Để đổi giấy phép lái xe (GPLX) Việt Nam sang giấy phép lái xe quốc tế, ngoài việc bạn đến cơ quan chức năng để làm thủ tục thì hiện nay bạn có thể làm việc này tại nhà thông qua website của Tổng cục đường bộ Việt Nam. 

Bước 1: Bạn truy cập vào địa chỉ website phục vụ việc đổi giấy phé lái xe của Tổng cục đường bộ Việt Nam tại đây. Ở ô thủ tục hành chính, bạn chọn mục “dịch vụ công cấp giấy phép lái xe quốc tế (Mức độ 4)” rồi nhấn đăng ký trực tuyến.

Bước 2: Bạn nhập số GPLX in trên bằng lái (12 số) và chọn nơi cấp, sau đó nhấn nút tìm kiếm. Do GPLX của bạn đã nằm trong kho dữ liệu quốc gia, vì vậy, hệ thống sẽ tự động trích xuất thông tin cá nhân và điền vào các ô tương ứng. Phía bên phải có hai khung cho phép bạn chụp hay tải ảnh chân dung lên và tạo chữ ký số. Bạn cần lưu ý tập tin chữ ký chỉ chấp nhận ảnh dưới định dạng png và có dung lượng nhỏ hơn 1MB, chữ ký màu đen trên nền trắng.

Ở phía dưới bạn sẽ thấy ô có tên “Phần Thông tin bổ sung”, bạn nhập đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu. Cuối cùng là phần Hồ sơ đính kèm, bạn chụp lại ảnh mặt trước của GPLX bằng vật liệu PET (rõ ảnh chân dung) và ảnh trang thông tin hộ chiếu (có ảnh thẻ và nơi sinh). Sau đó nhấn “Chọn tệp” để tải ảnh lên. Cuối cùng, bạn đánh dấu chọn mục “Tôi xin đảm bảo các thông tin khai báo là chính xác và xin chịu trách nhiệm về thông tin đã khai báo” rồi nhấn tiếp tục.

Bước 3: Kiểm tra và chỉnh sửa lại thông tin cá nhân, nhập địa chỉ để nhận chuyển phát GPLX quốc tế, rồi nhấn Tiếp tục.

Bước 4: Bạn tiến hành thanh toán trực tuyến thông qua các thẻ ngân hàng. Số tiền bạn cần thanh toán là 195.500 đồng, trong đó sẽ bao gồm phí cấp GPLX quốc tế và phí dành cho dịch vụ chuyển phát.

Hệ thống sẽ thông báo cho bạn về kết quả của việc cấp GPLX quốc tế, trong trường hợp hồ sơ bị từ chối, email sẽ nêu rõ lý do, sau đó bạn chỉ cần sửa theo đó rồi đăng ký lại. Với hồ sơ hợp lệ, sau 7 đến 10 ngày làm việc, giấy phép lái xe quốc tế sẽ được chuyển đến địa chỉ bạn yêu cầu.

Theo tổng cục đường bộ Việt Nam, bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp có thể sử dụng ở hơn 70 quốc gia, phần lớn là các nước Châu Âu, và 5 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Việt Nam, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Indonesia.