bẫy khác nhau được Insomniac tạo ra như tự động thay đổi các cài đặt trong game, xóa đi những dữ liệu save game quan trọng hay mọi thứ mà kẻ chơi game lậu tích trữ được đều tan theo mây khói. Chà, mới nghĩ đến việc chơi game đến mức độ nào đó, có được kha khá thành tích cùng những bộ item ngon lành rồi đột nhiên bị xóa đi thì đúng là chỉ có khóc. Không hiểu với cách trừng phạt 'tàn nhẫn' thế này của Insomniac thì liệu có ai dám đâm đầu vào Spyro: Year of the Dragon lậu nữa không ta.

The Silicon Dreams

The Silicon Dreams là một trong những trò chơi có ý tưởng khá độc đáo trong việc ngăn chặn tệ nạn lậu game mà những tin tặc không tài nào đoán biết được. Trở lại với những năm 90, khi chúng ta mua The Silicon Dreams từ một cửa hàng game nào đó, ngoài trò chơi ra chúng ta còn được nhận kèm theo một cuốn tiểu thuyết do chính hãng phát triển này 'chắp bút'. Tưởng chừng như đây chỉ là một cuốn truyện vô nghĩa nhưng thực sự nó lại là một 'từ điển mật khẩu' dành cho những ai mua game The Silicon Dreams xịn đấy. Khi làm nhiệm vụ trong game, bạn sẽ được yêu cầu nhập lại những câu, từ ở một trang nào đó và nếu nhập đúng mới có thể tiếp tục chơi. Cách này tuy có hơi lộ liễu nhưng cũng chính vì vậy mà những tên chép game đã bỏ qua chi tiết đó và bất lực khi muốn crack game. Đúng là 'nguy hiểm nhất cũng là an toàn nhất' phải không nào?

(còn tiếp)

T.B