Tại Hội nghị về giáo dục nghề nghiệp diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra những kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực, thúc đấy chuyến dịch cơ cấu lao động theo bằng cấp.
Doanh nghiệp Malaysia tham gia vào quá trình đào tạo
Chính phủ Malaysia luôn tập trung vào đổi mới hệ thống giáo dục; nâng cấp, đào tạo lại nhằm nâng cao năng suất lao động. Những nỗ lực này nhằm cải thiện chất lượng và hoàn thiện cơ cấu lao động được đào tạo theo bằng cấp ở đầu ra; qua đó đáp ứng nhu cầu nhân lực của quốc gia.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tập trung vào tăng cung nhân lực lành nghề để hướng tới một nền kinh tế giàu chất xám, đồng thời làm giảm sự lệ thuộc vào lao động nước ngoài.
Chính phủ Malaysia cũng đóng vai trò rất quan trọng trong các chương trình phát triển nguồn nhân lực. Các chương trình giáo dục từ mầm non đến đại học được Chính phủ cải cách triệt để.
Riêng giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ tập trung nỗ lực nhằm mở rộng nguồn cung lao động lành nghề và cải thiện cơ cấu thông qua việc tăng lượng tuyển sinh vào các trường dạy nghề và trường trung học kỹ thuật trong những ngành nghề có lĩnh vực công nghệ cao.
Chương trình đào tạo của Chính phủ ưu tiên vào việc đào tạo kỹ năng, nhất là trong các khoá học về kỹ thuật công nghệ.
Sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình đào tạo cũng đã được nhấn mạnh nhằm bổ trợ và tiếp sức cho những nỗ lực của Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã tạo ra Quỹ phát triển nguồn nhân lực buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và một số khu vực dịch vụ phải đóng góp cho quỹ theo tỉ lệ 1% quỹ lương để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Nhật Bản đào tạo lao động kỹ thuật tại các công ty
Thành công lớn nhất của Nhật Bản trong quá trình phát triển nguồn lực là đào tạo lao động kỹ thuật tại các công ty. Ở Nhật Bản, phần lớn lao động được đào tạo theo hình thức này.
Khi người lao động tham gia vào "gia đình công ty", họ sẽ được đào tạo để trở thành những con người thực sự của công ty, kế cả về kỹ năng làm việc và lối sống công ty.
Quá trình đào tạo của công ty diễn ra theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm giáo dục tổng quát với nội dung "3 hoá" (tác phong hoá, thực tế hoá và tập đoàn hoá); Giai đoạn 2 là đào tạo chuyên môn, thông qua hình thức đào tạo tại chỗ chính quy và không chính quy.
Trong đó, hình thức đào tạo tại chỗ chính quy bảo đảm đào tạo người lao động theo một chương trình chính thống, đánh giá theo chuẩn mực thống nhất. Tuy nhiên, hình thức đào tạo tại chỗ không chính quy được coi là quan trọng hơn chính quy vì cho phép đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người lao động thường xuyên và suốt đời.
Trung Quốc giao nhiệm vụ đào tạo cho địa phương
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở Trung Quốc tập trung vào việc cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo. Trước quá trình cải cách, hệ thống giáo dục và đào tạo là hệ thống tập trung, các cơ sở đào tạo đều do Nhà nước quản lý.
Quá trình cải tổ giáo dục và đào tạo ở Trung Quốc bắt đầu bằng việc giao nhiệm vụ đào tạo cho địa phương, để địa phương lấy nhu cầu thực tế và cân đối ngân sách địa phương, hay huy động từ các nguồn trong cộng đồng khác chi trả cho quá trình đào tạo.
Với mục tiêu xây dựng một hệ thống giáo dục và đào tạo toàn diện, nhiều cấp độ, Trung Quốc đang phát triển các trường đào tạo nghề và kỹ thuật bậc đại học. Điều này sẽ làm tăng kỹ năng thực hành của lao động được đào tạo, nâng cao vị thế của lao động hệ thực hành, từ đó chuyển dịch được cơ cấu lao động theo bằng cấp được đào tạo ra thị trường lao động.
Mỹ thay đổi "từ công việc đến công việc" thành "từ nhà trường đến công việc"
Mẫu hình mới về giáo dục nghề nghiệp ở Mỹ bắt đầu được cải cách đầu năm 1999. Chiến lược nhằm thay đổi cơ cấu này có tên gọi "từ công việc đến công việc" (thay thế cho chiến lược "từ nhà trường đến công việc" trước kia) với mục đích nhằm nâng cao liên kết việc làm giữa doanh nghiệp và các trường đại học.
Kết quả là các doanh nghiệp đã hình thành được các cơ sở và chương trình đào tạo thích ứng theo hướng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực một cách tích cực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đã được nâng cao.
Chiến lược này được cụ thể hoá ở những công việc như thành lập trường đại học trong nội bộ một doanh nghiệp, hay nhiều doanh nghiệp; Xúc tiến thành lập quỹ đào tạo với đóng góp của cả người lao động và ban lãnh đạo công ty; Nâng cao vai trò của trường đại học cộng đồng từ chức năng ban đầu là giáo dục chung thành trung tâm đào tạo kỹ thuật sống còn đối với lao động trẻ không có trình độ đại học, cũng như đào tạo lại cho những lao động thất nghiệp.
Trường Giang
Tỉ lệ thất nghiệp bậc đại học trở lên cao hơn bậc cao đẳng, trung cấp
“Cơ cấu lao động theo bằng cấp phát triển lệch lạc khiến Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thực trạng "thừa thầy thiếu thợ" là vấn đề nan giải mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới”.