Việc say xỉn khi tham gia giao thông được xem là một vấn nạn nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, nhiều quốc gia đã mạnh tay trong việc đưa ra những chế tài, quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, đặc biệt là ở một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nếu xét về mức độ "khắt khe" thì theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Việt Nam đang đứng đầu khi áp dụng tiệu chí nồng độ cồn bằng 0, bởi ở mức 1 chỉ quy định nồng độ cồn không vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở mà không có ngưỡng thấp nhất để loại trừ.
Vì vậy, dù chỉ nhấp môi hoặc uống một ngụm bia, chắc chắn tài xế ô tô ở Việt Nam có thể bị phạt đến 8 triệu đồng kèm tước bằng lái 10-12 tháng, với xe máy là 3 triệu đồng.
Nhật Bản là quốc gia có khung hình phạt nghiêm khắc nhất nhì thế giới với các tội liên quan đến uống rượu bia và lái xe. Theo đó, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/L khí thở (tương đương 1 cốc bia), người điều khiển xe sẽ bị quy vào lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo”. Với tội danh này, người lái sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 3 năm và 500.000 yên tiền phạt (khoảng 104 triệu đồng).
Ở trường hợp nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù giam và 1 triệu yên (tương đương 200 triệu đồng). Đáng chú ý hơn cả là hành khách ngồi cùng trên xe khi đó cũng sẽ bị xử phạt tiền hoặc thậm chí là ngồi tù.
Không chỉ tài xế lái xe ô tô hoặc xe gắn máy, những người đi xe đạp tại Nhật Bản cũng phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng như bị phạt tương tự nếu vi phạm.
Hàn Quốc và Singapore cũng khá khắt khe trong vấn đề này. Những người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tại Hàn Quốc có thể bị phạt tù lên tới 3 năm cùng 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng) dù chỉ uống khoảng 3 ly rượu – tương đương với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/L khí thở. Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Ở Malaysia, người thân của tài xế vi phạm nồng độ cồn cũng sẽ bị xử phạt theo. Nếu tài xế bị kết tội lái xe say rượu với nồng độ cồn vượt quá mức cho phép (trên 0,05%), vợ hoặc chồng của người đó cũng có thể bị phạt tù (tùy theo mức độ nghiêm trọng).
Tại Pháp, nếu lái xe có nồng độ cồn từ 0,5 đến 0,8 g/L máu, tài xế sẽ bị xử phạt số tiền lên tới 750 euro (tương đương 19 triệu đồng) cũng như bị tước giấy phép lái xe trong vòng 3 năm. Ngoài ra, người này cũng sẽ bị cấm lái xe nếu không lắp thiết bị theo dõi nồng độ cồn EAD trong 3 năm tiếp theo.
Trong khi đó ở Anh, ngoài bị phạt tiền và đối mặt với án tù, những người từng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe còn gặp nhiều rắc rối và rất khó để được nhập cảnh vào các quốc gia khác ở châu Âu hay Mỹ. Còn ở Australia, người lái xe khi say rượu (với nồng độ cồn vượt quá 0,05%) có thể sẽ bị phạt tù và bị nêu tên trên báo.
Nhật Minh (Theo Car Hire Excess)
Bạn có bình luận thế nào về bài viết trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Tài xế Toyota Camry thông chốt CSGT khi bị yêu cầu thổi nồng độ cồn
Cảm biến nồng độ cồn trên ôtô có thể trở thành trang bị tiêu chuẩn
Chính phủ Mỹ đang dự thảo về bộ luật yêu cầu các mẫu xe mới phải trang bị cảm biến nồng độ cồn.