Dưới đây là những bí quyết chọn tôm tươi ngon, chất lượng, rất hữu ích để người tiêu dùng chọn được loại thực phẩm an toàn, bổ dưỡng cho bữa ăn gia đình hay vui tiệc cùng bạn bè, người thân.
Quan sát đuôi tôm
Kiểm tra phần đuôi tôm sẽ giúp xác định được độ tươi sống của chúng. Để kiểm tra độ tươi của tôm, cần đưa tôm ra ánh sáng, kéo dài thân tôm và xem độ rộng giữa các khớp trên lớp vỏ và thịt. Nếu phần khớp rộng chứng tỏ là tôm đã để lâu hoặc để tủ lạnh. Khớp tôm càng hẹp thì tôm càng tươi.
Ngoài ra, khi cầm tôm lên nếu thấy có cảm giác sạn dưới ngón tay hoặc tôm bị nhớt, dính vào nhau khi không nên mua.
Hình dáng con tôm
Khác với những con tôm đông lạnh, bơm hóa chất hoặc bị ươn do để lâu ngày, tôm tươi có phần thân hơi cong, thịt căng chắc. Tuy nhiên, tôm không to và dày thịt khác thường.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý chọn tôm có phần vỏ linh hoạt, còn nguyên vẹn, đầu phải dính chặt vào thân tôm, đảm bảo tôm sẽ luôn tươi rói.
Chân tôm
Cần quan sát xem phần chân của tôm còn gắn chặt vào thân hay không, thịt tôm phải săn chắc. Ngoài ra, không nên chọn mua những con tôm có chân đã bị chuyển sang màu đen vì đây chính là dấu hiệu cho thấy chúng không còn tươi.
Tránh chọn mua những con tôm chảy nhớt
Không nên mua những con tôm đã bị chảy nhớt. Phần lớn những con tôm này thường uốn cong thân thành hình tròn chứ không nằm thẳng như bình thường.
Để kiểm tra vấn đề này, nên dùng ngón tay ấn lên phần vỏ và di chuyển ngón tay vài lần từ trước ra sau, rồi ngược lại, từ sau ra trước. Nếu có cảm giác như có sạn dưới các ngón tay hoặc nhận thấy tôm bị nhớt, dính vào nhau thì không nên mua chúng.
Cách chọn tôm theo từng loại
Tôm sú: Đây là loại tôm nuôi, có kích thước khá lớn. Trước hết, tôm phải còn sống, vỏ bóng, trơn. Đầu và chân còn gắn chặt với thân tôm. Dáng tôm phải thẳng hoặc hơi cong. Giữa thân tôm có màu sáng và trong. Như vậy tôm mới ngon, chắc thịt.
Tôm sắt: Loại này có kích thước nhỏ hơn so với các loại khác nhưng thịt tôm có hương vị thơm ngon, khi ăn có vị ngọt đậm đà hơn. Khi mua tôm sắt bạn nên nên chọn con tôm còn tươi, có màu hồng trắng. Nếu vỏ chuyển sang màu hồng đậm là tôm để lâu.
Tôm he: Tôm he nhìn gần giống với tôm sú nhưng nhỏ và có vỏ mỏng hơn. Tôm còn nhảy tanh tách, màu hồng trắng, mắt xanh là những con tôm ngon.
Tôm hùm: Phần càng xanh trong, vỏ tươi bóng. Tốt nhất là nên mua tôm còn bơi khỏe. Lớp vỏ ngoài tôm cứng, bóng sáng đẹp mắt. Càng tôm không bị rụng, phần đầu và mình phải khít nhau, không bị lồi phần thịt ra ngoài.
Cách bảo quản tôm tươi
Nhiều chị em bận rộn, không có thời gian đi chợ thường xuyên nên có thói quen tích trữ thực phẩm. Trường hợp, tôm mua về bảo quản không đúng cách đầu tôm sẽ dễ bị tách rời, thịt tôm không tươi, chuyển đen.
Để bảo quản tôm đúng cách, bạn nên lưu ý khi tôm còn tươi, nên loại bỏ đầu tôm sau khi mua về sơ chế sạch, để ráo nước. Đầu tôm và mắt tôm thường chứa nhiều loại vi khuẩn có thể ảnh hưởng tới chất lượng món ăn và sức khỏe.
Để bảo quản tôm tươi nguyên con, tôm chế biến trong thời gian ngắn và nõn tôm tươi, bạn nên bỏ tôm trong các ngăn đá trong tủ lạnh hoặc bỏ chúng trong tủ đông để tôm đảm bảo được nhiệt độ thấp.
Khi đông đá, thịt tôm sẽ không bị các loại vi khuẩn tấn công gây biến chất. Tuy đây là cách bảo quản trong thời gian dài nhưng bạn không nên quá lâu, tốt nhất là dưới 30 ngày để tránh mất đi giá trị dinh dưỡng của tôm.
Theo Giáo dục & Thời đại