Nhiều tập đoàn có dấu ấn gia đình kinh doanh đa ngành nghề nổi lên mạnh mẽ, trở thành các "đế chế" hùng mạnh trong nhiều lĩnh vực
Gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam
Ông Phạm Nhật Vượng và vợ là Phạm Thu Hương gây dựng lên một loạt doanh nghiệp đầu ngành, có vị thế dẫn dắt trong cả thập kỷ qua. Vingroup được biết đến là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, với vốn hóa có lúc đạt hơn 400.000 tỷ đồng (khoảng 17 tỷ USD).
Hiện, vốn hóa của Vingroup ở mức khoảng hơn 200.000 tỷ đồng (8,5 tỷ USD) và vẫn là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước.
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam theo xếp hạng của Forbes, giữ vững vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam kể từ 2013 đến nay. Trong khi đó, vợ ông Vượng là bà Phạm Thu Hương là doanh nhân đứng vị trí thứ 2 trong các nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán. Con trai của vợ chồng tỷ phú Vượng được xem là cánh tay phải trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
Không chỉ có Vingroup, gia đình ông Vượng còn quản lý nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác như Vinhomes (VHM) - tập đoàn lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản, với vốn hóa hơn 220.000 tỷ đồng (9,3 tỷ USD), tính tới 18/4 .
VinFast là doanh nghiệp sản xuất ô tô điện duy nhất tại Việt Nam và có kế hoạch chinh phục thị trường Mỹ, cũng như niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới.
Hầu hết các doanh nghiệp của gia đình ông Vượng đều ở vị trí đầu ngành hoặc/và dẫn dắt. Và các thành viên trong gia đình ông Vượng nắm giữ các vị trí chủ chốt. Đây cũng là cách thức quản lý mà nhà ông Vượng làm từ những ngày đầu khởi nghiệp bên Đông Âu.
Năm 2017, tập đoàn tư nhân này gây chú ý tại thị trường nội địa lẫn truyền thông quốc tế khi thành lập hãng xe VinFast, nuôi tham vọng chinh phục thị trường thế giới và thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hương hiện là Phó Chủ tịch Vingroup, phụ trách nhánh hoạt động kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng.
Không chỉ ông Vượng và vợ, một số thành viên khác trong gia đình cũng đang chung tay gây dựng và quản lý các doanh nghiệp đầu ngành.
Bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương cũng là Phó Chủ tịch Vingroup. Trong khi đó, con trai ông Vượng - Phạm Nhật Anh Quân, sinh năm 1993 đầu quân cho Vingroup từ năm 2015 đến nay, được điều chuyển qua nhiều bộ phận kinh doanh của tập đoàn từ bất động sản, du lịch tới sản xuất công nghiệp.
Hiện tại, ông Vượng và gia đình sở hữu trực tiếp và gián tiếp gần 60% cổ phần Vingroup.
Trong các lĩnh vực Vingroup tham gia, tập đoàn này đều thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Với mảng bất động sản, Vinhomes, thành viên của Vingroup, là nhà phát triển lớn nhất thị trường, ước tính đã bàn giao khoảng 100.000 sản phẩm tới người mua nhà.
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl sở hữu hệ thống 18.500 phòng khách sạn trải dài tại các địa danh du lịch trọng điểm của Việt Nam.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - Vietnam Investment Group (VIG) được biết đến là công ty đầu tư cá nhân chủ chốt của gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng. VIG hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 33% cổ phần của Vingroup. Công ty này cũng đang nắm giữ 33,48% vốn của VinFast Singapore (sở hữu nhà máy VinFast tại Việt Nam).
Hiện, Vingroup sở hữu 6 công ty công nghệ. Đó là VinBigData (nghiên cứu dữ liệu lớn xử lý hình ảnh và ngôn ngữ), VinAI (nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, ứng dụng vào xeinFast và các đại đô thị Vinhomes), VinBrain (phát triển các sản phẩm ứng dụng AI cho y tế), VinHMS (sản phẩm công nghệ cho lĩnh vực du lịch, khách sạn), VinCSS (sản phẩm công nghệ dịch vụ an ninh mạng) và VinITIS (xử lý dữ liệu, cho thuê hạ tầng phát sóng di động, mạng thoại, truyền hình và các hoạt động liên quan).
Đế chế tiêu dùng, bán lẻ của gia đình ông Nguyễn Đăng Quang
Ông Nguyễn Đăng Quang được biết đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là người sáng lập và dẫn dắt Masan Group (MSN), tập đoàn tư nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - thực phẩm - tài chính - khai khoáng - bán lẻ.
Ông Nguyễn Đăng Quang và bà Nguyễn Hoàng Yến (cùng sinh năm 1963) là cặp vợ chồng gây dựng tập đoàn bán lẻ, tiêu dùng Masan với quy mô 5 tỷ USD (tính tới tháng 4/2023).
Hệ sinh thái các doanh nghiệp của gia đình ông Quang-bà Yến trải dài trong nhiều lĩnh vực.
Tập đoàn Masan có 4 công ty con sở hữu trực tiếp và hàng chục công ty con sở hữu gián tiếp và công ty liên kết.
Các công ty con của Masan hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ (WinCommerce - CrownX), sản xuất hàng tiêu dùng (Masan Consumer), chăn nuôi chế biến thịt (Masan MeatLife), viễn thông (Wintel), trà sữa (Phúc Long) đến khai thác khoáng sản (Masan Hightech Materials) - DN sở hữu một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới Núi Pháo.
Trong đó, Masan Consumer (MCH), Masan Hightech Materials (MSR) và Masan MeatLife (MML) đã lên sàn chứng khoán. Tới giữa tháng 4/2023, vốn hóa của Masan Consumer khoảng 2 tỷ USD, Masan Hightech Materials khoảng 500 triệu USD và Masan MeatLife khoảng 500 triệu USD.
Để có được hệ sinh thái doanh nghiệp trải dài trong nhiều lĩnh vực như hiện nay, Masan dưới sự quản lý của vợ chồng ông Quang trong nhiều năm qua đã thực hiện nhiều thương vụ M&A đình đám với định hướng mua DN có dòng tiền, vực dậy thương hiệu Việt.
Trong 2 năm 2021-2022, Masan Group thực hiện hơn 10 thương vụ M&A “đình đám”. Masan đã chi nhiều tỷ USD mua cổ phần CrownX (sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart) và dần nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu lên gần 85%.
Trước đó, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang mua toàn bộ cổ phần Vinacafé Biên Hòa từ các cổ đông lớn, trong đó có ông lớn VinaCapital. Cả Masan và Vinacafé Biên Hòa đều hưởng lợi sau M&A.
Vợ của ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến không xuất hiện trước truyền thông nhưng bà Yến đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Masan Group và các công ty thành viên. Cụ thể, bà đang là thành viên HĐQT Masan Group, thành viên HĐTQ kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MCH); thành viên HĐQT tại các công ty CTCP VinaCafé Biên Hòa (VCF), Bột giặt NET (NET), Nước khoáng Vĩnh Hảo, …
Hiện bà Yến sở hữu 50,9 triệu cổ phiếu MSN và gần 900 nghìn cổ phiếu MCH. Tổng tài sản chứng khoán của bà hiện nay vào khoảng 3.400 tỷ đồng.
Ở cương vị lãnh đạo Masan Group ông Quang hoạch định chiến lược và đưa ra các quyết định giúp công ty này phát triển. Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Yến phụ trách nhiều mảng hoạt động quan trọng, trong đó có thu mua nguyên liệu đầu vào của công ty. Gia đình ông Quang đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp hơn 25% cổ phần của Masan Group.
Ông Quang đã lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes trong 4 năm 2019, 2021, 2022 và năm 2023. Theo danh sách được công bố đầu tháng 4/2023, tài sản của ông Quang lên đến 1,3 tỷ USD.
Gia đình vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn
Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn (1951), chủ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang và hàng hiệu. Tập đoàn nhà ông Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên nắm giữ 30% thương hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới ở Việt Nam, với khoảng 70% thị phần tại thị trường nội.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người sáng lập ra IPP Group nhưng hiện ông chỉ còn nắm vỏn vẹn 1% vốn của doanh nghiệp này. Phần còn lại vợ và các con ông sở hữu.
Cuối 2017, cựu diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên trở thành 1 trong người giàu có hàng đầu trong giới doanh nhân Việt Nam, sau khi được chồng là ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển giao phần lớn cổ phần IPPGroup.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên và con trai Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Phi Long nắm giữ cổ phần với tỷ lệ lần lượt 59%, 20% và 20%. Trước đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn từng nắm 90% vốn.
IPPGroup là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng hiệu quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Đây là một tập đoàn ghi dấu ấn của bà Lê Hồng Thủy Tiên. Doanh nghiệp nhà bà Thủy Tiên phân phối rất nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex… và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts… với doanh thu đang hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.
Trong vài năm qua, IPP Group đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hàng không như tại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) và CIAS. IPP nắm giữ 30% cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiện là chủ tịch Sasco. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) với gần 49,1%. Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương của nhà ông Hạnh Nguyễn nắm gần 25%. Bên cạnh đó là các công ty khác liên quan tới ông Johnathan.
Hai công ty con của IPP Group (Tập đoàn nhà ông Hạnh Nguyễn) là Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) cũng đang lần lượt nắm giữ 15,4% và 4,9% tại Sasco.
“Nhà Doji” áp đảo cơ cấu cổ đông TPBank
Một ngân hàng nổi lên nhanh chóng gần đây là TPBank, sau khi ông Đỗ Minh Phú và các thành viên gia đình bước chân vào nhà băng này.
Cách đây một thập kỷ, TienPhongBank vốn là ngân hàng gặp khó khăn, nằm trong danh sách những nhà băng yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Ông Đỗ Minh Phú thành công từ kinh doanh vàng và hàng tiêu dùng phục vụ phụ nữ và trẻ em (Diana). Sau khi bán vốn tại Diana, ông Phú và em trai Đỗ Anh Tú được cho là dồn sức vào lĩnh vực ngân hàng, mua 20% cổ phần TPBank.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, ông Phú đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT TPBank. Từ đây, ông bắt tay vào thay đổi lại bộ máy, ban điều hành và bắt tay tái cơ cấu lại toàn bộ ngân hàng này.
Giữa năm 2018, ông Phú phải “bỏ vàng”, từ chức chủ tịch một loạt các doanh nghiệp, trong đó có vị trí chủ tịch CTCP Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, để giữ vị trí cao nhất tại TPBank theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng.
Tính tới cuối năm 2022, cổ đông lớn duy nhất tại TPBank là CTCP Vàng bạc đá quý DOJI (5,93%). Đây là doanh nghiệp của nhà ông Đỗ Minh Phú. Cá nhân ông Phú không nắm giữ cổ phần nào của TPBank.
Gia đình ông Phú - Tú nắm giữ trên 18% cổ phần Ngân hàng TPBank.
Ông Đỗ Anh Tú là doanh nhân nổi tiếng và cùng với ông Đỗ Minh Phú là con của lão doanh nhân Đỗ Thế Sử. Cụ Đỗ Thế Sử là người đứng đầu một trong những gia tộc thành đạt nhất Việt Nam và là người điều hành doanh nghiệp khi 90 tuổi.
Doanh nhân Đỗ Minh Phú cùng gia đình hiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gồm tài chính, trang sức, F&B, thương mại, bất động sản.
Gia đình ông Đặng Văn Thành và vị thế số 1 ngành mía đường, BĐS
Vụ thâu tóm lịch sử trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam Sacombank-SouthernBank đã khép lại nhiều năm trước. Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Đặng Văn Thành đã rời hẳn khỏi lĩnh vực ngân hàng và quay về với nơi ông từng khởi nghiệp.
Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình ông Đặng Văn Thành dồn lực vào lĩnh vực mía đường, bất động sản và du lịch.
Đặng Huỳnh Ức My sinh năm 1981, đang nắm giữ gần 15,9% vốn điều lệ của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT). Tập đoàn Thành Thành Công nắm giữ hơn 25,4%. Bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông Thành) nắm 10,15%.
Hiện tại SBT trực tiếp và gián tiếp sở hữu một loạt doanh nghiệp mía đường lớn. SBT hiện chiếm khoảng 40% thị phần.
Tập đoàn này sở hữu hệ thống khách sạn 2 đến 4 sao, khu du lịch, resort trải dài từ Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Lạt như khách sạn Ngọc Lan, khách sạn Michelia, khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ, khu du lịch Hòn Rơm 2, Pegasus resort,...
Tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR), vợ ông Thành là bà Huỳnh Bích Ngọc làm Chủ tịch, con trai Đặng Hồng Anh làm Phó Chủ tịch. CTCP Đầu tư Thành Thành Công nắm gần 178%; ông Hồng Anh nắm hơn 10%; CTCP Thương mại Thành Thành Công nắm hơn 4,4%...
Nhiều tập đoàn gia đình nổi tiếng
Rất nhiều tập đoàn gia đình Việt đã trở thành đế chế trong các lĩnh vực họ hoạt động.
Gia đình bà Nguyễn Thị Điền - Công ty TNHH may thêu giày An Phước. Đây là doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam với trên 7.000 nhân viên và 11 nhà máy khắp cả nước, với hệ thống cửa hàng An Phước - Pierre Cardin (165 cửa hàng) và hơn 60 cửa hàng thương hiệu Bonjour - Anamai (đồ nội y, thể thao và phụ kiện thời trang nữ).
Bên cạnh đó là các gia đình như: Đoàn Quốc Việt (BIM Group), Lê Văn Quang (Thủy sản Minh Phú), Trần Kim Thành-Trần Lệ Nguyên (Kido), Vưu Khải Thành (Biti’s), Trần Quí Thanh (Tân Hiệp Phát), Lê Văn Kiểm (Golf Long Thành), Nguyễn Hoàng Tuấn (Sơn Kim), Lý Ngọc Minh (sứ Minh Long), Trần Thanh Hải-Trần Thị Lệ (Nutifood), Nguyễn Trí Tân (Kymdan), Nguyễn Thị Mai Phương (Tân Á Đại Thành).
Theo khảo sát hơn 240 chủ doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam và 1.300 chủ doanh nghiệp trên khắp châu Á do Sun Life Financial thực hiện, mô hình doanh nghiệp gia đình đa thế hệ đang có khả năng giảm.