Dù đã liên lạc được với 2 người có mặt trên cùng trực thăng với Tổng thống Raisi hôm 19/5 cũng như thu nhận được tín hiệu từ trực thăng và điện thoại di động của một thành viên thuộc phi hành đoàn, nhưng cho đến nay, nhà chức trách Iran vẫn chưa tìm ra chính xác địa điểm máy bay rơi ở khu vực rừng núi hiểm trở giữa 2 thành phố Varzaqan và Jolfa thuộc tỉnh Đông Azarbaijan, miền bắc đất nước.
Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, ông António Guterres đang theo dõi các thông tin về vụ tai nạn với thái độ lo ngại. Ông Guterres hy vọng Tổng thống Iran Raisi và các quan chức tháp tùng được an toàn trong sự cố.
Theo hãng thông tấn quốc gia Iran (IRNA), nhiều lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực và thế giới đã bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ nỗi lo lắng với người dân Iran.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyef, người cùng ông Raisi dự lễ khánh thành đập nước Qiz Qalasi Dam ở biên giới giữa hai nước sáng 19/5 trước khi gặp nạn, cho biết ông đang chờ đợi tin tốt lành từ nhà chức trách Iran, đồng thời khẳng định chính quyền Baku sẵn sàng trợ giúp công tác cứu hộ, cứu nạn của Tehran.
Bộ Ngoại giao Armenia ra thông cáo nhấn mạnh, chính phủ nước này chấn động khi biết tin: “Mọi suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi đều hướng về Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Amirabdollahian cũng như những người khác có mặt trên trực thăng bị rơi. Trong khi các nỗ lực cứu hộ vẫn tiếp tục, Armenia, một nước láng giềng thân cận và hữu nghị của Iran sẵn sàng cung cấp mọi trợ giúp cần thiết”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ sự đồng cảm và cho biết ông đang theo dõi những diễn biến liên quan đến vụ việc. Cơ quan kiểm soát thảm họa và các tình huống khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo đã cử một đội đến Iran để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn tại hiện trường.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng như các nhà lãnh đạo Pakistan, gồm cả Tổng thống Asif Ali Zardari và Chủ tịch Quốc hội Ayaz Sadiq đã ra các tuyên bố riêng rẽ, bày tỏ lo lắng về tai nạn liên quan tổng thống Iran và đoàn tháp tùng. Họ gửi lời cầu chúc bình an và chia sẻ tình đoàn kết với đất nước Iran “vào thời điểm khó khăn này”.
Chính phủ và các nguyên thủ của các nước Afghanistan, Iraq, Palestine, Ảrập Xêút, Ai Cập, Lebanon, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Oman, Jordan, Qatar, Kuwait, Yemen, Nga và Venezuela cũng lên tiếng cầu chúc Tổng thống Raisi và các quan chức tháp tùng trở về bình an sau tai nạn.
Hãng thông tấn Tasnim đưa tin, theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, 2 máy bay tiên tiến, một trực thăng và 50 nhân viên cứu hộ trên núi chuyên nghiệp của Moscow đã lên đường tới Tabriz, thủ phủ tỉnh Đông Azerbaijan để giúp lực lượng cứu hộ Iran.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang theo dõi các báo cáo về sự cố hàng không liên quan đến tổng thống, ngoại trưởng và các quan chức khác của Iran. Janez Lenarčič, Ủy viên châu Âu về quản lý khủng hoảng nói, sau khi nhận được yêu cầu từ Tehran, Liên minh châu Âu (EU) đang kích hoạt dịch vụ lập bản đồ vệ tinh phản ứng nhanh Copernicus EMS để hỗ trợ lực lượng cứu hộ Iran xác định nơi rơi trực thăng.
Trong phát biểu đầu tiên về tai nạn hôm 19/5, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei bày tỏ đau buồn về sự cố đáng quan ngại đối với Tổng thống Raisi và các quan chức tháp tùng. Ông hy vọng các quan chức sẽ bình an trở về. Người đứng đầu Tehran cũng kêu gọi người dân Iran giữ bình tĩnh và tin tưởng sự cố sẽ không ảnh hưởng hay làm gián đoạn đến các hoạt động bình thường của đất nước.