Bệnh hầu như chỉ được truyền sang hành khách trong một hàng của người bị nhiễm bệnh
Thế giới đang bị kìm kẹp bởi chủng mới của virus Corona bắt đầu ở Trung Quốc và giờ đây đã lan ra 81 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các sân bay lớn đều tiến hành sàng lọc hành khách để ngăn chặn COVID-19 nhưng những biện pháp đó có thể không khiến hành khách phải lên chuyến bay bớt lo lắng.
Rốt cuộc, bạn có thể tránh được người đang hắt xì tại nơi này nhưng bạn ít nhiều sẽ phải chịu số phận một khi bạn đã thắt dây an toàn chung với một người nhiễm bệnh, chẳng hạn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tiếp xúc với người bệnh có thể khoanh vùng trong vòng hai hàng gần nhau. Nhưng mọi người không chỉ ngồi im trong các chuyến bay, đặc biệt là những chuyến bay kéo dài hơn một vài giờ. Họ ghé thăm nhà vệ sinh, duỗi chân và có thể lấy đồ từ các khoang chứa hành lý trên cao của máy bay.
Trên thực tế, trong đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, một hành khách trên chuyến bay từ Hồng Kông đến Bắc Kinh bị nhiễm bệnh ngoài ranh giới hai hàng mà WHO nêu ra.
Từ trường hợp đó, một nhóm các nhà nghiên cứu y tế công cộng đã bắt đầu nghiên cứu làm thế nào các chuyển động ngẫu nhiên về khoang máy bay có thể thay đổi xác suất lây nhiễm của hành khách đối với dịch bệnh.
Nhóm nghiên cứu về sức khỏe Fly Healthy đã quan sát hành vi của hành khách và phi hành đoàn trên 10 chuyến bay xuyên lục địa của Hoa Kỳ trong khoảng ba tiếng rưỡi đến năm giờ. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhà khoa học Vicki Stover Hertzbergvà Howard Weiss của Đại học Emory Hoa Kỳ.
Họ không chỉ nhìn vào cách mọi người di chuyển về cabin, mà còn nhìn số lượng và thời gian liên lạc của họ với những người khác. Nhóm nghiên cứu muốn ước tính có bao nhiêu cuộc "chạm trán" có thể có nguy cơ lây truyền trong các chuyến bay xuyên lục địa.
Theo nghiên cứu này, hầu hết hành khách rời khỏi chỗ ngồi của họ tại một số điểm, thường sử dụng phòng vệ sinh hoặc kiểm tra các thùng trên cao trong các chuyến bay. Nhìn chung, 38% hành khách rời ghế của họ một lần và 24% hơn một lần. 38% người khác ở lại ghế của họ trong toàn bộ chuyến bay.
Hành khách ngồi ở cửa sổ có khả năng tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh thấp nhất
Xác suất tiếp xúc với người bệnh. Nguồn: Đại học Emory Hoa Kỳ. |
Hoạt động này giúp xác định chính xác những nơi an toàn nhất để ngồi. Những hành khách ít có khả năng thức dậy nhất là ở ghế bên cửa sổ: chỉ 43% di chuyển xung quanh so với 80% người ngồi gần lối đi.Theo đó, hành khách ngồi ở cửa sổ có ít lần chạm mặt hơn so với người ngồi ở các ghế khác, trung bình khoảng 12 lần liên lạc so với 58 và 64 lần liên hệ tương ứng cho hành khách ở ghế giữa và ghế gần lối đi.
Xác suất nhiễm bệnh. Nguồn: Đại học Emory Hoa Kỳ. |
Chọn một chỗ ngồi bên cửa sổ và ở lại rõ ràng làm giảm khả năng bạn tiếp xúc với một bệnh truyền nhiễm. Nhưng, như bạn có thể thấy trong hình ảnh đi kèm, mô hình của nhóm cho thấy hành khách ở giữa và ngay lối đi cả những người trong phạm vi hai hàng đối với người bị nhiễm bệnh vẫn có xác suất lây truyền khá thấp. Giáo sư Weiss nói rằng, lý do vì hầu hết những cuộc tiếp xúc trên máy bay đều tương đối ngắn.
Câu chuyện thay đổi nếu người bệnh là thành viên phi hành đoàn. Bởi vì các tiếp viên hàng không dành nhiều thời gian hơn để đi bộ trên lối đi và tương tác với hành khách, nên nhiều khả năng họ sẽ có thêm các cuộc nói chuyện gần gũi và dài hơn. Nghiên cứu đã chỉ rõ, một thành viên phi hành đoàn bị bệnh có xác suất lây nhiễm 4,6 hành khách, do đó, điều bắt buộc là các tiếp viên không được bay khi họ bị ốm.
(Theo National Geographic/ Lao động)