TS. Nguyễn Hoàng Quy và  ThS. Lê Ánh Tuyết, Học viện Hành chính Quốc gia đã nêu các vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, CSCNX giúp nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cải thiện đời sống sức khỏe.

Nền kinh tế tại các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào sự sẵn có của nguồn tài nguyên thiên nhiên, khả năng tiêu dùng và thu nhập của người dân. Suy thoái môi trường đặt ra gánh nặng chi phí cao đối với nhóm quốc gia đại diện 40% dân số toàn cầu ở mức GDP trung bình dưới 8%. Chính vì vậy, những cải tiến trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ sẽ dẫn tới tăng trưởng sản xuất, tiết kiệm chi phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo.

{keywords}
Ảnh minh họa: Khu công nghiệp chất lượng cao 

Thứ hai, ngành công nghiệp thân thiện môi trường giúp tăng trưởng nguồn nhân lực và tránh sự lạm dụng nguồn tài nguyên công. Các sản phẩm hàng hóa môi trường – nguồn tài nguyên công thường xuyên gặp vấn đề, như không rõ ràng về chủ sở hữu hay quyền quản lý sử dụng. Khi tài nguyên bị khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của những người thu nhập thấp phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này. Quản lý đúng cách nguồn tài nguyên chung sẽ làm chậm quá trình suy thoái và tăng trưởng năng suất kinh tế, đồng thời, giá trị và sự khan hiếm của nguồn tài nguyên nên được thể hiện ở các loại phí dịch vụ môi trường – giảm thiểu sự xuống cấp của môi trường sinh thái và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, việc cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên có thể sẽ đáp ứng được hết các chi phí vốn ban đầu trong thời gian ngắn hạn, giảm tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm, tăng lợi nhuận ròng nền kinh tế và tác động tích cực tới môi trường. Việc đầu tư vào các nguồn năng lượng hiệu quả có thể sinh mức lợi tức gấp ba lần: tiết kiệm lượng lớn năng lượng, giảm thiểu khí thải và tăng tỷ lệ việc làm.

Thứ ba, công nghiệp xanh giải mã các nguồn lực, đồng thời phát triển hạ tầng đô thị bền vững. Các nước đang phát triển có hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện sẽ giảm thiểu các chi phí môi trường và kinh tế, tận dụng các nguồn nguyên liệu rẻ, sạch và hiệu quả hơn thay vì sử dụng cacbon – gây tốn kém khi phải thay thế các công nghệ lỗi thời và xử lý hậu quả do chúng để lại. Tiếp đó, các nước đang phát triển được hưởng lợi từ việc giảm những ưu đãi trong tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên. Một số ưu đãi từ chính sách công nghiệp thuần túy có thể sẽ làm lợi cho một nhóm người có địa vị trong xã hội, khi họ tận dụng cơ hội để khai thác vượt ngưỡng quy định, bóp méo giá cả thị trường nhiên vật liệu và gây ra những hậu quả xấu tới môi trường. Do đó, thông tin trên thị trường phải được trình bày rõ ràng, đầy đủ, bao gồm cả những thiệt hại từ ưu đãi sai lầm và biện pháp bồi thường cho nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là nhóm người có thu nhập trung bình và thấp hơn trung bình.

Thứ tư, các nền kinh tế đang phát triển tạo dựng được lợi thế cạnh tranh mới trong quảng bá và sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường. Tuy hầu hết các nước đang phát triển không thể chấp nhận rủi ro cao khi sử dụng quy trình công nghệ tân tiến nhất, nhưng họ thích ứng tốt với nền tảng công nghiệp hiện có. Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và phong phú là lợi thế và tạo động lực cho sự phát triển ngành công nghiệp xanh tại các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển. Hơn nữa, các quốc gia này cũng trực tiếp hưởng lợi từ quảng bá và ứng dụng nền tảng xanh.

Ngân hàng Thế giới nhận định, mở cửa nền kinh tế đã gia tốc cho quá trình áp dụng, thích ứng và triển khai công nghệ. Các nước có thu nhập thấp nên tập trung vào những đổi mới để thích nghi và đáp ứng với nhu cầu của người tiêu dùng, bao gồm cả các đổi mới chính thức hoặc không chính thức, cung cấp hàng hóa cho nhiều người hơn trong khi sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên sẵn có.

Thứ năm, bất ổn về giá trên thị trường dầu mỏ khiến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển theo hướng gia tăng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Các dự án năng lượng tái tạo sẽ hỗ trợ giảm tốn kém trong tiêu thụ nhiên liệu, gia tăng an toàn năng lượng quốc gia, bảo vệ nền kinh tế trước cơn sốc giá dầu và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Các lĩnh vực công nghệ xanh tuy chỉ yêu cầu một số lượng nhỏ lao động có kỹ thuật trong ngắn hạn nhưng bảo đảm một lượng lớn nhu cầu việc làm trong dài hạn. Việc làm đến từ gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ xanh hay chuyển hình thức đánh thuế sang thuế gây thiệt hại môi trường đã tạo ra sự gia tăng nhu cầu lao động do cải cách tài khóa môi trường khiến giá lao động rẻ hơn so với chi trả cho tiêu thụ năng lượng.

Thứ sáu, việc sớm áp dụng các CSCNX ở các nước đang phát triển cung cấp lợi thế về năng lực công nghiệp ít cacbon, giảm các chi phí chuyển đổi sau đó và hạn chế chi phí giao thương của các nước nhập khẩu áp dụng đánh thuế cacbon.

Ngoài ra, cơ chế phát triển theo hướng công nghiệp xanh cho phép các nước đang phát triển nhận chuyển giao vốn từ những dự án giảm thiểu khí thải ở lĩnh vực năng lượng và sản xuất hoặc giảm khí thải từ nạn phá và suy thoái rừng. Ở mức độ toàn cầu, những đề án này có ý nghĩa ràng buộc với tất cả các quốc gia, khuyến khích các quốc gia đang phát triển tham gia vào các thỏa thuận liên quan đến biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự chuyển đổi xanh. Các quốc gia đang phát triển tiếp nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính và phát triển năng lực cần thiết trong chuyển đổi lĩnh vực năng lượng và sản xuất; kiểm soát, thích ứng và phục hồi nhanh chóng trước sự thay đổi của biến đổi khí hậu.

Hằng Nga