Trung bình, một người Mỹ dùng điện thoại 3 tiếng mỗi ngày. Chuyên gia tâm lý học chỉ ra ngày nay, các gia đình có nhiều thời gian “cùng nhau một mình” hơn. Đây là hiện tượng bố mẹ có mặt nhưng không để mắt tới con mà chỉ dành cho thiết bị điện tử. Sau cùng, trẻ em chính là đối tượng lãnh hậu quả từ lối sống này.
1. Trẻ có thể gặp vấn đề phát triển cộng đồng
Thiếu sự quan tâm của bố mẹ không chỉ làm trẻ thiếu chủ động, ủ rũ mà thực sự còn làm ảnh hưởng tới phát triển não bộ. Theo nghiên cứu của Đại học California, bố mẹ phân tâm khi chăm sóc con sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển của trẻ và là nguyên nhân của rối loạn cảm xúc.
Ngay cả một việc nhỏ nhặt như nhắn tin cũng tác động tiêu cực về lâu dài. Trẻ cần môi trường ổn định để đảm bảo não bộ phát triển. Thiếu đi sự chăm sóc của bố mẹ làm tăng nguy cơ gián đoạn phát triển và gây ra các vấn đề tâm lý học như trầm cảm, hành động nguy hiểm, lạm dụng chất gây hại.
2. Trẻ trở nên giận dữ, cư xử sai trái
Chuyên gia tâm lý học cho rằng bố mẹ không chỉ thiết lập giới hạn dùng smartphone của con mà còn của chính họ. Trẻ sẽ cảm thấy “buồn, cáu, tức giận và cô đơn” khi bố mẹ chọn điện thoại thay vì chúng. Một số đứa trẻ bắt đầu hành động không đúng đắn và cho thấy dấu hiệu hung hăng, chẳng hạn làm hỏng điện thoại của bố mẹ, để được chú ý.
Thiếu sự quan tâm khiến đứa trẻ cảm thấy như bị bỏ lại và không đủ thú vị nên không được yêu thương. Nó phá hoại sự tự tin, gây ra vấn đề về cư xử. Nó làm trẻ căng thẳng không cần thiết.
3. Trẻ không xem bố mẹ là hình mẫu tốt
Với nhiều người, một phút không kiểm tra điện thoại chính là tra tấn. Các nhà nghiên cứu quan sát gia đình tại những cửa hàng ăn nhanh và phát hiện 70% dùng smartphone trong bữa ăn. Một số thành viên còn lôi máy ra ngay khi vừa ngồi vào bàn. Làm như vậy, phụ huynh tước đi cơ hội được giao tiếp và học cách cư xử của con cái.
Trẻ lặp lại hành vi của cha mẹ và học hỏi kỹ năng xã hội thông qua giao tiếp với bố mẹ. Trẻ sẽ biết cách đối thoại, thể hiện tình cảm, hứng thú với người khác. Nếu bố mẹ không làm mẫu, trẻ sẽ mất cơ hội tiếp thu các kỹ năng quan trọng này và gặp vấn đề khi hình thành liên hệ cảm xúc với người khác sau này.
4. Trẻ tổn thương vì phải đấu tranh giành sự quan tâm của bố mẹ
Bố mẹ yêu thương con vô điều kiện nhưng việc lạm dụng smartphone khiến con cái cảm thấy chúng không đủ quan trọng và khiến chúng phát điên vì phải cạnh tranh giành sự chú ý của bố mẹ. Trẻ cho biết hành vi “kiểm tra điện thoại khi nói chuyện” là một trong các thói quen xấu nhất của bố mẹ. 56% còn thừa nhận sẽ tịch thu smartphone của bố mẹ nếu có cơ hội.
Trẻ cần sự quan tâm để cảm thấy an toàn và tự tin vì điều đó đóng góp lớn cho phát triển cảm xúc và giúp chúng giao tiếp với người khác dễ dàng hơn. Khi trẻ cảm nhận được bố mẹ yêu quý và trân trọng chúng, chúng sẽ hiểu được giá trị của mình và biết mình xứng đáng với những gì tốt nhất.
5. Trẻ thụ động và xa cách
Liên kết giữa bố mẹ và con cái vô cùng mạnh mẽ nhưng không phải bất khả xâm lấn. Để chứng minh điều này, các nhà khoa học đánh giá hành vi của trẻ từ 7 tháng tới 24 tháng khi mẹ không chơi với con nữa mà chuyển sự chú ý sang điện thoại. Phản ứng của trẻ rất đáng quan tâm.
Chúng cho thấy sự phiền muộn, không để tâm khám phá môi trường xung quanh nữa khi mẹ dùng điện thoại. Hậu quả tiêu cực hơn xuất hiện: mẹ càng dùng điện thoại lâu, trẻ càng trở nên thụ động và xa cách. Khi mẹ sẵn sàng quay lại để chơi với con, con không còn hào hứng như trước.
Trẻ cần yêu thương và quan tâm, đó là trách nhiệm của bố mẹ. Bạn hoàn toàn có thể nghe một cuộc gọi khẩn cấp nhưng tốt hơn nên đặt điện thoại ra xa và dành thời gian chất lượng cho con cái. Nó không chỉ làm bạn vui vẻ mà còn tốt cho sự phát triển cảm xúc của con và là một bước quan trọng để biến chúng thành một con người hạnh phúc, có ích.