Chiều 25/10, mạng xã hội lan truyền clip một nam sinh ngồi thụp tại một góc hành lang và bị nhóm bạn đánh hội đồng và quay clip, khiến nhiều người phẫn nộ. Tất cả các nam sinh trong clip này đều là học sinh cùng một lớp. Đáng lưu ý, trong clip, mặc cho nam sinh ngồi kêu khóc, bốn nam sinh khác vẫn liên tục lao vào đấm, đạp vào đầu, vào người bạn, còn một nam sinh khác đứng quay clip.

Phần sau của clip là hình ảnh nam sinh bị bạo hành đang điều trị trong bệnh viện. Trong clip, nam sinh hoảng loạn và có những hành vi không kiểm soát, có biểu hiện co giật, không nhớ họ tên, địa chỉ của mình ở đâu.

Xác nhận sự việc, Hiệu trưởng trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội cho biết, học sinh trong clip lan truyền là học sinh của nhà trường và đang học lớp 7. Sự việc xảy ra vào tháng 6 tại nhà văn hóa thôn. Đến ngày 16/9, nhà trường mới biết sự vụ khi các học sinh này tiếp tục đánh nhau tại trường. Nhà trường đã thành lập hội đồng kỷ luật, mời phụ huynh hai bên lên làm việc, cho học sinh viết bản tường trình sự việc.

Theo đó, có học sinh khai nhận đánh em K. một lần, có học sinh khai nhận đánh hai lần... Em K. khai bị đánh nhiều lần ở ngoài đường, ở nhà văn hóa, ở trong trường.

Liên quan đến vụ việc, ngày 27/10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất yêu cầu nhà trường phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan khẩn trương xác minh, giải quyết dứt điểm vụ việc, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe cho học sinh này.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất, trong thời gian nghỉ hè năm học 2022-2023 đến tháng 9/2023, em V.V.T.K, học sinh lớp 7C Trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần ở trong trường và ngoài nhà trường. Do sợ nên em K không báo với các thầy, cô giáo và bố mẹ. Đến ngày 16/9/2023, gia đình và nhà trường mới biết sự việc.

Tình cảnh của học sinh K. một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực trong trường học. Dư luận lo ngại vì sao em K. bị đánh đến sang chấn tâm lý mà bố mẹ, gia đình không hề hay biết? Làm sao để gia đình có thể đồng hành cùng con trong nỗ lực phòng tránh bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt bạn? Nhà trường làm cách nào để phối hợp cùng gia đình ngăn ngừa tình trạng này? 

Từng nhiều lần chia sẻ về vấn nạn này, PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, xét về mặt thời gian thì bố mẹ là người gắn trọn đời với con.

anh tran thanh nam.jpeg
PGS. TS Trần Thành Nam

Cha mẹ sẽ là người dành thời gian cho con nhiều nhất chứ không phải ai khác. Các vụ việc bạo lực xảy ra không thể không nói đến trách nhiệm của gia đình. Nhiều gia đình bố mẹ chỉ quản lý con từ lớp học về nhà nhưng lại không nắm được con đang bị bạo lực tinh thần qua mạng xã hội do các con va chạm với nhau ở trên mạng và giải quyết vấn đề với nhau ở bên ngoài. Điều này nhà trường khó có thể kiểm soát được. Trên tinh thần là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường nhưng thực chất vẫn cần nhìn nhận rõ ràng hơn vai trò của gia đình.

Chia sẻ kinh nghiệm một số nước ứng xử với nạn bạo lực học đường có liên quan đến gia đình, PGS. TS Trần Thành Nam lấy ví dụ nếu trẻ có hành vi bạo lực học đường với các bạn khác thì đầu tiên con phải lập kế hoạch thực hiện hành vi và bị xử lý kỷ luật tại trường. Nếu lần thứ 2, con tiếp tục tái phạm thì nhà trường sẽ mời bố mẹ bắt buộc cùng với con tham dự khóa học làm cha mẹ tích cực.

“Người ta hình dung rằng, khi trẻ có hành vi bạo lực là bắt nguồn từ cách ứng xử của gia đình. Bố mẹ chưa làm gương tốt cho con. Bố mẹ đi học để xác định thế nào là hành vi bạo lực và cách ứng xử với các hành vi bạo lực giữa các thành viên trong gia đình như thế nào”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Trong khi đó, ở một số nước thì trong trường hợp bố mẹ để con bị bạo hành mà không biết, không báo cáo thì bố mẹ phải ra tòa. Bởi theo PGS. TS Trần Thành Nam, lý do của quyết định này là do bố mẹ đã bỏ mặc con, thiếu trách nhiệm.

Nhiều phụ huynh cho rằng, bên cạnh việc dạy trẻ nhường nhịn cũng cần dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân, tìm kiếm sự trợ giúp của người lớn, thậm chí trong một vài tình huống được phép phản kháng. 

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV