Theo Bloomberg, ông Brian Armstrong - ông chủ Coinbase Global Inc. - từ lâu đã tin rằng việc áp dụng các loại tiền mã hóa như Bitcoin là "con đường thẳng dẫn tới sự tiến bộ".
Nhưng lời đe dọa của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đối với Coinbase cho thấy mọi thứ không dễ dàng như ông tưởng. Cơ quan quản lý Mỹ tuyên bố sẽ kiện công ty nếu tung ra sản phẩm cho vay kiếm lãi có tên Lend.
SEC cho rằng Lend cần phải tuân thủ các quy tắc chứng khoán. Điều này sẽ khiến công ty kiếm lời ít hơn.
Ngay cả khi những rủi ro trên thị trường tiền mã hóa đang giảm bớt, các nhà quản lý vẫn quyết tâm không để bài học từ cú sụp đổ của Bitcoin hồi năm 2017 bị lãng quên.
Hồi năm 2017, giá Bitcoin tăng phi mã lên mức kỷ lục rồi lao dốc không phanh. Ảnh: Reuters. |
Bài học từ cú rơi năm 2017
Đáp lại, các lãnh đạo trong ngành công nghiệp tiền mã hóa chỉ trích rằng cơ quan giám sát đã kìm hãm sự đổi mới và quá bao bọc người dùng.
Trong đợt bùng nổ trước đây của tiền mã hóa, SEC vào cuộc tương đối muộn. Vào thời điểm người đứng đầu SEC cho biết hầu hết ICO (đợt phát hành tiền mã hóa ban đầu) đều giống chứng khoán chưa đăng ký, bong bóng tiền mã hóa đã bắt đầu vỡ.
Sự sụp đổ của thị trường trong giai đoạn năm 2017-2018 ít tác động đến hệ thống tài chính. Nhưng đến ngày hôm nay, các cơ quan quản lý vẫn chưa giải quyết hết rắc rối.
Hôm 8/9, SEC đã nộp đơn khiếu nại một ICO trị giá 18 triệu USD vào năm 2017. Cơ quan quản lý Mỹ lập luận rằng trên thực tế, ICO này là một đợt chào bán chứng khoán chưa đăng ký.
"Bài học đó đã ám ảnh các nhà quản lý. Nếu họ lơ là thị trường tiền mã hóa, đợt sụt giá tiếp theo có thể để lại vết sẹo lớn hơn nhiều so với năm 2017", cây bút Lionel Laurent viết trên Bloomberg.
Giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác vẫn biến động mạnh. Hôm 7/9, Bitcoin sụt giá gần 19% trong chưa đầy một ngày.
Sự bùng nổ của tiền mã hóa đã nâng tổng giá trị vốn hóa thị trường lên 2.000 tỷ USD. Những loại đầu cơ khác cũng được thúc đẩy, chẳng hạn các thị trường DeFi (tài chính phi tập trung) và NFT (token không thể thay thế).
Các cơ quan quản lý chú ý đến tiền mã hóa nhiều hơn. Nhưng rủi ro của thị trường cũng tăng lên. Báo cáo mới đây của Wharton School-WEF đã chỉ ra những rủi ro đối tác và tội phạm tài chính. Ciphertrace ghi nhận các vụ tấn công tiêu tốn tới 361 triệu USD chỉ riêng trong năm nay.
"Tiền mã hóa là ngân hàng ngầm mới", Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren chỉ trích. "Chúng cung cấp các dịch vụ giống nhau, không có những biện pháp bảo vệ người dùng hay sự ổn định tài chính của hệ thống truyền thống", bà nói thêm.
"Chúng chẳng khác gì biến rơm thành vàng", bà Warren bình luận.
Mô hình tuân thủ luật pháp
Theo Bloomberg, kế hoạch của Coinbase có thể không liên quan gì đến ICO. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ ông Armstrong đã quá phô trương về một ứng dụng cho vay tiền mã hóa.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định chương trình này chẳng khác gì trái phiếu coupon (loại trả phiếu được trả lãi định kỳ) hay cổ phiếu trả cổ tức, tức là một chứng khoán.
Thách thức trong tương lai là liệu các nhà quản lý có tránh được việc luôn phải đuổi theo ngành công nghiệp tiền mã hóa hay không. Bởi trong ngành này, công nghệ luôn có xu hướng vượt xa sự giám sát.
Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng một bộ quy tắc giám sát stablecoin và yêu cầu các nền tảng giao dịch phải áp dụng yêu cầu vốn. Tuy nhiên, theo ông Hubert de Vauplane tại công ty luật Kramer Levin, đến khi được thông qua, những quy tắc của EU có thể đã trở nên lỗi thời.
Nếu bong bóng tiền mã hóa vỡ một lần nữa, điều này sẽ để lại vết sẹo lớn hơn nhiều so với năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Tổng vốn hóa của thị trường stablecoin đã tăng vọt từ 3,3 tỷ USD hồi tháng 1/2019 lên 117 tỷ USD vào đầu tháng 9. Đây là những đồng tiền mã hóa được neo với các đồng như USD hay EUR.
Bloomberg nhận định một cuộc trấn áp có thể sắp diễn ra trên toàn cầu. Điển hình là việc sàn giao dịch tiền mã hóa Binance bị ảnh hưởng bởi các cảnh báo về quy định từ Canada đến Nhật Bản. Điều này cho thấy thế giới đã sẵn sàng để áp dụng một mô hình kinh doanh tuân thủ luật pháp hơn.
"SEC sẽ không hành động trong vài ngày hay vài tuần, mà là vài tháng và thậm chí vài năm", luật sư Carol Van Cleef bình luận.
"Các cơ quan quản lý đang kêu gọi nhiều nguồn lực hơn để kiểm soát những tác nhân xấu của tiền mã hóa. Vì thế, viễn cảnh về một nền kinh tế tiền mã hóa, với Coinbase đứng ở vị trí trung tâm, sẽ lùi xa hơn một chút", bà nói thêm.
(Theo Zing)
Bitcoin thảm hại, giảm giá sâu, toàn thị trường rực đỏ
Cơn bão giảm giá với Bitcoin vẫn chưa dừng lại khi sáng nay giá Bitcoin có thời điểm chỉ được giao dịch ở ngưỡng 44.000 USD/đồng. Nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng tiếp tục lao dốc khiến tổng vốn hóa thị trường giảm mạnh.