Đại học RMIT Việt Nam vừa tổ chức Ngày trải nghiệm các ngành học Kỹ thuật và Công nghệ tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường. Sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 1.800 học sinh và phụ huynh.
Góp mặt tại Ngày trải nghiệm các ngành học Kỹ thuật và Công nghệ của RMIT Việt Nam, các em học sinh được dự 17 lớp học tương tác như: tự tạo website cá nhân, lắp ráp động cơ đua tí hon hay lắp ráp mô hình sản xuất khí hydro, cũng như tìm hiểu các công nghệ được sử dụng trong tương lai. Những hoạt động này giúp cho học sinh khám phá bản thân và đưa ra quyết định chọn ngành học phù hợp trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ.
Tại Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông” được phê duyệt vào tháng 9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020, 80% sinh viên CNTT và Truyền thông tốt nghiệp ở các trường đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế; tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 1 triệu người, trong đó bao gồm nhân lực hoạt động trong nước và nhân lực tham gia xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 mới được Bộ TT&TT công bố phát hành, tính đến cuối năm 2016, tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT là 780.926 lao động, gồm hơn 568.200 người làm trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử; hơn 97.300 lao động làm trong lĩnh vực phần mềm; trên 46.600 lao động làm về nội dung số và số lao động làm về dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) là hơn 68.600 người. Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần có thêm khoảng 220.000 nhân lực ngành CNTT.
Trước đó, hồi giữa năm ngoái, trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đã đưa ra dự báo về nhu cầu nhân lực ngành CNTT. Thống kê của VietnamWorks cho hay, trong 3 năm qua, số lượng các công việc thuộc ngành CNTT đã tăng trung bình 47% mỗi năm; song số lượng nhân sự ngành CNTT chỉ tăng ở mức trung bình 8% mỗi năm. Theo VietnamWorks, từ nay đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực 8%, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực CNTT.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Ngày trải nghiệm các ngành học Kỹ thuật và Công nghệ, ông Trần Ngọc Quang - Trưởng bộ môn Kỹ sư phần mềm, Khoa Khoa học & Công nghệ của Đại học RMIT Việt Nam cho biết, để chuẩn bị nhân lực đáp ứng tình trạng khan hiếm trong lĩnh vực công nghệ, cũng như sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chương trình Cử nhân Kỹ sư phần mềm RMIT Việt Nam cung cấp kiến thức kỹ thuật chuyên ngành cả phần cứng và phần mềm cho sinh viên, đồng thời tạo điều kiện cho các em trau dồi các kỹ năng mềm như làm việc nhóm và quản lý. “Điều này sẽ giúp sinh viên thích ứng nhanh với thay đổi và dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ”, ông Quang nhấn mạnh.
Ông Châu Thy Sang - Trưởng phòng Tuyển dụng của Công ty LogiGear Corporation cũng bổ sung thêm: các sinh viên ngành CNTT cần nắm vững kiến thức phần mềm và cả phần cứng vì hiện các công ty lớn hay các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Intel đang cần rất nhiều nhân lực thông thạo cả hai mảng này.
Hiện nay, Đại học RMIT Việt Nam đào tạo 4 chuyên ngành trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ gồm CNTT, Kỹ sư phần mềm, Kỹ sư Điện & Điện tử, và Kỹ sư Robot & Cơ điện tử với thời gian học từ 3 đến 4 năm tùy theo chuyên ngành.
Thông tin về việc làm của các cựu sinh viên ngành CNTT của RMIT Việt Nam, nhà trường cho biết, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT của RMIT Việt Nam có việc làm khi ra trường là 100%, trong đó 10% tiếp tục học lên cao hơn. Đặc biệt, hầu hết sinh viên tốt nghiệp CNTT của RMIT Việt Nam làm việc tại các Công ty đa quốc gia, Công ty có yếu tố nước ngoài hoặc đang làm việc tại các nước phát triển như Mỹ, Úc và Singapore.