(Nguồn hình: Freepik) |
Công việc nhàm chán nhất bạn từng đảm nhận là gì?
Điều cần lưu ý: Phỏng vấn viên đang muốn xem bạn sẽ mô tả cụ thể công việc đó đến đâu và tại sao bạn thấy chán nhưng vẫn chấp nhận làm. Nếu bạn đưa ra quá nhiều dữ kiện, hình ảnh của bạn cũng dễ bị phỏng vấn viên mặc định là một người không mấy thú vị.
Phương án trả lời: Bạn cần đưa ra quan điểm là không cho phép bản thân phát triển một cách nhàm chán, không có định hướng trong công việc nên thật ra bạn cũng sẽ không hiểu liệu có ai đó lại đồng ý đảm nhận hoặc cứ mãi gắn bó với một công việc gây chán chường nào đó.
Ví dụ: “Có thể tôi khá may mắn nhưng tôi chưa từng cảm thấy chán công việc của mình mà luôn tìm cách để nó trở nên thú vị hơn. Công việc nào cũng sẽ có thử thách và những khúc mắc đòi hỏi bản thân mình phải dùng nhiệt huyết và năng lượng cùng những kỹ năng phù hợp để giải quyết vấn đề. Nên nếu ai đó cảm thấy chán thì có lẽ họ vẫn chưa đủ quyết tâm để vận dụng hết khả năng của mình”.
Bạn có từng xin nghỉ nhiều ngày trong công việc trước không?
Điều cần lưu ý: Trong trường hợp bạn đã từng gặp rắc rối với công ty cũ vì vấn đề nghỉ dài ngày, bạn sẽ khó tránh né hay quanh co bởi phỏng vấn viên có thể dễ dàng nhận ra, cũng như có cách để kiểm tra lại thông tin.
Phương án trả lời: Nếu việc nghỉ phép dài ngày của bạn trước đây được công ty chấp thuận và không để lại hậu quả gì nghiêm trọng, bạn chỉ cần trung thực và nhấn mạnh vào việc ngoài khoảng thời gian đó thì bạn vẫn luôn được ghi nhận tốt về việc tuân thủ giờ giấc làm việc trong công ty.
Còn nếu bạn đã từng gặp rắc rối vì vấn đề nghỉ dài ngày, hãy làm giảm mức độ nghiêm trọng của nó bằng cách giải thích rõ đó là tình huống bất khả kháng và bạn đã thoả thuận được với công ty về phương án khắc phục.
Ví dụ: “Ngoại trừ tình huống khó xử vào năm ngoái khi tôi buộc phải nghỉ dài ngày để giải quyết việc cá nhân, sau khi đã trình bày và được công ty đồng ý thì giờ công việc của tôi đã trở lại guồng quay bình thường. Tôi nghĩ việc chấp hành nội quy làm việc của công ty là quan trọng, vì nó liên quan đến nhiều người khác, trừ những trường hợp bất khả kháng thì cần có sự thoả thuận với công ty để có phương án xử lý tốt cho cả đôi bên”.
Tôi nghĩ bạn chưa có đủ kinh nghiệm mà chúng tôi đang tìm kiến
(Nguồn hình: Freepik) |
Điều cần lưu ý: Đây có thể là câu hỏi khiến bạn “được ăn cả, ngã về không”. Có thể phỏng vấn viên đã ưng ý với những gì đã trao đổi với bạn, nhưng vẫn còn một điều gì đó chưa hoàn toàn hài lòng và bạn sẽ cần phải đưa ra được “cú chốt” thuyết phục.
Phương án trả lời: Trong nhiều trường hợp, câu hỏi này không có nghĩa là phủ nhận khả năng của bạn, thậm chí bạn có thể có cả bằng cấp mà nhà tuyển dụng yêu cầu nhưng kinh nghiệm thực tế của bạn lại đang hơi yếu ở khía cạnh nào đó. Vì vậy, đừng phủ nhận ý kiến của phỏng vấn viên mà hãy trình bày rõ ràng hơn đó là thử thách bạn sẽ vượt qua được, bằng cách vận dụng các thế mạnh khác của bản thân.
Ví dụ: “Tôi nghĩ ở thời điểm này, có thể kinh nghiệm trong việc lên kế hoạch cho các sự kiện của mình chưa hoàn hảo như mong muốn của công ty. Nhưng trong thực tế, mọi thử thách của công việc đều đòi hỏi bản thân mỗi người phải vận dụng nhiều thế mạnh và khả năng khác nhau của mình kết hợp lại để giải quyết vấn đề, chứ không chỉ là sử dụng một kinh nghiệm đơn lẻ nào đó. Vì vậy, tôi tự tin mình là người biết nắm bắt tình huống để có hướng xử lý tốt và hiểu rõ kỹ năng nào mình đang sở hữu sẽ phục vụ tốt điều này”.
Bạn có thể đóng góp được gì cho công ty nếu chúng tôi nhận bạn?
Điều cần lưu ý: Dù cho bạn là ứng cử viên sáng giá đến đâu, sẽ là khó để đưa ra câu trả lời chính xác trong tình huống này, bởi nó phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh thực tế, thế mạnh của công ty, năng lực của những người quản lý hay nhân viên chủ chốt, tình hình kinh doanh và các phương thức vận hành...
Hơn nữa, cho dù phỏng vấn viên và bạn có cuộc thảo luận thoải mái đến đâu thì bạn vẫn đang là người ngoài cuộc cho đến khi trở thành nhân viên chính thức. Vì vậy, một câu trả lời quá tự tin và chắc chắn lúc này nhiều khả năng sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả phỏng vấn sau cùng.
Phương án trả lời: Bạn hãy thẳng thắn nêu rõ quan điểm mình là người thực tế và cần phải có những dữ liệu chính xác trước khi đưa ra được đề nghị theo đúng tình hình và nhu cầu của công ty.
Ví dụ: “Thật sự thì kể cả khi tôi là một bác sĩ giỏi, tôi cũng không thể đưa ra bất kỳ phán đoán nào với bệnh nhân khi chưa có trong tay kết quả xét nghiệm. Vì vậy, nếu công ty nhận tôi vào làm, điều tôi có thể chắc chắn là sẽ nghiêm túc dành thời gian để nghiên cứu kỹ hơn mọi thứ về tình hình kinh doanh và các hoạt động trong công ty, tham gia và lắng nghe thận trọng trong những buổi họp chuyên môn với các thành viên liên quan để cảm nhận được rõ ràng những gì công ty đang theo đuổi. Từ đó đưa ra đề xuất mọi thứ có thể được cải thiện như thế nào, cụ thể ra sao.
Còn trong khuôn khổ buổi phỏng vấn này, từ những thông tin do anh/chị cung cấp, tôi có thể một lần nữa khẳng định là mình tự tin sở hữu những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp để đảm nhận vị trí đang tuyển dụng và hy vọng tôi sẽ có cơ hội nhanh chóng bổ sung vào chỗ khuyết nhân sự này”.
(Nguồn: CareerBuilder)