Khi một chiếc xe máy mang biển số 30 L9 – 23301 tiến vào bãi giữ xe, nhân viên bảo vệ dõng dạc đọc to: “Đủ, lan chín, hai ba ba một thằng gầy”. Người còn lại cắm cúi ghi vé, không ngẩng mặt lên, vẫn đúng từng số từng chữ của biển xe.
Mỗi ngành nghề đều có một hệ thống thuật ngữ riêng, bao gồm những từ ngữ “bí mật” khiến nhiều người “ngoại đạo” cảm thấy khó hiểu, nhưng cũng gây sự tò mò nhất định. Đến khi khám phá thì thấy nhiều điều thú vị.
Bãi trông giữ xe phía sau cổng số 2, bệnh viện Thanh Nhàn |
Có mặt tại một hàng nước nằm bên cạnh khu vực gửi xe của bệnh viện Thanh Nhàn, PV Dân Việt đã có dịp "mục sở thị" một số cách “dịch” biển số xe độc đáo của các nhân viên bảo vệ ở đây.
Tại khu vực ghi vé, luôn có hai nhân viên bảo vệ, một người phụ trách đọc biển số xe, người còn lại ghi vé và trao cho khách hàng. Ví dụ: 11 giờ sáng nay, khi một chiếc xe máy mang biển số 29 G1 – 6902 tiến vào khu vực gửi xe, nhân viên bảo vệ đọc to: “Hai chín gà nhỏ, sấu chín không hai”. Người còn lại sau khi nghe xong liền nhanh chóng ghi vé chính xác từng số một và gửi cho khách hàng trong sự thích thú ngạc nhiên của vị khách. Tương tự, 5 phút sau, một chiếc xe máy khác mang biển số 30 L9 – 23301 tiến vào, nhân viên bảo vệ tiếp tục đọc: “Đủ, lan chín, hai ba ba một thằng gầy”. Người còn lại vẫn cắm cúi ghi vé, không cần ngẩng mặt lên nhưng ghi không sai một số, một chữ của biển xe.
Theo tìm hiểu của PV, Bệnh viện Thanh Nhàn có 3 điểm trông giữ xe, song chỉ có những nhân viên làm việc tại khu vực gửi xe phía sau cổng số 2 của bệnh viện sở hữu cách đọc biển số xe có một không hai này.
Thời điểm giữa trưa cũng là lúc các nhân viên trông giữ xe ở đây đổi ca. Lúc này, một người phụ nữ điều khiển chiếc xe mang biển số 29 K1 – 15140 tiến vào khu vực gửi xe phía sau cổng số 2. Nhân viên trông giữ xe mới tiếp tục “dịch” biển số xe theo phong cách rất “Thanh Nhàn”: “Thiếu, ca nhỏ, một năm một bốn không”.
Nhân viên trông giữ xe tên T.V.N, làm việc ở khu vực này chia sẻ với PV: Bản thân anh cũng không biết những thuật ngữ này có từ khi nào. Việc “phiên dịch” biển số xe của khách phụ thuộc vào vốn từ vựng và sự sáng tạo của ca trông xe, cứ tự nhiên mà phát huy sự sáng tạo.
Tuy nhiên, vẫn có một số từ và cách giải nghĩa được các nhân viên làm việc ở đây công nhận, thường xuyên sử dụng như: “D” nghĩa là “Đức”, “Dũng”, “Đạt”… Số 29 nghĩa là “Thiếu”, trong khi số 30 được hiểu là “Đủ”, số 1 là “Nhỏ”, số 01 là “Một thằng gầy”.
Anh N nói: “Làm việc càng lâu bạn sẽ biết càng nhiều cách dịch biển số xe. Nhưng vẫn có một số từ ngữ chung, cách giải nghĩa chung để những người làm việc cùng nhau có thể hiểu nhau. Cái này vừa là quy ước để anh em làm việc cho nhanh, ghi chuẩn, vừa cũng để giải trí với công việc khá nhàm chán này”.
(Theo Dân Việt)