Robot hỗ trợ người già và người khuyết tật
Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên Nguyễn Phi Lân, Trần Nguyên Phúc, Lê Ngọc Hoàng của Đại học (ĐH) Đồng Nai. Robot có thể trở thành xe lăn để di chuyển hay biến thành giường nằm. Ngoài ra, nó có thể nâng lên, hạ xuống để người sử dụng tự di chuyển từ robot sang giường nằm mà không cần sự hỗ trợ.
Sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo lần thứ II, năm 2016.
Kính điện tử cảnh báo vật cản
Là sản phẩm của tiến sỹ Nguyễn Bá Hải và các cộng sự tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, chiếc kính này giúp người khiếm thị phát hiện vật cản từ khoảng cách tối đa 3,5m, có thể điều chỉnh khoảng cách “nhìn”.
“Mắt thần” cho người khiếm thị của tiến sỹ Nguyễn Bá Hải. Ảnh: Ngọc Vũ.
Phiên bản mới có tên MT2EX - được giới thiệu vào tháng 8/2016 - có thể phát hiện vật cản từ đỉnh đầu đến chân nhờ sự kết hợp giữa cảm biến gắn trên mắt kính và thiết bị đeo ở thắt lưng.
Khi phát hiện vật cản, thiết bị này sẽ rung liên tục để cảnh báo. Pin cũng đã được cải tiến để có thể dùng liên tục 7 giờ. Tác giả đang triển khai phiên bản thứ ba, hoàn thiện sản phẩm để sản xuất 1.000 cái theo hợp đồng trị giá hơn 5,5 tỷ đồng mà Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết với ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM và nhóm nghiên cứu.
Găng tay điện tử thông minh
Sản phẩm này của sinh viên Lê Ngô Duy Phong - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM - được tích hợp nhiều chức năng, giá thành khoảng 800.000 đồng/đôi. Chiếc găng trái có vai trò như một chiếc điện thoại di động với hệ thống phím bấm được thiết kế dạng chữ nổi braille trên các đốt ngón tay; loa thoại ở ngón giữa và mic dưới lòng bàn tay.
Một người khiếm thị thử nghiệm găng tay thông minh. Ảnh: NVCC.
Nếu muốn đàm thoại, người khiếm thị áp sát tay lên má, các phím bấm sẽ dựa vào xúc giác, cử động của ngón tay để hoạt động. Chiếc găng phải có hệ thống phím riêng và kết nối với máy tính qua sóng không dây.
Tác giả đang hoàn thiện sản phẩm, tích hợp các tính năng thành một chiếc găng duy nhất và đang tìm nguồn tài trợ để nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thương mại hóa.
Kính MutiGlass cho người khuyết tật tay
Sản phẩm này của nhóm kỹ sư Lê Anh Tiến, Lê Hoàng Anh và Hoàng Minh Phú (Đà Nẵng) áp dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây RF, cho phép người dùng điều khiển con trỏ chuột bằng cách nghiêng đầu theo các hướng. Nếu muốn sử dụng bàn phím, họ có thể nhấp chuột thông qua bàn phím ảo.
Để sử dụng kính, chỉ cần kết nối nó với máy tính qua cổng USB. Multiglass đã được sản xuất 25 chiếc tặng Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng bằng kinh phí của một tổ chức phi chính phủ. Giá mỗi chiếc khoảng 600.000 đồng. Sản phẩm đoạt giải khuyến khích Nhân tài đất Việt 2015 và được đưa vào sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016.
Xe lăn thông minh
Từ chiếc xe lăn bình thường giá khoảng 1 triệu đồng, nhóm sinh viên Tạ Quang Quân, Bùi Xuân Tài, Nguyễn Văn Đại - ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên - tạo ra sản phẩm nhiều tính năng bằng cách lập trình kết nối smartphone và xe lăn. Người sử dụng có thể điều khiển xe từ xa qua điện thoại, bằng giọng nói và cử động đầu.
Sản phẩm còn có tính năng cảnh báo trời tối, cảnh báo hố sâu, giúp người dùng gọi nhanh đến số điện thoại khẩn cấp đã cài đặt trước chỉ bằng một nút nhấn. Sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo 2015.
Cánh tay giả điều khiển bằng sóng não
Sản phẩm này của học sinh Lê Mạnh Trường - Trường THPT Bùi Thị Xuân, Đà Lạt - đoạt giải nhất đợt 3 cuộc thi Sáng kiến cộng đồng năm 2016 do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức.
Cánh tay giả điều khiển bằng sóng não do Lê Mạnh Trường chế tạo. Ảnh: NVCC.
Cơ chế hoạt động: Cảm biến sóng não EEG tiếp nhận tín hiệu thay đổi điện cực từ da đầu, truyền cho bộ phần điều khiển dây nối và làm ngón tay cử động. Cánh tay giả này có thể giúp cầm nắm các vật vừa tay như chai nước, xách đồ với khối lượng vừa phải. Sản phẩm có giá thành khoảng 10 triệu đồng, cần được hoàn thiện thêm trước khi thương mại hóa.