Tôi và ba thành lệ viếng nghĩa trang liệt sĩ vào một chiều mỗi cuối năm.
Ông nội, bác Hai, rồi sau là bà nội tôi, đều ở đây. Bà nằm ở khu mới, cạnh bà có rất nhiều người tôi quen: chú H. là hàng xóm khu nhà tập thể thuở tôi thơ bé, mất trong một đêm đưa bạn uống say về nhà, thoắt đã mười mấy năm; cô G., hoa khôi trường chính trị cũ, người bạn thân nhất của mẹ tôi, ung thư, mất năm 2011; gần đó là một cô, mất ít lâu, tôi chỉ biết tên chứ không nhớ mặt, hồi xưa thường gửi tiền cho hai người anh quá cố của tôi...
Nghĩa trang liệt sĩ quê tôi. |
Những người ở đây sinh thời ở những vị trí khác nhau, tuổi tác khác nhau,... nhưng giờ đây, họ nằm trong những ngôi mộ vuông vức đều nhau.
Chuyện đời họ chỉ còn những mảnh vụn trong tâm tưởng của một vài ai đó. Tôi nhớ trong một cuốn phim, người bạn trai biết mình sắp chết, nói: "Em nói bố vẫn sống trong tâm trí của em mà. Rồi anh cũng sẽ như vậy thôi". Cô gái mới òa khóc mà rằng: "Tâm trí con người bé nhỏ lắm, sự thật là em chẳng nhớ nhiều về bố nữa rồi".
*
Mỗi bận cúi người thắp hương, phút rất lặng, tôi lại lén nhìn ba. Hình dung hiện lên trước mắt tôi những đường nét khắc khổ, mái đầu bạc lấm tấm còn tay đã bắt đầu trổ đồi mồi.
Người đàn ông này từng cầm súng thời loạn ly khói lửa. Bắp đùi ông đến giờ vẫn hằn nguyên vết đạn thù. Cả một đời, ông đã sống và giữ đúng những phép tắc bản ngã của mình.
Tôi biết ba gây nhức nhối cho nhiều người lắm. Đơn giản là ông không thích đứng trong guồng quay chung. Thành ra, ông gây nhức nhối, cứ thế hơn nửa đời người. Ông hưu không sớm, chẳng muộn, đã là thành công lớn.
Có một người đã thù hằn ba sâu sắc. Người này, tôi vẫn nhớ. Đó là một người đàn ông với khuôn mặt dữ dằn, ánh nhìn sáng quắc, trông tưởng chừng như cương nghị. Trong ký ức tuổi thơ vụn vặt mơ hồ, tôi nhớ ông khi ấy vẫn còn là một thanh niên, thường chơi bóng chuyền mỗi chiều trong sân trường chính trị cũ, cạnh mấy khu nhà tập thể. Ông cùng ba tôi đập bóng, ghi điểm, vỗ tay nhau cười vang sảng khoái. Tiếng cười của những người đàn ông. Tôi ước gì mọi thứ sẽ mãi mãi tinh khôi như vùng ký ức đó.
Rồi tôi lớn lên, đi khỏi quê hương, nơi chất chứa cả một bầu tuổi thơ trong lành. Đến khi đi xa rồi nhìn lại, quê hương chỉ còn là vùng ký ức đau buồn mà mỗi lần nhớ lại, bên tai tôi hãy còn văng vẳng nghe lời thề cay độc "thù cha con trả".
Năm 2016, tôi đọc thông tin một sự kiện tiêu cực. Nửa đêm nơi đất khách quê người, tôi vùng dậy khỏi chăn vì đau nửa đầu. Tôi mê sảng trong tưởng tượng ba sẽ rơi vào hoàn cảnh của bản tin ban sáng cùng tiếng cười hỉ hả, sung sướng lẫn độc ác của cộng đồng.
*
Ông trở về nhà, mở văn phòng luật sư và làm vườn. Mỗi sớm mai thức dậy, ông lại đàn cho mẹ hát như hồi mẹ còn con gái; buổi trưa sẽ nấu một bữa thật ngon còn buổi tối cùng mẹ tôi xem TV, thỉnh thoảng bật đài nghe xem con trai họ nói gì trong một talkshow phát thanh.
Ba là số rất ít người về hưu không ẩn ức; không bộc lộ, trút xả những thù hằn, hờn căm, đay nghiến, chì chiết lên cuộc đời này.
Khi chắc chắn rằng "viễn cảnh" đó sẽ không thể trở thành sự thực được nữa, tôi thôi những giấc mơ ám ảnh tiêu cực, dù câu chuyện người chết mang theo những bí mật và tiếng cười cay nghiệt của đồng loại xuống mồ vẫn đeo đuổi tôi một thời gian dài. Thỉnh thoảng, tôi nghe người xung quanh bình phẩm về đồng loại mà không rõ là họ đang cười hay đang than khóc, la hét, rền rĩ nữa.
Vài năm trước, ba và mẹ tôi đi đám tang của người ấy - người đã cay độc thề rằng "thù cha con trả". Ông lìa trần vì ung thư gan dù nhỏ hơn ba tôi 20 tuổi. Đám tang của ông diễn ra như bao đám tang ở đây. Người miền Tây chúng tôi hằng tin rằng "nghĩa tử là nghĩa tận". Chết là hết. Tội nghiệp bao nhiêu cũng trôi theo dòng Vong Xuyên.
Ba tôi vẫn thế, không bình phẩm bất cứ điều gì. Vì hơn thảy lời lẽ trên đời, cách ông gìn giữ lý tưởng đến cùng khiến tôi luôn thấy mình bé mọn. Đến hôm nay, khi tôi vẫn hiểu đời đầy bon chen ích kỷ và mình đủ bản lĩnh trong vòng xoay đó, thì về nhà, đứng trước ba, tôi vẫn cứ bé mọn, giản đơn.
Rồi trong giấc mơ nào, tôi bỗng thấy lại dưới nắng chiều nhợt nhạt, người đàn ông kia khi ấy vẫn còn là thanh niên, cùng ba tôi giữa sân trường chính trị đập bóng, ghi điểm, vỗ tay cười khà khà sảng khoái. Dãy nhà tập thể năm xưa dẫu nhuốm bụi thời gian nhưng chẳng thể phai mờ.
Vì tôi biết ở đây, tôi đã tìm thấy tôi của một thời trong trẻo.
Sau loạt bài "Cha mẹ trong tim tôi", Ban Đời sống sẽ đăng tải các bài viết chủ đề "Thanh xuân của chúng ta". Mời độc giả gửi bài viết phù hợp về email: [email protected]. Trân trọng! |
Sang Lê
Cha tôi ngồi trên đống rơm
Ông lão cởi trần ngồi trên nóc đống rơm. Không biết, trong đầu ông lúc ấy đang nghĩ những gì, ngoài những điều ông ghi chép vào trong cuốn sổ mà sau này tôi đã được đọc...