Tạp chí khoa học “Bình luận khoa học quốc gia” (National Science Review, viết tắt NSR) bằng tiếng Anh của Viện Khoa học Trung Quốc ra ngày 27.3.2019 đã đăng bản báo cáo nghiên cứu cho thấy, các nhà khoa học của Viện Khoa học Trung Quốc và Viện nghiên cứu động vật Côn Minh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc khu vực Tây Nam đã liên kết với các nhà nghiên cứu của trường Đại học North Carolina (Mỹ) tiến hành thí nghiệm cấy gene có trong não người vào não khỉ để nghiên cứu, quan sát xem những con khỉ này có nhờ thế mà tiến hóa về trí thông minh hay không?
Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành cấy gene MCPH1 – loại gene được cho là có tác dụng then chốt đối với sự phát triển não bộ của người vào não của 11 con khỉ, kết quả chỉ có 5 con sống sót đến giai đoạn thực hành.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, đại não của đám khỉ được cấy gene cũng phát triển chậm như con người, nhưng so sánh với các con khỉ sống trong môi trường hoang dã thì thì trí nhớ và phản ứng của chúng tốt hơn.
Báo cáo viết, những con khỉ được thử nghiệm có thể tích não bộ lớn hơn những con khỉ bình thường. Nhóm nghiên cứu giải thích: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, những động vật linh trưởng chuyển đổi gene (trừ loài vượn khổng lồ) đều cho thấy có tiềm năng mang những đặc điểm của loài người”. Tuy nhiên họ cũng cho rằng, mặc dù gene của loài khỉ gần gũi với người nhiều hơn gene chuột, nhưng chúng vẫn chỉ là động vật.
Theo một số nhà phân tích, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói như thế, có lẽ để tránh bị cáo buộc vi phạm đạo đức khoa học, nhưng điều này không giúp cho họ tránh được bị phê phán. Sau khi cuộc thực nghiệm này được công bố đã lập tức dấy lên cuộc tranh cãi trong giới khoa học về vấn đề đạo đức khoa học. Một số nhà khoa học Mỹ phê phán cuộc nghiên cứu này đã đi ngược lại mọi chuẩn tắc đạo đức khoa học.
“Lợi dụng khỉ chuyển đổi gene để nghiên cứu gene người liên quan đến sự tiến hóa đại não là một phương thức vô cùng mạo hiểm” – nhà di truyền học James Sikela ở Đại học Colorado nói – “Điều khiến người ta bất an là người ta đang tiến hành kiểu áp đặt phương thức nghiên cứu ấy trong lĩnh vực này”.
Ông James Sikela, người chuyên nghiên cứu về động vật linh trưởng bày tỏ rất lo ngại về công trình nghiên cứu này của các nhà khoa học Trung Quốc sẽ mở ra cánh cửa cho hành động chỉnh sửa gene cực đoan hơn.
Bà Jacqueline Glover, chuyên gia đạo đức sinh vật của Đại học Colorado phê phán trên tạp chí học thuật của Học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT): “Kết quả của việc nhân loại hóa bày khỉ sẽ chỉ gây nên phương hại. Chúng sống ở đâu? Làm gì? Không nên sáng tạo ra những vật sống không có bất cứ ý nghĩa sinh mạng gì trong bất cứ tình huống nào”.
Một bài báo trên “MIT Technology Review” viết, chỉ có 5 trong số những con khỉ được cải tạo gene sống sót rất khó có thể rút ra kết luận xác đáng đối với vấn đề “thể tích não bộ và trí nhớ của chúng có khác với những con khỉ bình thường hay không”. Bài báo dẫn lời chuyên gia Martin Styner ở Đại học North Carolina – một người tham gia nhóm nghiên cứu này nói, nhóm nghiên cứu đã không thể tìm được một tạp chí khoa học phương Tây nào đồng ý đăng tải bản báo cáo của họ.
Ông Martin Styner cho rằng, công trình nghiên cứu này không phải là một phương hướng tốt. “Chúng ta đã tạo ra một loại động vật khác hẳn với nó vốn có. Khi làm thực nghiệm, chúng ta cần phải hiểu rõ chúng ta hy vọng học được gì để giúp xã hội, nhưng tình hình không phải như thế”.
Hồi tháng 11/2018, Phó giáo sư Hạ Kiến Khuê ở Đại học Khoa học kỹ thuật phương Nam Trung Quốc tuyên bố đã thử nghiệm tạo ra 2 hài nhi có khả năng miễn dịch với HIV-AIDS sau khi chỉnh sửa gene, gây nên sự phê phán mạnh mẽ của giới khoa học trong, ngoài nước.
Các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế nhất trí cho rằng, việc tạo ra những đứa trẻ chỉnh sửa gene đã phá hoại ranh giới luân lý và đạo đức của giới nghiên cứu khoa học. Sau đó, ông Hạ Kiến Khuê đã bị trường Đại học Khoa học kỹ thuật phương Nam Trung Quốc cách chức và bị chính quyền địa phương cách ly để điều tra.
Cho đến nay, phía chính quyền Trung Quốc vẫn chưa phát biểu lập trường chính thức về việc nghiên cứu cấy gene người vào não khỉ này. Tuy nhiên, sau khi truyền thông trong, ngoài Trung Quốc đưa tin về vụ này; nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã phát biểu quan điểm, trong đó đại đa số bày tỏ phê phán về cuộc thí nghiệm này.
Ngô Tuyết