LTS: Hiện nay, hình ảnh những cụ ông, cụ bà trên dưới 70 tuổi điều khiển xe máy lưu thông trên đường khá phổ biến. Tuy nhiên, với độ tuổi này, liệu các cụ già lái xe có an toàn? Ban Ô tô xe máy mở Diễn đàn "Người già lái xe" nhằm tìm ra giải pháp hữu ích để những bậc cao niên được tham gia giao thông một cách an toàn.

Trân trọng mời bạn đọc tham gia với bài viết góc nhìn về vấn đề này, hoặc kể về trải nghiệm lái xe của riêng mình. Mọi tin bài xin gửi về email: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!

Theo các chuyên gia sức khỏe, đối với người cao tuổi, các bệnh lý tuổi già có thể làm suy giảm khả năng lái xe, dẫn tới nhiều rủi ro khi tham gia giao thông.

Để lái ô tô an toàn, người lái xe phải đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe nhất định, từ thị giác, thính giác, tim mạch, khả năng phản xạ..., nhưng với tài xế cao tuổi, sẽ khó đảm bảo được các vấn đề này.

Phần lớn các nước trên thế giới đều quy định độ tuổi tối thiểu được phép lái ô tô và không giới hạn tuổi kết thúc và đều quản lý thông qua Giấy phép lái xe (GPLX). Vậy với tài xế lớn tuổi ở các nước được đối xử như thế nào? Cùng tìm hiểu về điều này qua các nước điển hình dưới đây.

Mỹ: Lái xe cao tuổi có thời gian gia hạn GPLX ngắn hơn người trẻ

Văn hóa lái ô tô là một phần không thể thiếu ở Mỹ và không phân biệt tuổi tác. Thống kê của Viện Bảo hiểm An toàn Đường bộ Mỹ (IIHS) vào năm 2019, ước tính có khoảng khoảng 30 triệu lái xe từ 70 tuổi trở lên được cấp GPLX trong số 36 triệu người (chiếm 11% dân số) từ 70 tuổi trở lên sống ở Mỹ.

Số lượng người lái xe từ 70 tuổi trở lên đã tăng 70% từ năm 1997 đến năm 2019. Đặc biệt, số liệu của Sở điều tra dân số Mỹ vào năm 2016 cho thấy có khoảng 1.000 đến 3.000 tài xế xe tải từ 85 tuổi trở lên. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, dân số từ 70 tuổi trở lên dự kiến ​​sẽ tăng lên 53 triệu người vào năm 2030, đồng nghĩa gia tăng lái xe lớn tuổi, dẫn đến những lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với an toàn giao thông.  

Tại Mỹ, GPLX được cấp bởi Department of Motor Vehicles (Sở giao thông vận tải) của từng tiểu bang nhưng có thể sử dụng liên bang và tại Canada. Đặc biệt, GPLX có thể sử dụng để nhận dạng tương tự như chứng minh nhân dân tại Việt Nam.

{keywords}
Ở Mỹ không hiếm ngưỡng trên 90 tuổi còn lái xe. 

Từ 16 tuổi trở lên, người dân có thể thi bằng lái xe, tuy nhiên phải có người lớn ngồi bên cạnh khi bạn lái xe. Đối với người từ 18 tuổi trở lên có thể tự lái xe một mình. Đa số các bang quản lý tài xế bằng hệ thống tính điểm. Mỗi bang thường sử dụng cách cộng điểm cho mỗi vi phạm riêng. Nếu số điểm phạt đạt ngưỡng đề ra, lái xe sẽ bị tước một phần hoặc toàn bộ quyền cầm lái.

Hầu hết các bang của Mỹ có một hoặc nhiều điều khoản gia hạn dành riêng cho người lái xe như kiểm tra sức khỏe, kiểm tra trên đường, hồ sơ bảo hiểm... Thời gian gia hạn, độ tuổi kèm theo các quy định đặc biệt thay đổi theo từng tiểu bang. Ví dụ như tiểu bang Arizona có hạn GPLX lên tới 12 năm, nhưng với người trên 65 tuổi chỉ được 5 năm; bang Connecticut có thời gian là 8 năm nhưng người trên 65 tuổi chỉ là 2 năm; một số bang khác cũng chỉ cấp GPLX 2 năm cho người lớn tuổi là Hawaii (trên 72 tuổi), Illinois (81-86 tuổi), Iowa (trên 78 tuổi)...

Nhật: Tài xế cao tuổi phải kiểm tra định kỳ, dán tem phân biệt trên đường

Nhật Bản hiện là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với 1/5 tổng số dân ở độ tuổi từ 70 trở lên. Đây cũng là nước có tỷ lệ sở hữu xe cá nhân rất cao, với khoảng 80 triệu xe hơi lưu thông trên 126,3 triệu dân (2019). 

Từ lâu, bài toán "người già lái xe" ngày càng nan giải ở nước này với tốc độ già hóa nhanh dân số. Theo CBSNews, trong năm 2018, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế 75 tuổi trở lên tăng lên 14,8%, cao hơn nhiều so với mức 8,7% năm 2008. Đặc biệt số tài xế trên 75 tuổi gây tai nạn chết người nhiều hơn so với các lái xe trẻ, trung bình 8,2 vụ trên mỗi 100.000 người tham gia giao thông, gấp khoảng 2,4 lần so với những người ở độ tuổi 74 trở xuống ngồi ghế lái.

{keywords}
Giống người mới lấy bằng, người cao tuổi lái ô tô ở Nhật được dán tem hình chiếc lá vàng để phân biệt. Vì lý do chống phản cảm, loại tem này hiện đã đổi sang kiểu mới dạng lá 4 cánh.

Dân số hơn 75 tuổi lái xe của Nhật Bản chắc chắn sẽ vượt qua con số 7 triệu người trong vài năm tới. Trong thập kỷ đã qua, đất nước "mặt trời mọc" đã chứng kiến ​​mức tăng hơn 6% các vụ va chạm chết người do người cao tuổi gây ra.

Theo quy định, tài xế trên 75 tuổi ở Nhật phải thực hiện một bài kiểm tra theo chu kỳ 3 năm/lần trước khi xin gia hạn GPLX. Bên cạnh đó, chính quyền đã yêu cầu dán các tem đề-can nhận dạng đặc biệt trên xe ôtô của người mới lái và tài xế cao tuổi. Những nhãn dán này giúp cảnh báo cho các tài xế khác cùng lưu thông trên đường. 

Đức: Thu hồi GPLX nếu người già bị bệnh ảnh hưởng khả năng lái 

Theo chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (định cư tại hành phố Leipzig, Đức), người già ở đây không có giới hạn độ tuổi được phép lái xe, họ chỉ phải từ bỏ bằng lái xe nếu như có giấy từ bác sĩ khẳng định không còn khả năng lái xe.

Chị Nga cho biết, nếu cơ quan chức năng nghi ngờ khả năng lái xe của người hưu trí, thì có thể yêu cầu kiểm tra y tế. Các bài kiểm tra đặc biệt chú ý đến các khía cạnh thị lực, kỹ năng nghe, sức khỏe tâm thần và thần kinh. Nếu phát hiện ra thiếu hụt ở một trong những điểm này, người bị kiểm tra có thể bị rút giấy phép lái xe.

{keywords}
Người già lái ô tô ở Đức chỉ bị cấm khi bác sỹ kết luận không đủ sức khỏe lái xe

Theo cơ quan giám sát giao thông Đức, tuổi tác không phải là nguyên nhân chính trong các vụ tai nạn do người lớn tuổi cầm lái.

Thống kê trong năm 2015, 2/3 vụ tai nạn liên quan tài xế trên 64 tuổi thì nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của xe. 

Chị Quỳnh Nga cũng cho biết thêm, GPLX ô tô tại Đức trước đây có giá trị vô thời hạn, nhưng các giấy tờ cũ sẽ mất hiệu lực từ ngày 19/1/ 2033. Hiện Đức đang cấp GPLX mới theo quy định chung của EU, có giá trị trong vòng 15 năm và phải được gia hạn sau khi hết hiệu lực.

Trung Quốc: Người trên 70 tuổi phải đổi bằng mỗi năm 1 lần

Trung Quốc là một trong số các quốc gia hiếm hoi giới hạn độ tuổi lái xe là trên 70. Theo báo Sina, từ năm 2020, quy định này đã được gỡ bỏ, đồng nghĩa người già trên 70 tuổi vẫn có thể thi lấy bằng và lái ô tô.

Tuy nhiên, những tài xế lớn tuổi trên 70 tuổi đã có GPLX sẽ phải xét cấp lại mỗi năm một lần, chủ yếu là phải nộp giấy chứng nhận sức khoẻ đủ khả năng lái xe cho cơ quan quản lý.

{keywords}
Trung Quốc mới nới lỏng quy định không cho người trên 70 tuổi lái ô tô

Trang Sina cũng dẫn thông tin của Bộ Công an Trung Quốc cho thấy, số lượng lái xe trên 60 tuổi trong năm 2020 là 14,24 triệu người, tăng 2,03 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng 17%. Trong khi đó độ tuổi lái xe 26 tuổi đến 50 tuổi chỉ tăng 1,2 triệu người.

Tại Trung Quốc, bằng lái xe cấp lần đầu hoặc cấp mới sẽ có 12 điểm. Nếu lái xe vi phạm luật giao thông; ngoài việc bị phạt theo quy định của luật, còn bị trừ điểm trên bằng lái. Trong 1 năm, nếu bị trừ 12 điểm; thì GPLX sẽ bị đình chỉ, không còn hiệu lực. Khi đó, lái xe phải làm thủ tục xin cấp mới GPLX và phải trải qua các bài kiểm tra.

Việt Nam: Chỉ giới hạn tuổi lái xe cá nhân bằng B1

Việt Nam quản lý độ tuổi được thi cấp GPLX ô tô dựa trên Luật giao thông đường bộ 2008. Theo quy định người đủ 18 tuổi trở lên có thể thi bằng lái B1, B2, C. Người đủ 21 tuổi trở lên có quyền được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tả từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc. Người đủ 24 tuổi trở lên có quyền được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc. Với ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc yêu cầu ohair đủ từ 27 tuổi trở lên.

{keywords}
Ở Việt Nam, hiện chỉ có bằng lái B1 là giới hạn độ tuổi được lái xe. Ảnh minh họa.

Căn cứ Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, không có độ tuổi tối đa để lái xe ô tô, chỉ cần đủ điều kiện về sức khỏe và trình độ lái xe thể hiện qua GPLX thì người lái có thể điều khiển xe ô tô. GPLX xe hạng B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp. 

Tuy nhiên, chỉ có GPLX hạng B1 cấp cho người lái xe là đề cập đến độ tuổi của người tham gia giao thông. Thời hạn GPLX hạng B1 được xác định đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam; trong trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

Đình Quý

Bạn có trải nghiệm gì về những chiếc ô tô của mình? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Người già có nên tự lái xe ra đường?

Bài 1: Người già có nên tự lái xe ra đường?

Hình ảnh những người cao tuổi lóng ngóng đi xe máy hay lái ô tô ra đường trong bối cảnh giao thông ở Việt Nam còn nhiều bất cập, khiến nhiều người không khỏi "ái ngại".

Kỷ lục người già lái xe: Gần 80 tuổi vẫn học lái ô tô

Bài 2: Kỷ lục người già lái xe: Gần 80 tuổi vẫn học lái ô tô

Trái với lo ngại của con cháu, có những cụ già tưởng là “mắt mờ, chân chậm” ở Việt Nam vẫn quyết tâm học lái xe ô tô. Các thầy giáo dạy lái xe tiết lộ, số người già đi học lái ô tô đang có xu hướng tăng lên.