Phát biểu kết luận tại Hội nghị truyền dẫn, phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương trên hạ tầng truyền hình số mặt đất khu vực Bắc Bộ vào chiều ngày 23/2/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã yêu cầu các đài PT-TH địa phương phải chủ động và chịu trách nhiệm về giải pháp phát sóng kênh thiết yếu của địa phương mình lên hạ tầng truyền hình số mặt đất DVB-T2.
Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm đặt ra lộ trình cho các Sở TT&TT phải có trách nhiệm nghiên cứu để tham mưu cho các UBND tỉnh có quyết định lựa chọn đơn vị truyền dẫn phát sóng trước 30/3/2017, chậm nhất là đến 30/5/2017 là phải hoàn thành xong hợp đồng kinh tế để đảm bảo các kênh thiết yếu của địa phương lên hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 trước ngày tắt sóng ít nhất là 1 tháng, tức là ngày 30/5/2017. Đây là 7 tỉnh sẽ số hóa truyền hình vào ngày 1/7/2017 tới đây.
"Việc lên sóng kênh truyền hình số trước 1 tháng khi tắt sóng analog là để người dân làm quen và chủ động thu xem truyền hình số trước", Thứ trưởng Phan Tâm nêu rõ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các Sở TT&TT phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT như Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Kế hoạch Tài chính để tìm hiểu rõ hơn về thị trường truyền dẫn phát sóng, về đơn giá định mức kinh tế kỹ thuật để tham mưu đầy đủ và chất lượng hơn cho lãnh đạo UBND tỉnh về phương án phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu lên hạ tầng truyền dẫn truyền hình số mặt đất.
7 tỉnh sẽ số hóa truyền hình giai đoạn tới là Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh. Vấn đề nổi lên rõ nét nhất tại cuộc họp là trong số 7 tỉnh thì có tới 4 tỉnh đều muốn tiếp tục truyền dẫn trên hạ tầng của VTV, vì các đơn vị này đã được VTV hỗ trợ phát sóng miễn phí khi VTV lắp đặt máy phát và cột ở các tỉnh này. Trong khi về lâu dài, VTV sẽ không đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu truyền dẫn hết cho các đài địa phương do giới hạn về tài nguyên tần số khi VTV triển khai mạng đơn tần vào năm 2018, cũng như khi các đài địa phương đều có nhu cầu phát sóng chuẩn HD.
Hiện nay, tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ có 4 đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất, bao gồm: 3 đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng toàn quốc là VTV, VTC, AVG và 1 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực là RTB.
Ở khía cạnh khác theo quy định của Luật Viễn thông, VTV tuy là đơn vị truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất phạm vi toàn quốc. Nhưng Trung tâm Truyền dẫn phát sóng của VTV không phải là doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng nên chưa được phép cung cấp dịch vụ (có thu tiền) truyền dẫn phát sóng cho các Đài địa phương. Hiện tại VTV đang truyền miễn phí một số kênh truyền hình địa phương như đã nêu ở trên.
Tương tự, VTC cũng chưa thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo quy định nên cũng chưa được phép cung cấp dịch vụ. Đại diện VTC cũng cho hay, do có nhiều khó khăn nội tại cả về tổ chức cũng như vốn đầu tư nên chưa biết đến thời điểm nào VTC mới lập doanh nghiệp theo đúng quy định của Quyết định 2451.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, theo quy định thì việc chọn đơn vị nào cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng là quyền địa phương. Nhưng địa phương phải lưu ý vấn đề chọn thế nào để đảm bảo giải pháp lâu dài. Ông Tuấn cũng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ không ưu ái bất cứ một đơn vị truyền dẫn phát sóng nào. Trước đây khi thiết kế để hình thành doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực là để dồn các đài địa phương phát sóng trên hạ tầng của doanh nghiệp khu vực, nhưng quy định đấu thầu không cho phép thực hiện như vậy. Thị trường sẽ phát triển theo hướng cạnh tranh và chọn đơn vị là do các Đài PT-TH địa phương lựa chọn.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng lưu ý các đài địa phương, việc VTV phát hộ cho một số đài luật pháp không cấm, không phải vì VTV không có doanh nghiệp thì không được phát hộ. Nhưng các đài và VTV cần phải làm rõ với nhau là VTV sẽ phát hộ đến bao giờ. Theo quy hoạch tần số và về mặt kỹ thuật VTV sẽ không đủ tần số để phát hộ mãi cho các địa phương. Đến khi VTV không phát hộ được nữa, các đài quay lại RTB, nhưng RTB cho thuê kênh tần số đó cho đơn vị khác rồi sẽ nhỡ nhàng cho các bên. Việc phát sóng các đài cần tính toán dài hơi, không thể thay đổi trong một vài năm.
Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn phát sóng của VTV, với 3 kênh tần số được cấp, VTV vẫn đủ dung lượng để phát mạng đa tần và sẽ phát sóng cho các đài địa phương khi Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình và các địa phương yêu cầu. Còn khi thiết lập mạng đơn tần thì VTV chỉ có thể phát sóng được cho 1 số ít địa phương theo chuẩn SD. Về lâu dài VTV sẽ không thể phát sóng miễn phí kênh địa phương theo chuẩn HD trên mạng đơn tần khu vực vì chi phí lớn.