Ngày nay, thế giới hiện phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu gồm biến đổi khí hậu; mất dần đa dạng sinh học và thiên nhiên; ô nhiễm, rác thải.
Hiện dữ liệu về khí hậu có thể được thu thập một cách dễ dàng, nhưng cách dữ liệu đó được tiếp cận, phân tích và sử dụng sẽ quyết định sự thành bại của các phương án xử lý các cuộc khủng hoảng này. Và đây là lúc chúng ta cần đến Trí tuệ nhân tạo (AI).
Chính xác thì AI là gì?
David Jensenv - điều phối viên của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết: “AI là các hệ thống tự động thông minh, có thể thực hiện các nhiệm vụ cần đến trí thông minh của con người; chương trình AI có thể tự cải thiện chương trình theo thời gian dựa trên thông tin mà chúng thu thập được”.
Jensen nêu bật một số điều mà AI có thể hỗ trợ để giải quyết các vấn đề về môi trường như: thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng hơn, giám sát phá rừng, hay tối ưu hóa năng lượng tái tạo.
Phân tích số liệu tức thời
Phòng Tình hình Môi trường Thế giới (WESR) của UNEP, ra mắt vào năm 2022, là một nền tảng kỹ thuật số sử dụng AI để phân tích các bộ dữ liệu phức tạp.
WESR có khả năng sắp xếp, tổng hợp và trực quan hóa dữ liệu từ bộ cảm biến về trái đất tốt nhất hiện có; từ đó đưa ra những phân tích gần như tức thời và đưa ra dự đoán về các yếu tố như: nồng độ khí CO2, sự thay đổi của sông băng và mức dâng của nước biển.
Jensen cho biết: "WESR đang được phát triển để trở thành một nền tảng thân thiện với người dùng, phù hợp với nhu cầu.
Giám sát khí thải metan
Một trong những sáng kiến của UNEP trong hệ sinh thái kỹ thuật số WESR là Đài quan sát phát thải khí metan quốc tế (IMEO), nơi sử dụng trí tuệ nhân tạo để cách mạng hóa phương pháp giám sát và giảm thiểu phát thải khí metan.
Jensen cho biết: “Công nghệ của IMEO cho phép chúng tôi thu thập và tích hợp các luồng dữ liệu phát thải khí metan đa dạng, từ đó thiết lập một hồ sơ công khai toàn cầu về lượng phát thải khí metan được xác minh bằng thực nghiệm ở mức độ chính xác và chi tiết chưa từng có”.
Ông nói thêm: “Việc giảm tải lượng khí thải metan là một trong những cách nhanh nhất, khả thi nhất và tiết kiệm chi phí nhất để hạn chế tác động của nóng lên toàn cầu và các giải pháp được đưa ra dựa trên dữ liệu đáng tin cậy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đó”.
Theo dõi chất lượng không khí
Một sáng kiến vì môi trường khác mà UNEP hợp tác với IQAir đồng sáng lập là nền tảng Giám sát Ô nhiễm Không khí GEMS. Đây là mạng thông tin đánh giá chất lượng không khí toàn cầu lớn nhất toàn cầu. IQAir tổng hợp dữ liệu từ hơn 25.000 trạm giám sát chất lượng không khí tại hơn 140 quốc gia và sử dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp thông tin chi tiết về tác động của chất lượng không khí theo thời gian thực lên người dân và giúp đưa ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Jensen nói: “Những nền tảng này cho phép cả khu vực công cộng và tư nhân khai thác dữ liệu và sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đẩy nhanh tiến độ hành động bảo vệ môi trường. Từng hành động nhỏ sẽ góp phần thay đổi hệ thống với tốc độ và quy mô chưa từng có”.
Đo lường “dấu chân” môi trường
AI có thể tính toán dấu chân môi trường và khí hậu của các sản phẩm. Jensen nói: “AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này”.
“Nó có thể giúp tính toán dấu chân của các sản phẩm trong toàn bộ chu trình và chuỗi cung ứng, đồng thời cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt và hiệu quả nhất. Loại dữ liệu này rất cần thiết cho việc thúc đẩy kỹ thuật số bền vững trên các nền tảng thương mại điện tử như Amazon.com. Shopify hoặc Alibaba”, Jensen cho biết.
Giảm phát thải Công nghệ thông tin - Truyền thông
Jensen cho biết, mặc dù dữ liệu và AI là hai điều cần thiết để tăng cường giám sát môi trường, nhưng chúng ta cũng phải tính toán đến những ảnh hưởng lên môi trường khi xử lý dữ liệu này.
Lĩnh vực CNTT-TT tạo ra khoảng 3-4% lượng khí thải và các trung tâm dữ liệu sử dụng một lượng lớn nước để làm mát. Các nỗ lực đang được tiến hành để giảm “dấu chân” này - bao gồm thông qua Kế hoạch hành động CODES vì một hành tinh xanh trong thời đại kỹ thuật số.
Tuy nhiên, rác thải điện tử là một mối quan tâm lớn vì hiện chỉ có 17,4% được tái chế và xử lý theo cách thân thiện với môi trường. Theo báo cáo Giám sát chất thải điện tử toàn cầu của Liên Hợp Quốc, chất thải điện tử sẽ tăng lên gần 75 triệu tấn vào năm 2030.
Nghiên cứu của UNEP cho thấy để giải quyết vấn đề này, người tiêu dùng nên giảm tiêu thụ, tăng cường tái chế hàng điện tử và sửa chữa những thứ có thể sửa được.
(Theo UNEP)