Chúng ta đều biết, game lậu, game vi phạm bản quyền xuất hiện đầy rẫy trên thị trường và có thể dễ dàng tìm thấy. Thế nhưng, có bao giờ bạn cho rằng các nhà phát triển game đã lường trước tình huống đó rồi hay chưa? Đáp án dĩ nhiên là có, nhưng họ ngăn chặn bằng cách nào đây khi mà thủ đoạn của những kẻ lậu game ngày càng tinh vi?

Hầu hết, các hãng phát triển đều biết để ngăn cản triệt để tệ nạn vi phạm bản quyền game là điều không thể, cho nên họ đã nghĩ ra những biện pháp cực độc để dù trò chơi của mình bị sao chép lại thì những kẻ ác ý  cũng không dễ dàng được trải nghiệm 'đứa con tinh thần' mà họ dày công phát triển. Hãy cùng GameSao theo dõi xem, họ đã sử dụng những 'tuyệt chiêu' hiểm hóc như thế nào nhé.

Dirt Showdown

Các nhà phát triển của Dirt Showdown sớm đã biết chắc chắn trò chơi của mình rồi sẽ xuất hiện các vị khách 'không mời mà đến' do đó họ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để chào đón những người chơi này. Ví dụ, trong một trận so tài in-game, tên của người chơi sử dụng game lậu sẽ bị đổi thành 'Pirate' và khi trận đấu diễn ra, một computer có tên 'Yarrr Avast' sẽ luôn chạy theo sau người chơi đó, buông ra những lời lẽ cay nghiệt về hành vi thiếu tôn trọng nhà sáng tạo của người đó. Cứ liên tiếp như vậy thì dù game thủ có mặt dày đến đâu cũng đến phải phát bực và chừa không dám động vào Dirt Showdown nữa thôi.

The Witcher 2: Assasins of Kings

Series The Witcher phải nói là tựa game thành công bậc nhất của hãng phát triển CD Projekt Red, chính vì lẽ đó nguy cơ 'bị nhái' là chuyện 'bình thường ở huyện'. Tuy nhiên, đối với những người chơi game vi phạm bản quyền, hãng phát triển này đã có một hình thức rất đặc biệt khiến nhiều người nản chí mà không dám động vào game nữa.

Nếu đã chơi qua The Witcher 1 2, hẳn bạn sẽ biết sự xuất hiện của các nhân vật nữ xinh đẹp trong game là điều không thể thiếu, thậm chí là còn có những pha 'lãng mạn quá độ tuổi' nữa. Đó được coi là một liều thuốc kích thích các game thủ khi trải nghiệm trò chơi này. Nhưng sẽ thế nào khi mà các nhân vật nữ quyến rũ trong game biến thành các bà lão 'thất thập cổ lai hy' đây? Đây quả là một hình thức trừng phạt có phần 'tàn nhẫn' của CD Projekt Red.

Chrono Trigger

Một trong những tựa game xuất sắc nhất được thực hiện, và hiển nhiên nó cũng nằm trong tầm ngắm của những tay lậu game rồi. Tuy nhiên, cha đẻ của Chrono Trigger đã sớm lường trước điều này và có sẵn kế hoạch để đương đầu với tệ nạn vi phạm bản quyền. Nếu bạn đã từng chơi qua tựa game này, bạn sẽ biết mỗi khi du hành xuyên thời gian thì màn hình trong game sẽ bị nhiễu một lúc. Và đối với các trò chơi vi phạm bản quyền, tình trạng này sẽ lặp đi lặp lại mà không bao giờ kết thúc. Nếu vậy thì game thủ lậu còn nhìn thấy gì mà chơi nữa nhỉ, một cách xử lý tuy đơn giản mà rất hiệu quả phải không nào.

Dragon Quest 5

Square Enix là một hãng game nổi tiếng và họ có thừa kinh nghiệm để đối phó với những tay lậu game. Ví dụ, trong Dragon Quest 5, những người dùng game lậu vẫn có thể đăng nhập vào game, đối thoại với các nhân vật trong game bình thường như không có gì xảy ra nhưng hãy chờ đến khi họ bắt đầu giong buồn ra khơi đã. Đến lúc này, nếu hệ thống phát hiện trò chơi là một bản lậu thì người chơi sẽ bị mắc kẹt mãi mãi trên đại dương mà không bao giờ có thể tìm thấy đất liền để cập bến. Một đòn quá hiểm của Square Enix.

Five Nights at Freddy’s

Tuy đây không phải là một trong những hình thức trừng phạt cay đắng nhất đối với những người sử dụng game lậu nhưng nó đan xen yếu tố hài hước lẫn đáng sợ. Khi chơi game lậu, người dùng vẫn có thể dễ dàng phá đảo trò chơi như thường mà không hề gặp chút trở ngại nào cả. Nhưng hãy chờ đến lúc kết thúc trò chơi và bạn ấn nút 'thoát'. Lúc này, Freddy sẽ nhảy xồ ra với mục đích dọa bạn sợ đến độ 'vãi ra quần', nếu đang đeo tai nghe, âm thanh rùng rợn lúc đó còn khiến nhiều người phải khóc thét vì giật mình cơ đấy.

Máy chơi game của Nintendo

Trở lại những năm 1990, tệ nạn vi phạm bản quyền game khi đó đang lan tràn một cách chóng mặt và nhiều hãng game phải bó tay trước tình cảnh chung, tuy nhiên, Nintendo không nằm trong danh sách này. Khi hãng giới thiệu Famicon Dish System, hay còn gọi là máy chơi game NES (điện tử 4 nút huyền thoại), ngay lập tức nó trở thành miếng mồi béo bở mà những kẻ chuyên làm game lậu khó có thể bỏ qua. Tuy nhiên, họ đã tích hợp thêm một con chip chống lậu vào các băng trò chơi mà nhiều kẻ làm game lâu không hề hay biết. Kết quả thế nào hẳn bạn cũng đoán được phải không, nếu băng trò chơi nào không có chip chống lậu của Nintendo thì NES sẽ không đọc thông tin (dù nội dung có giống nhau đến mấy).

Prince of Persia

Chắc hẳn các game thủ đời đầu hẳn vẫn còn nhớ như in trò chơi tuy đơn giản mà lại cực kỳ hại não này chứ? Dĩ nhiên, độ phổ biến của nó càng cao thì nguy cơ bị làm nhái lại càng tăng, do vậy, các nhà phát triển của Prince of Persia cũng đã có biện pháp riêng để đương đầu với tệ nạn này.

Có một căn phòng ở đầu game chứa đầy potions (lọ máu) và mỗi potions đều yêu cầu người chơi phải nhập vào một dãy mã gồm các chữ cái được xuất hiện trên màn hình. Nếu nhập đúng, người chơi sẽ nhận được lọ máu và tiếp tục cuộc hành trình, nhưng nếu nhập sai, ngay lập tức trò chơi sẽ bị khởi động lại. Dĩ nhiên, lúc đó mạng internet vẫn chưa được phổ biến cho nên việc lên mạng dò hỏi người khác về dãy mã đó là điều không thể. 

(còn tiếp)

T.B