Phát huy giá trị khoan dung giữa thầy và trò
Để tiến tới trường học hạnh phúc, Sở GD-ĐT TP.HCM gợi ý, đối với học sinh, các trường cần hướng dẫn, khuyến khích học sinh xây dựng tình bạn đẹp, chăm lo tới từng học sinh, không thiên vị, định kiến, giúp cho mỗi học sinh đều tiến bộ mỗi ngày. Phát huy giá trị khoan dung trong mối quan hệ giữa thầy - cô với học sinh, giữa học sinh với học sinh.
Đối với giáo viên, trong mối quan hệ với cấp trên và với đồng nghiệp, phát huy tinh thần lắng nghe tích cực và phản hồi mang tính xây dựng, chia sẻ để giúp nhau cùng tiến bộ. Giáo viên tích cực lắng nghe, thể hiện sự đồng cảm, phản hồi mang tính xây dựng trong quá trình giáo dục. Tôn trọng sự khác biệt của các cá nhân trong nhà trường. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn trường; phát huy đạo đức nhà giáo trong bối cảnh mới.
Các trường học phải đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Không kì thị, phân biệt, tôn trọng sự khác biệt của cá nhân trong nhà trường. Đảm bảo sự hoà nhập, bình đẳng cho mọi học sinh có các khó khăn, khuyết tật về thể chất và học tập. Tổ chức các hoạt động tình nguyện, văn hóa, thể thao, nghệ thuật để học sinh, giáo viên có cơ hội giao lưu, hỗ trợ và chia sẻ với nhau và với những người xung quanh.
Trường học cần đề cao các giá trị chính trực, tận tâm, hợp tác, thấu cảm, sáng tạo, tự tin trong các mối quan hệ trong nhà trường, thường xuyên thực hành lòng biết ơn trong nhà trường một cách phù hợp. Khuyến khích các hành vi tích cực trong văn hoá ứng xử trong môi trường học đường.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu phải đảm bảo sự an toàn trường học, chăm sóc sức khoẻ thể chất đầy đủ cho giáo viên, nhân viên, học sinh. Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho giáo viên theo hướng khoa học, hiện đại; ghi nhận và tôn vinh vai trò của giáo viên, nhân viên một cách xứng đáng.
Một yêu cầu nữa của Sở là đảm bảo chính sách về lương và các khoản thu nhập khác của giáo viên, nhân viên hợp lí, phù hợp với chuyên môn và công việc được giao. Chăm sóc sức khoẻ tinh thần toàn diện thông qua tổ chức hoạt động tham vấn học đường, hướng dẫn kỹ năng quản lí sự căng thẳng, giải quyết vấn đề.
Các trường phải tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục, dạy học của giáo viên, bên cạnh đó, phát huy các phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy cô học tập không ngừng để đổi mới, sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê với công việc và vì sự nghiệp giáo dục của bản thân.
Giáo viên xem lỗi sai của người học như một phần của quá trình dạy học
Sở GD-ĐT TP.HCM gợi ý nội dung giáo viên truyền đạt phù hợp với mục tiêu học tập và mang lại giá trị thực tiễn cho học sinh. Giáo viên cũng phải kết hợp kiểm tra, đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ; chú trọng đến sự tiến bộ của học sinh; hạn chế các hình thức kiểm tra, đánh giá gây áp lực không cần thiết về tinh thần đối với người học. Đảm bảo dạy học phát huy phẩm chất, năng lực người học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các thầy cô cần phát huy tinh thần làm việc nhóm và hợp tác trong các hoạt động giáo dục, dạy học ở nhà trường. Đặc biệt, các giáo viên chấp nhận, xem lỗi sai của người học như một phần của quá trình dạy học để hướng dẫn học sinh ngày càng tiến bộ. Trong dạy học, khuyến khích học sinh trao đổi, đặt câu hỏi và phản biện; tạo động lực để học sinh phát huy tính sáng tạo.
Giáo viên ghi nhận sự tiến bộ của học sinh trong quá trình dạy học ở các mặt khác nhau, không chỉ ở điểm số, xây dựng mối quan hệ tích cực giữa gia đình và nhà trường, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh một cách phù hợp với từng cá thể. Thường xuyên khuyến khích, động viên, ghi nhận học sinh tích cực, điển hình một cách đa dạng, hiệu quả.
Đồng thời phải thay đổi phương pháp để thực hiện mục tiêu giáo dục vì học sinh và dạy học sinh làm người tử tế. Kỹ thuật dạy học tích cực để truyền cảm hứng học tập, đổi mới sáng tạo cho học sinh. Khuyến khích học sinh sáng tạo.
Các hoạt động luôn hướng đến hạnh phúc của học sinh và cha mẹ học sinh. Trải nghiệm gắn với năng lực của học sinh; giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp trong tương lai. Hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa an toàn, giúp học sinh có được kỹ năng tồn tại, kỹ năng sống. Tổ chức các sự kiện của nhà trường để khuyến khích ý thức tập thể, xây dựng các câu lạc bộ truyền thống mang những nét đặc sắc.
Nhà trường chú trọng bữa ăn học đường cân bằng dinh dưỡng; phối hợp với gia đình để học sinh có được chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao để giáo viên, học sinh rèn luyện thể lực. Mỗi học sinh biết chơi một môn thể thao.
Giáo viên ghi chép nhận xét về lỗi của học sinh vào sổ nhật ký (hành vi cư xử, quá trình tiếp thu,…) để nắm bắt và chuyển hóa học sinh, tạo mối quan hệ đồng cảm, thấu hiểu. Phòng tư vấn tâm lý được khai thác hiệu quả, công tác tư vấn tâm, lý được bảo mật. Thiết lập hệ thống tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết vấn đề cho học sinh, giáo viên và phụ huynh để giúp họ đối phó với những khó khăn, áp lực và thách thức trong cuộc sống. Giúp học sinh học được cách làm chủ bản thân, làm chủ các mối quan hệ và biết cách đưa ra quyết định có trách nhiệm.
Các em sẽ học được cách nhận thức giá trị của bản thân, biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình, có khả năng tự nhận thức đúng đắn và tin vào năng lực của bản thân.