Bỏ qua việc nghỉ ngơi hay lướt facebook mặc con “nằm một chỗ”, bà mẹ trẻ Thu Trang kiên nhẫn theo đuổi giáo dục sớm ngay khi bé mới chỉ biết bò.

Trong những ngày tháng với bao bỡ ngỡ, gian nan của việc làm mẹ lần đầu, bỏ qua việc muốn nghỉ ngơi, ngủ hay lướt facebook vì “đằng nào thì bé cũng còn nhỏ quá, không ai hỏi đến cũng có kêu ca gì đâu. Hơn nữa, nói chuyện với bé thật chán, cứ như độc thoại”, chị Lê Thu Trang – một bà mẹ Việt hiện đang sinh sống tại Melbourne, Úc vẫn kiên trì theo đuổi việc chơi cùng con, học cùng con bằng những phương pháp giáo dục sớm.

Mỗi lúc con thức là chị chỉ cho con màu sắc, đồ vật, cho con ra ngoài đi dạo, chỉ cái cây, bông hoa cọng cỏ, và chị làm việc đó với một sự kiên trì và nhẫn nại ngày mỗi ngày.

Theo chị, "với sự kiên trì của người mẹ bé có thể phân nhận được mặt chữ, màu sắc, số, cộng với khả năng dùng từ, quan sát, và nhận thức nhanh trước tuổi. Đó không phải là thần đồng hay may mắn mà chỉ là phản xạ có điều kiện."

Cùng trò chuyện với bà mẹ trẻ Thu Trang để biết thêm về những phương pháp và quan điểm giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh hiện nay.

{keywords}

Câu chuyện 3 chàng trai Úc, 1 cô gái Trung Quốc và bài học từ cách dạy dỗ của phụ huynh.

Lý do nào khiến chị quyết định theo đuổi phương pháp giáo dục sớm?

Lý do cho sự lựa chọn này là cả một câu chuyện dài. Hồi chưa cưới chồng, tôi đã có may mắn khi được ở cùng nhà với 4 sinh viên trường Monash. Họ đã làm tôi hình dung rõ nét hơn một chút trong nhận thức về cách dạy con cái. Trong nhà có 4 sinh viên. 3 nam sinh sinh ra và lớn lên ở Úc (2 người Úc, và 1 gốc Đài Loan). Một người còn lại là cô gái sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, sang Úc học đại học.

Sống và đụng chạm với họ mỗi ngày đã mở mắt cho tôi rất nhiều thứ. Trước kia tôi luôn quan niệm, sinh viên là thiếu ngăn nắp nhất (cho dù Việt hay Tây). Nhưng các bạn đã làm tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Hoá ra bê bối và vô ý nhất lại là cô gái đến từ Trung Quốc. Còn lại thì 3 chàng trai đã làm tôi há miệng kinh ngạc và phục bố mẹ của họ sát đất.

Cả 3 đều có những điểm rất giống nhau: ăn nói, thái độ, cử chỉ lễ độ thể hiện sự chín chắn. Luôn đi làm đi học đúng giờ, khi ăn xong mặc dù nhà có máy rửa bát nhưng bao giờ các bạn cũng tự rửa bằng tay, lau và tự cất ngay đồ vào chỗ, không bao giờ để bừa trong bếp gây phiền hà đến người dùng sau. Quần áo tôi luôn thấy các bạn tuần nào cũng giặt đúng theo lịch phân công, phơi gọn ghẽ, và khi khô họ lấy vào ngay để nhường chỗ phơi cho người khác.

Trên mặt kệ bếp mà có đồ bẩn bày bừa thì 100% bao giờ cũng là của cô bé Trung Quốc.

Từ đó tôi bắt đầu có khái niệm rõ ràng hơn một chút về việc dạy con, đó là: con cái thế nào là do cha mẹ uốn ra thế ấy. Tôi rất sợ trẻ con hư, nhất là con tôi, nên từ khi mang bầu, có con tôi đã tự hứa chắc chắn bằng mọi cách tôi sẽ phải dạy cho con của mình được như 3 người bạn Úc đó. Tôi bắt đầu tìm hiểu các phương pháp dạy con khi Minh An khoảng 8 tháng tuổi và sau 1 tháng tìm hiểu, tôi bắt đầu áp dụng phương pháp giáo dục sớm với Minh An khi con được 9 tháng tuổi.

{keywords}

9 tháng mới bắt đầu theo đuổi phương pháp giáo dục sớm, chị không sợ rằng đã quá muộn? Chị đã dạy con thế nào để “đuổi kịp” các bạn?

Tôi đã bỏ lỡ mất 6 tháng quan trọng nhất: khi con còn nằm một chỗ, khi việc mẹ tỉ tê chỉ màu sắc, đồ vật là thú vui lớn đối với con. Ở mốc 9 tháng con đã biết nhiều hơn, đã bò tốt và đó là giai đoạn con tự tìm hiểu thế giới theo cách riêng của con, con rất hay tảng lờ mỗi khi mẹ tiếp cận nói chuyện.

Lúc đó tôi biết là phải chờ đến mốc tiếp theo, 18 tháng, khi việc tìm hiểu xung quanh của bé đi vào ổn định thì tôi mới có thể bắt đầu dạy lại. Nhưng tôi vẫn luôn để con tiếp xúc hàng ngày với số, chữ, và hình qua việc nói chuyện với con lúc nào có thể; mua các đồ chơi dạng puzzle (đố vui), sách về chữ, số và hình cho con.

Đúng như dự đoán, sau mốc 18 tháng, con bắt đầu biểu hiện sự quan tâm trở lại với việc nói chuyện với mẹ, thích cầm sách chỉ để mẹ nói tên đồ vật. Nhiều khi phát mệt vì con cứ cầm cuốn sách chỉ bắt mẹ nói không biết bao nhiêu lần một ngày (cười)

Lúc đó, tôi đã bắt đầu rèn luyện trí nhớ cho con thông qua việc nhận mặt chữ, tên/ chức năng của đồ vật, số, hình dạng, màu sắc. Đến cuối tháng thứ 18 con phân biệt được các hình cơ bản (chữ nhật, tròn, vuông, và hình ngôi sao) cùng với biết tên các đồ vật. Để “bù đắp” sự thiếu hụt của 6 tháng đầu đời, tôi luôn cố gắng kiên trì chủ động học mà chơi với con, và trả lời khi con hỏi.

{keywords}

Trẻ nhỏ thường không thể tập trung quá lâu vào một vấn đề. Chị làm thế nào để thu hút sự chú ý của bé vào việc học tập?

Từ khi chưa sinh con (qua quan sát) tôi cũng đã tự hỏi câu này. Để giúp con có thể ngồi yên được một chỗ thì từ khi bé mới sinh tôi đã để con trong cũi sau khi bé ngủ dậy. Bé tự chơi trong đó cho đến khi nào chán sẽ khóc gọi mẹ vào. Đó là khoảng lặng cần thiết cho bé đến tận khi lớn. Hiện giờ sau khi thức bé sẽ ở trong cũi chơi khoảng từ 30 đến 45 phút, kể cả khi ốm (hồi bé hơn thì có khi tự chơi đến 1 tiếng). Trong cũi tôi cũng hay để sách truyện và một món đồ chơi đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cho bé thoải mái chơi.

Khi ăn xong tôi để cho bé ngồi trên ghế ăn cho đến khi nào con đòi ra. Có hôm ăn xong đòi ra ngay, có hôm ngồi tự chơi trên ghế thêm 30 phút. Hiện giờ khi ra ngoài ăn với con rất nhẹ nhàng vì bé có thể ngồi trên ghế suốt bữa ăn mà không quấy tí nào. Đương nhiên là trừ những hôm “khó ở” (cười).

Khả năng ngồi yên được một chỗ, không phải lúc nào cũng chạy và đùa giỡn ầm ĩ, theo tôi, là điểm khởi đầu của việc giúp con tập trung.

{keywords}

Đã có nhiều lúc tự nghi ngờ bản thân mình cố gắng chưa đủ

Nhiều người cho rằng những bà mẹ theo đuổi việc dạy trẻ sơ sinh thông minh là đang muốn thúc ép con, không để trẻ phát triển tự nhiên. Chị nghĩ thế nào?

Theo tôi nuôi dạy con là lựa chọn của mỗi người. Miễn sao việc dạy trẻ được áp dụng theo phương pháp đồng hành cùng con, khơi gợi hứng thú cho con thay vì quát tháo, bắt ép một cách thiếu khoa học, thì tôi thấy là hợp lý.

Cá nhân tôi thích dạy chữ, số, hình, màu sắc cho con như một cách giúp con luyện trí nhớ. Hai mẹ con vừa học vừa chơi. Ví như khi đưa cho con xem card hình quả táo, tiện tôi giới thiệu luôn với con chữ A ở mặt sau. Còn khi nào con nhớ được thì nhớ. (cười)

Có bao giờ con không hợp tác và chị cảm thấy hoài nghi với phương pháp Giáo dục sớm mà tôi đang theo đuổi?

Chưa bao giờ tôi nghi ngờ phương pháp giáo dục sớm, nhưng có rất nhiều lúc tôi nghi ngờ bản thân tôi cố gắng chưa đủ.

Minh An bắt đầu được dạy theo phương pháp giáo dục sớm từ khi 9 tháng, khi đã bò thạo. Lúc đó con muốn tự bò khắp nơi và tìm hiểu thế giới theo ý hơn là mình nói chuyện với mẹ. Không biết bao nhiêu lần tôi cứ ngồi ra rả nói, hát, trong khi con quay hẳn lưng vào phía tôi. Những lúc đó thấy đuối gì đâu. (cười).

Thậm chí có những giai đoạn con bất hợp tác cực điểm, chỉ cần thấy mẹ chỉ “đây là màu vàng” là lập tức con giật cuốn sách lại và quay đi chỗ khác tự xem.....Và kết quả thì hoàn toàn không được như mong muốn hay theo tài liệu đã nói. Tuy nhiên tôi vẫn kiên trì với con và đến bây giờ thì cũng phần nào hài lòng với thành quả giáo dục con của mình.

{keywords}

Gia đình có ủng hộ phương pháp giáo dục này của chị?

Bà ngoại Minh An luôn ủng hộ ngay từ ban đầu khi tôi bày tỏ sẽ dạy con theo phương pháp giáo dục sớm. Ông ngoại Minh An cho là “tầm phào”, nhà nội thì không cầu kì, miễn cháu khoẻ là được. (cười). Chồng tôi thì bán tín bán nghi, không đồng ý mà cũng không phản đối.

Bây giờ thì ông bà vẫn thế, nhưng chồng tôi thì thay đổi hoàn toàn. Anh ấy chẳng biết “giáo dục sớm” là cái gì nhưng tôi quán triệt tư tưởng: dạy con một người chịu trách nhiệm chính, người kia nghe theo và giúp khâu vận hành, không thể bố nói A mẹ nói B.

Nhìn thấy con ngoan là anh ấy thích, tin tưởng hơn vào “đường lối” dạy con của vợ. Hiện giờ là thế, chưa biết khi con lớn hơn một chút thì sẽ ra sao, nhưng tôi dự là kiểu gì cũng sẽ có những va chạm.

{keywords}

Thói quen hình thành tính cách, tính cách hình thành số phận

Đến thời điểm hiện tại, bé Minh An đã có thể thực hiện được những gì? Chị dự định bé sẽ đạt được những mốc thành tích gì tiếp theo trong tương lai?

Hiện tại về mặt kỹ năng thì Minh An không khác gì các bé cùng tuổi. Nhưng con đã bắt đầu hình thành những thói quen tốt như:

- Thấy mẹ mở máy giặt ra là chạy tới giúp mẹ lấy quần áo cho vào chậu

- Rút quần áo khô xuống đưa mẹ

- Lấy bát đĩa sạch từ máy rửa bát ra

- Úp bát sạch vào chạn

- Đứng nấu cơm cùng mẹ ngày 2 lần, giúp mẹ cho rau vào nồi, đong gạo, giã

tôm, đánh trứng (mẹ làm xong hết chỉ cho con chọc chọc khâu cuối cùng cho quen việc)

- Tự cởi áo ngủ khi mẹ vào cũi đón

Cần nói, tôi dạy con biết làm việc nhà không phải chỉ để mẹ đi khoe lấy thành

tích, mà tôi muốn rèn cho con thói quen:

1. Thấy mẹ làm là phải giúp cho dù có muốn hay không

2. Đã bắt đầu làm thì phải làm cho xong, cho dù có muốn hay không

...qua đó dạy cho con sự kiên trì, làm đến nơi đến chốn và có những cái không thích cũng phải làm. Tôi chú trọng nhất xây dựng thói quen tốt cho con vì “thói quen hình thành tính cách, tính cách hình thành số phận”.

Hiện giờ tôi đang chú trọng giúp con phát triển trí nhớ qua việc nhận mặt chữ, số đếm, hình và màu sắc. Cộng với tăng vốn từ, hiểu biết và khả năng quan sát của con qua các hoạt động thực tế như đi thăm bảo tàng, công viên, vườn quốc gia, v..v

Bên cạnh đó tiếp tục rèn thói quen giúp mẹ làm việc nhà bằng cách không mua thêm đồ chơi cho con nữa. Tôi sẽ biến việc giúp mẹ thành niềm vui cho con, trò chuyện, vui đùa cùng con khi hai mẹ con cùng làm việc.

{keywords}

{keywords}

Chị có thể chia sẻ với độc giả một vài phương pháp hay trò chơi đơn giản, tự làm mà vẫn có thể giúp phát triển trí não trẻ?

Khi bé dưới 18 tháng tuổi thì mẹ có thể làm cho bé các trò sau:

1. Dùng dao rọc giấy cắt lỗ trò ở nắp hộp sữa để con bỏ đồ chơi vào

2. Tự làm đất sét an toàn cho con và các trò chơi cảm nhận (sensory) có thể tìm thấy rất nhiều trên google (sensory game for babies)

3. Bỏ các vật nhỏ vào các hộp nhựa nhỏ (đóng kín để con ko mở được), để con cầm lắc nghe các tiếng khác nhau. Vd một hộp tôi bỏ vài vài cái khuy áo nhỏ, hộp khác là các sợi mì ý được bẻ nhỏ, v..v

4. Activity board: lắp các đồ vật lên một bảng gỗ để con chơi. Các đồ vật có thể dùng như: gương nhựa, lẫy khoá cửa, công tắc điện, v..v. Nếu bạn google “baby activity board DIY” thì sẽ thấy rất nhiều ý tưởng hay mà để áp dụng. Đây là các hoạt động dễ mà bé sẽ thích mê đến tận 2 tuổi.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!

(Theo Khám phá)