Yêu cầu Facebook điều trần tại Nghị viện, đe dọa chặn vĩnh viễn, biểu tình hoặc ký thư phản đối... là hành xử ở nhiều quốc gia khi mạng xã hội này gây ra scandal.
Trước khi gặp scandal chủ quyền ở Việt Nam, Facebook từng bị cho là tác nhân gây ra căng thẳng, xung đột tại một số quốc gia. Chính quyền, dư luận và các nhà hoạt động ở những nước này đã có biện pháp mạnh tay để Facebook điều chỉnh hành vi, thậm chí "cấm cửa" nếu không hợp tác.
Biểu tình ở Ấn độ
Năm 2015, CEO Mark Zuckerberg từng một phen sóng gió với dư luận Ấn Độ khi đăng trên trang cá nhân hình ảnh báo cáo độ phủ sóng hệ thống Internet của Facebook. Tuy nhiên, phần bản đồ Ấn Độ được sử dụng lại thiếu tỉnh Jammu và Kashmir, vùng lãnh thổ tranh chấp với Pakistan.
Đến năm 2016, Ấn Độ đã cấm các dịch vụ liên quan tới việc cung cấp Internet miễn phí, bao gồm cả Free Basics, một dịch vụ từ mạng xã hội Facebook cho phép người dùng truy cập Internet từ mọi nơi mà không phải trả tiền.
Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Free Basics của Facebook. Ảnh: IBTime UK. |
Lý do lớn nhất khiến Free Basics từ Facebook không được lưu hành tại Ấn Độ là vi phạm tính bình đẳng của Internet (Net neutrality). Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng dịch vụ Free Basics mà Facebook cung cấp đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Khi cung cấp dịch vụ miễn phí, Facebook sẽ thu hút được sự quan tâm của người dùng, khiến họ rời xa dịch vụ trả phí.
Trong khi đó, các đối thủ của Free Basics khẳng định, Facebook thực ra đang "chơi chiêu". Có thể, Free Basics không bao gồm các quảng cáo, nguồn thu lớn nhất của CEO Mark Zuckerberg trong năm vừa qua. Nhưng công cụ này lại thu thập các thông tin liên quan tới người dùng và bán cho các công ty quảng cáo.
Thực chất, Facebook đang "chơi chiêu" hơn là vì cộng đồng. Ấn Độ có lượng người dùng có khả năng truy cập Internet chỉ 19%. Nếu có thể thâu tóm số người dùng không đủ điều kiện truy cập tính phí còn lại, Facebook sẽ "phình to" khủng khiếp.
Nhưng đáng tiếc, cơ quan quản lý nước này đã dập tắt "chiêu trò" miễn phí đó bằng cách cấm hoàn toàn Free Basics của Facebook.
CEO phải điều trần tại Nghị viện Mỹ
Sau gần 4 năm thu thập và cung cấp dữ liệu của người dùng cho bên thứ ba, Facebook đã bị phát hiện sau vụ bê bối Cambrigde Analytica. Mạng xã hội này đã yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Thế nhưng, những thông tin này lại được dùng cho việc tác động đến nhận thức chính trị của cử tri, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Mark Zuckerberg buộc phải điều trần trước Nghị viện Mỹ. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đang xem xét mức phạt cho mạng xã hội này vì hành vi lừa dối người dùng. Ảnh: AP. |
Các tiết lộ này đã châm ngòi cho làn sóng tẩy chay dữ dội từ cộng đồng người dùng, chính trị gia và cả Quốc hội Mỹ. Bên cạnh đó phong trào #DeleteFacebook cũng được nhân rộng trên mạng xã hội Twitter. Trước áp lực này, sau một tuần im ắng, Zuckerberg đã lên tiếng xin lỗi và đồng ý ra điều trần vào ngày 11/4.
Dù đã trải qua các phiên điều trần, nhưng Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang xem xét việc Facebook có phải bồi thường thiệt hại khi xâm phạm quyền riêng tư của 87 triệu người dùng hay không. Theo FTC, Facebook sẽ phải đối mặt với số tiền phạt khổng lồ vì đã lừa dối hàng chục triệu người dùng.
Sau vụ bê bối tại Mỹ, Facebook đã bị giám sát chặt chẽ hơn tại Châu Âu. Trong số 87 triệu người dùng bị lộ thông tin có khoảng 2,7 triệu là cư dân của Châu Âu. Vì vậy nghị viện EU đã gửi thư mời ông chủ Facebook tham gia một buổi điều trần tại Quốc hội.
"Công dân của chúng tôi xứng đáng được nghe lời giải thích đầy đủ, chi tiết", Chủ tịch nghị viện châu Âu cho biết.
Pakistan đe dọa chặn Facebook
Năm 2017, chính phủ Pakistan đã buộc Facebok phải liên kết tài khoản của người dùng với số điện thoại của họ. Yêu cầu này được đưa ra khi một số kẻ đã lợi dụng các tài khoản giả mạo trên Facebook để phát tán nội dung kích động, độc hại.
Các quan chức Pakistan cho biết, ban quản trị WhatsApp, ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Facebook cũng nhận được yêu cầu phải gắn các tài khoản mới với số điện thoại di động cá nhân của người dùng.
Chính phủ Pakistan đã yêu cầu Facebook liên kết tài khoản mạng xã hội với số điện thoại nhằm hạn chế tin giả. Ảnh: BBC. |
Đáp lại yêu cầu trên, Facebook đã phải cử đại diện tới làm việc với nhà chức trách Pakistan. Đại diện mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã từ chối yêu cầu mới của nước sở tại, tiếp tục xác thực các tài khoản mới thông qua địa chỉ email thay vì số di động cá nhân.
Tuy nhiên, hiện phía Facebook đã phải "ưu tiên" giải quyết các vấn đề mà Pakistan đang gặp phải để tiếp tục hoạt động tại quốc gia này.
Đầu năm 2017, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar từng đe dọa chặn vĩnh viễn bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào từ chối hợp tác với chiến dịch chống báng bổ ở đất nước ông.
Pakistan từng chặn truy cập Twitter một thời gian ngắn vào năm 2012 sau khi một số người dùng mạng xã hội này lên tiếng kêu gọi những người khác vẽ tranh về nhà tiên tri Muhammad, một hành động bị cấm tại các quốc gia theo đạo Hồi.
Các tổ chức tại Myanmar ký thư phản đối
Myanmar, quốc gia có hơn 53 triệu dân nhưng có tới 27 triệu tài khoản Facebook. "Mạng xã hội này được cài sẵn trên điện thoại mà người dùng mới mua", một nhà hoạt động nhân quyền tại Yagon, Thant Sin nói.
Năm 2017, mạng xã hội này đã châm thêm dầu vào lửa khi cho phép những bài đăng kích động thù địch lan rộng trên nền tảng của mình.
Hậu quả của việc này là các cuộc chiến diễn ra bởi nhóm Phật tử cuồng tín Rakhine chống lại những người theo đạo Hồi Rohingya thiểu số. Hơn 900.000 người Hồi phải chạy trốn cuộc chiến, sống tại các trại tị nạn của Bangladesh.
Các nhóm dân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền ở Myanmar đang hành động và yêu cầu Facebook tăng cường kiểm duyệt nội dung viết bằng tiếng Burmese để kiềm chế ngôn ngữ thù địch.
Mark Zuckerberg, CEO Facebook đã nói rằng mạng xã hội này đang cố gắng làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề tại Myanmar như tăng nhân sự kiểm duyệt, xây dựng các công cụ chuyên biệt phù hợp với văn hóa bản địa. Tuy nhiên các nhà hoạt động vẫn cho rằng bấy nhiêu là chưa đủ để giải quyết các vấn đề mẫu thuẫn dân tộc tại quốc gia này.
"Facebook đang kiếm được hàng tỷ đô la từ cộng đồng Myanmar. Họ có thể làm tốt hơn thế. Hãy có trách nhiệm hơn về vấn đề này", Hla Hla Win, một doanh nhân tại Myanmar nói.
Các nhà hoạt động Myanmar gặp gỡ các quan chức Mỹ tại trung tâm công nghệ Phandeeyar ở Yangon để buộc Facebook phải kiểm duyệt nội dung, ngăn chặn ngôn từ kích động thù địch ở nước này. Ảnh: National Puplic Radio. |
Các nhà hoạt động cho rằng họ không cố gắng khiến Facebook biến mất khỏi Myanmar. Họ chỉ muốn nó giải quyết vấn đề của mình.
Đã có 6 tổ chức ở Myanmar đã ký một bức thư gửi cho Zuckerberg yêu cầu tính năng báo cáo trên ứng dụng Messenger để người dùng cảnh báo những nội dung thù hận, kích động.
Trước làn sóng phản đối, phát ngôn viên của Facebook đã lên tiếng rằng công ty đang nỗ lực loại bỏ nội dung thù địch và những người liên tục vi phạm chính sách thù hận của công ty.
“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và đã làm việc với các chuyên gia ở Myanmar trong nhiều năm để phát triển các nguồn lực an toàn và các chiến dịch phản kháng,” bà nói.
Sri Lanka từng cấm Facebook
Tháng 3/2018, Facebook đã bị cáo buộc là công cụ lan truyền nội dung kích động dẫn đến cuộc bạo động của những tín đồ Phật giáo cuồng tín tại thành phố Kandy, Sri Lanka.
Trả lời Guardian, ông Harin Fernando cho biết chính phủ đã ra lệnh cho Facebook và các dịch vụ mạng xã hội khác phải đóng cửa trong lúc bạo động leo thang.
Bên cạnh đó, trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực của đám đông nhắm vào nhóm người Hồi thiểu số, quốc đảo này đã tìm cách chặn truy cập vào hai nền tảng khác mà Facebook đang sở hữu là WhatsApp và Instagram.
"Những nền tảng này bị cấm vì tiếp tay phát tán những lời nói căm thù và khuếch đại chúng", Harindra B. Dassanayake, một phát ngôn viên của chính phủ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Các nhóm giám sát Internet từ lâu đã cảnh báo rằng Facebook đang được sử dụng để kích động thù địch các dân tộc thiểu số ở Sri Lanka.
Freedom House, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington cho rằng ngôn từ kích động thù địch chống lại thiểu số vẫn tiếp tục phát triển trên các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, đặc biệt là Facebook.
Theo Zing
Facebook, Snapchat đang cố gây nghiện cho người dùng
Các trang mạng xã hội đã tấn công vào tâm lý của người dùng khiến họ liên tục dành nhiều thời gian cho các hoạt động trên mạng xã hội.
Facebook chính thức xin lỗi vụ 'đưa' Hoàng Sa, Trường Sa sang Trung Quốc
Facebook vừa chính thức lên tiếng xin lỗi về việc bản đồ của mạng xã hội này đã hiển thị Trường Sa, Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Mỹ điều tra liệu CEO Facebook có nói dối trong vụ Cambridge Anatalyca?
Cuộc điều tra về công ty Cambridge Anatalyca và mối quan hệ của công ty này với Facebook đang được mở rộng.