Chia sẻ trên mạng xã hội X hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Laurynas Kasciunas đã đăng hình ảnh về hàng rào "răng rồng", và cho biết Vilnius đã "gia cố thêm một cây cầu bắc qua sông Nemunas trên tuyến đường từ Kaliningrad". Vị trí của cây cầu sẽ khiến nó trở thành tiền tuyến, nếu như xung đột Nga – NATO bùng nổ.
"Các công sự đang được lắp đặt theo kế hoạch, và một số cây cầu sẽ bị phá hủy. Các công sự sẽ được trang bị hỏa lực, và trong trường hợp cần thiết để ngăn chặn, cũng như tiêu diệt kẻ thù", ông Kasciunas cho hay.
Theo Newsweek, dù Moscow không được đề cập trong tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania, nhưng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, sườn phía đông của NATO đã luôn được đặt trong tình trạng báo động cao.
Ông Roger Hilton tại tổ chức tư vấn GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia nhận định, những động thái như trên cho thấy các quốc gia vùng Baltic "quyết tâm đảm bảo những gì đã xảy ra với Ukraine sẽ không xảy ra với họ".
Trước đó, hôm 2/10, quốc gia láng giềng của Lithuania là Latvia cũng đã triển khai các nhóm tác chiến cơ động được trang bị tên lửa phòng không tới Latgale, khu vực gần biên giới Nga - Latvia. Latvia còn thiết lập các radar chuyên dụng dọc theo biên giới để phát hiện máy bay không người lái (UAV).
Động thái này diễn ra sau khi một UAV Shahed của Nga rơi xuống thành phố Rezekne của Latvia vào ngày 7/9. Không có bằng chứng cho thấy lãnh thổ các nước NATO đang bị Moscow cố tình nhắm mục tiêu. Song theo thông tin được trang tin điều tra độc lập Verstka của Nga công bố vào tháng 9, các mảnh vỡ từ tên lửa và UAV Nga đã rơi xuống các nước thành viên NATO 20 lần. Trong số này có 13 vụ xảy ra ở Romania do nằm gần các cảng trên sông Danube của Ukraine, nơi thường xuyên bị Nga tấn công.
Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, mối quan hệ Nga - NATO càng trở nên căng thẳng hơn, dẫn tới nhiều nước trong liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu tăng cường củng bố an ninh biên giới. Điển hình, 3 quốc gia Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania đã công bố triển khai xây dựng tuyến phòng thủ chung mang tên “tuyến phòng thủ Baltic” hồi tháng 1. Tới tháng 5, Ba Lan cũng đã công bố dự án "Lá chắn phía Đông" trị giá 2,6 tỷ USD để củng cố các đường biên giới giáp vùng Kaliningrad của Nga và Belarus, một đồng minh thân thiết của Moscow.
Theo Ba Lan, công việc xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, và dự án xây các hệ thống công sự, giám sát, trinh sát, và chống UAV sẽ hoàn thành vào năm 2028.
"Tuyến phòng thủ Baltic với các cơ sở chống tăng và chống cơ động không chỉ là biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn Nga, mà còn là lựa chọn chính sách để đảm bảo nếu NATO cần được kích hoạt về mặt quân sự, vai trò của NATO sẽ là bảo vệ lãnh thổ, chứ không phải là giải phóng lãnh thổ", ông Hilton cho hay.
Thậm chí, hồi tháng 6, Warsaw và các quốc gia vùng Baltic đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xây dựng một bức tường dài 700km dọc theo biên giới của họ với Nga và Belarus. Ba Lan còn tham gia cùng Hy Lạp yêu cầu EU thiết lập hệ thống phòng không trên toàn châu Âu tương tự như Iron Dome của Israel.
Ngoài việc nhắc tới các mối đe dọa quân sự, nhiều nước thành viên NATO còn cáo buộc Nga tiến hành tấn công hỗn hợp như các hoạt động bí mật gồm phát tán thông tin sai lệch, và tấn công mạng.
Phần Lan, quốc gia mới gia nhập NATO hồi năm 2023, cũng đã đóng cửa biên giới với Nga trước cáo buộc Moscow đẩy người di cư về phía biên giới Phần Lan. Moscow cũng bị cáo buộc gây nhiễu GPS ở khu vực Baltic, dẫn đến những cảnh báo về các mối đe dọa đối với kiểm soát không lưu.
Còn trong tuần qua, tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky cùng với Thủ tướng Anh Keir Starmer để thảo luận về việc NATO tăng cường hỗ trợ cho Kiev nhằm đối phó với Nga.
Phía Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về những thông tin trên.