- Trong những chia sẻ tại buổi nói chuyện về “dinh dưỡng tình yêu dành cho con” diễn ra chiều 18/10, nhà báo Quỳnh Hương nhiều lần nhắc đến cụm từ “thư giãn đi!”. Quỳnh Hương nói chị “không có một xu lý thuyết giáo dục nào”.
“Nhiều đứa trẻ mới bé xíu nhưng đã phải ôm những giấc mơ to bự của cha mẹ. Chúng ta từng mong muốn mình phải tài giỏi, phải nói tiếng Anh như gió, phải có một công việc tốt, phải lương cao… Và chúng ta mong muốn đứa trẻ phải thực hiện những ước mơ bất toại của mình. Điều đó thật bất công với trẻ” – chị Hương quan niệm.
“Con có thể chữ xấu một chút, có thể viết sai chính tả một chút, làm toán sai một chút, sẽ chẳng có tai nạn nào xảy ra cả. Thư giãn đi! Những thứ đó không ảnh hưởng tới nhân cách, thành công của đứa trẻ. Điểm số không quyết định gì hết!”.
|
Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương (phải) và Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh trong buổi tọa đàm |
“Tôi không nghĩ một đứa trẻ lớp 2 viết sai chính tả là cuộc đời của nó vứt đi! Chúng ta đừng để trẻ hiểu nhầm rằng con học dốt, con làm sai là chúng ta không yêu con nữa, là vứt đi rồi. Tôi đã gặp những người rất giỏi giang, tài năng hơn rất nhiều người trong chúng ta ngồi đây, nhưng họ đã chia sẻ với tôi thời đi học của họ, không chỉ là nỗi xấu hổ của gia đình mà thậm chí của cả dòng họ. Vì thế, tôi cho rằng điểm số không quyết định sự thành công của một đứa trẻ. Chúng ta đừng để cho trẻ có cảm giác mình thất bại, mình thật tồi tệ, mình không phải là con ngoan của bố mẹ. Làm như thế rất ác với đứa trẻ”.
Có một điều mà nhà báo Quỳnh Hương cho rằng các bậc cha mẹ cần phải tôn trọng và không nên xâm phạm: dù trẻ có phạm lỗi, dù chúng ta có trót mắng mỏ con, rồi con có thể tức giận cãi lại bố mẹ… thì chúng ta phải để cho trẻ biết rằng tất cả những điều đó không ảnh hưởng đến tình yêu của chúng ta dành cho con. Nó chỉ giống như hết nắng rồi lại mưa. “Làm ơn hãy để đứa bé tin rằng bố mẹ yêu nó nhất trên đời”.
Chị Hương đồng cảm về quan niệm về dạy con trong cuốn sách “Thuần hóa cha mẹ Hổ” của nhà văn, nhà báo Tanith Carey – cây viết sắc sảo về các vấn đề xã hội và nuôi dạy con của Guardian, Independent, Daily Mail. Tanith Carey đã vạch ra những mối nguy hại ghê gớm đến mức báo động của phương pháp nuôi dạy con cạnh tranh. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái, mà còn có liên quan mật thiết tới tỷ lệ trẻ em bị “stress”, mắc các bệnh tâm lý, đặc biệt là tỷ lệ trẻ em tự tử gia tăng đáng kể ở các nước châu Âu thời gian gần đây.
Ở vai một bà mẹ, một nhà báo Việt Nam, chị Hương chia sẻ tình yêu cần phải có cho đi và nhận lại. Bố mẹ không muốn một đứa trẻ chỉ biết nhận tình yêu thương một chiều, chỉ biết rằng bố mẹ luôn yêu nó một cách vô điều kiện, mà không biết bày tỏ, thể hiện tình yêu và sự quan tâm ngược lại.
“Người Việt không có năng lực biểu lộ cảm xúc và tình yêu. Chúng ta lớn lên trong một xã hội che giấu tình cảm. Tôi cho rằng chúng ta nên biểu lộ cảm xúc của mình, kể cả là cơn giận”.
“Đôi khi giận con, những lúc lên tới đỉnh điểm, tôi cũng bộc lộ những cảm xúc rất kinh khủng. Tôi không che giấu những cảm xúc đó. Để lần sau tôi có thể nói với con rằng ‘con có nhớ lần đó không? Mẹ không muốn chuyện đó lặp lại nữa…’ Và đôi khi thấy mẹ buồn, mẹ giận như thế, con đã rất thương mẹ. Nếu tôi đóng cảm xúc của mình lại, con sẽ không biết lúc đó mẹ cảm thấy như thế nào”.
Là một bà mẹ có quan điểm nuôi con hiện đại, chị cho rằng nếu như khi chơi với con, cha mẹ cần đặt cả bản thân mình vào đó, “chứ không phải vừa chơi vừa xem ‘Cô dâu 8 tuổi’ – chị đùa, thì khi mẹ mệt quá, mẹ cũng hãy nói với con rằng “mẹ mệt quá, con tự chơi một mình nhé!”. “Rồi khi con chơi một mình chán quá, con chuyển sang chơi trò khác. Lúc đó chúng ta cũng đừng tự dằn vặt mình rồi cảm thấy có lỗi”.
Những gì phải cố thì không bền, bố mẹ mệt thì nói với con để con biết cảm xúc của bố mẹ, biết sự mệt mỏi của bố mẹ, hãy trung thực về cảm xúc – người mẹ có cô con gái đang ở lứa tuổi tiểu học chia sẻ thêm.
Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương 38 tuổi, hiện là Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội, báo Phụ Nữ TP.HCM. Chị được giới thiệu là người làm báo có quan điểm: “Không cần làm gì hơn một nhà báo tử tế”, “Làm một nhà báo tử tế sẽ có được những độc giả tử tế”. Ngoài mảng sở trường văn hóa – văn nghệ với những bài viết chân dung đặc sắc, chị hay viết tạp bút với các câu chuyện giản dị, sâu sắc về đời sống gia đình.
Tại buổi tọa đàm, một diễn giả khác là TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh nhìn nhận: “Trong quá trình nuôi dạy con, người mẹ rất dễ bị áp lực từ bên ngoài, từ đám đông, từ xã hội… Vì thế, trước khi chọn cho mình một phương pháp nuôi dạy con, các phụ huynh hãy tự đặt câu hỏi “muốn đứa trẻ của mình là ai? Như vậy, như câu hỏi của một bà mẹ: “Phương pháp giáo dục mẹ Hổ có sai không?” nếu đối chiếu với phương pháp “Thuần hóa cha mẹ Hổ”? thì Mẹ Hổ Amy Chua không sai, vì bà mẹ đó cho rằng với mình và con mình. Phụ huynh hãy chọn phương pháp phù hợp và hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của mình. Bởi vì sinh con ra, chắc chắn các mẹ biết điều gì là tốt nhất cho con.” |
Nguyễn Thảo