Thông tin nêu trên vừa được Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu chia sẻ tại phiên họp đầu tiên trong năm 2018 của Hội đồng giám đốc CNTT (CIO) cơ quan nhà nước khối các cơ quan Trung ương diễn ra sáng nay, ngày 3/7/2018.
Được Bộ TT&TT và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại Hà Nội, phiên họp do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng CIO cơ quan nhà nước chủ trì.
Cũng trong phát biểu tại phiên họp, ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, hiện nay, Chính phủ đang xác định ứng dụng và phát triển CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược. Điều này đã được thể hiện cụ thể ở Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao xác định việc ứng dụng và phát triển CNTT là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, hiện đại hóa bộ máy hành chính, nhanh chóng, công khai, minh bạch trong xử lý, giải quyết công việc.
“Trong thời gian qua, việc triển khai ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Ngoại giao đã đạt được nhiều kết quả rõ ràng, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết các TTHC cho công dân Việt Nam, người nước ngoài và các tổ chức quốc tế; qua đó góp phần tích cực tăng cường công cuộc hội nhập của đất nước với thế giới, chuyển thông điệp về ứng dụng thông tin công nghệ cao của Việt Nam đối với các nước và bạn bè quốc tế”, ông Châu nhận định.
Vị Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho hay, từ năm 2005, Bộ Ngoại giao đã triển khai thành công phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc để áp dụng việc gửi, nhận, quản lý các văn bản nội bộ giữa các đơn vị trong Bộ và thực hiện quản lý, theo dõi, đôn đốc công việc bằng sổ nhắc việc điện tử. Đến nay, 100% các đơn vị của Bộ Ngoại giao sử dụng hệ thống CNTT để chuyển nhận văn bản và quản lý điều hành công việc; hơn 95% văn bản không mật được trao đổi qua môi trường mạng; 100% các văn bản trao đổi giữa Bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được giao dịch điện tử.
Bên cạnh việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và xử lý công việc, Bộ Ngoại giao còn tập trung xây dựng nhiều ứng dụng CNTT để tin học hóa các nghiệp vụ quản lý trong Bộ: thực hiện ứng dụng quản lý cấp phát hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; quản lý hồ sơ điện tử của cán bộ, công chức; hệ thống quản lý về ưu đãi miễn trừ cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phần mềm quản lý phóng viên và các cơ quan báo chí nước ngoài tại Việt Nam; xây dựng các cơ sở dữ liệu về biên giới lãnh thổ, về người Việt Nam ở nước ngoài, về điều ước quốc tế; cùng nhiều ứng dụng, phần mềm khác triển khai phục vụ công tác tại 97 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Ngoại giao đã đạt được những kết quả nhất định từ rất sớm, như năm 2008, triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và Quyết định 135 về quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng xây dựng và ứng dụng thành công hệ thống tiếp nhận, quản lý và giải quyết giấy miễn thị thực Việt kiều trực tuyến để áp dụng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cấp phát giấy tờ xuất nhập cảnh đến bà con Việt kiều đáp ứng nguyện vọng trở về đóng góp cho Tổ quốc một cách nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm chi phí nhất.
Cũng theo ông Châu, từ kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ trên, những năm tiếp theo, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh xây dựng những dự án liên quan đến các dịch vụ công như: năm 2009 xây dựng chức năng kê khai trực tuyến hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, công hàm xin thị thực; năm 2010, tin học hóa hệ thống quản lý công tác ưu đãi miễn trừ ngoại giao, kê khai xử lý qua mạng đối với các đoàn ngoại giao đóng tại Hà Nội; năm 2013, đầu tư xây dựng hệ thống cấp phát trực tuyến dịch vụ hợp pháp hóa chứng nhận lãnh sự tại Cục Lãnh sự và Sở Ngoại vụ TP.HCM. Và đặc biệt, cũng trong năm 2013, với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Bộ Ngoại giao đã tranh thủ được nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng hệ thống cấp phát thị thực trực tuyến tại Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ TP.HCM và 97 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trong triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, với tiêu chí triển khai có trọng tâm trọng điểm, Bộ Ngoại giao đã ưu tiên lựa chọn một số TTHC thiết thực với người dân, có khả năng phát sinh nhiều hồ sơ để xây dựng dịch vụ công qua mạng. Qua đó, số lượng hồ sơ đăng ký, giải quyết, thực hiện, xử lý trực tuyến hàng năm của Bộ Ngoại giao nhiều, xấp xỉ 1 triệu hồ sơ/năm.
Khẳng định rõ công tác đảm bảo an toàn thông tin được Bộ Ngoại giao hết sức coi trọng, ông Phạm Sanh Châu cho biết, trong bối cảnh tình hình ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp và khó lường, các sự kiện liên quan của Bộ Ngoại giao luôn là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công mạng.
Cụ thể, theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Thông tin - Bộ Ngoại giao, hệ thống giám sát đã phát hiện và cảnh báo tấn công vào hệ thống CNTT của Bộ Ngoại giao với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp như trinh sát hệ thống, do thám mật khẩu, khai thác lỗ hổng nhằm chiếm quyền điều khiển của các máy chủ trong hệ thống, bí mật mở kết nối tới các máy chủ điều khiển ở nước ngoài để chuyển dữ liệu đã đánh cắp.
Đáng chú ý, số liệu thống kê từ hệ thống giám sát của Ban Cơ yếu Chính phủ đã cho thấy, trong năm 2017 - Năm APEC Việt Nam, số lượng sự kiện an toàn thông tin mạng của Bộ Ngoại giao cao nhất trong các bộ, ngành, tăng đột biến và gấp tới 10 lần so với năm 2016.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống CNTT của Bộ Ngoại giao, Bộ đã thành lập Phòng chuyên trách về an toàn thông tin trực thuộc Trung tâm thông tin của Bộ; chú trọng đầu tư một số thiết bị an ninh thông tin. Bộ Ngoại giao cũng đã nhận được sự hỗ trợ của một số đơn vị như Cục An toàn thông tin và Trung tâm VNCERT của Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ đã giám sát 24/7 và cảnh báo cho Bộ về các nguy cơ mất an toàn thông tin để kịp thời xử lý, bảo đảm hệ thống thông tin của Bộ thông suốt, an toàn và hiệu quả.
Đại diện Trung tâm Thông tin - Bộ Ngoại giao cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các thiết bị bảo mật để mã hóa kênh truyền, bảo đảm việc truyền dữ liệu giữa các địa điểm được mã hóa.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang thúc đẩy triển khai dự án hộ chiếu điện tử. Đây là dự án lớn với quy mô triển khai rộng tại tất cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, 63 tỉnh thành phố trên cả nước và 2 địa điểm của Bộ Ngoại giao là Cục Lãnh sự và Sở Ngoại vụ TP.HCM. “Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT&TT để hoàn thiện dự án khả thi của dự án hộ chiếu điện tử. Thời gian tới, đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ thẩm định hồ sơ dự án khả thi để đẩy nhanh tiến độ dự án”, đại diện Trung tâm Thông tin của Bộ Ngoại giao nêu.