Lục địa Úc là một lục địa "lạ kỳ" được bao quanh bởi đại dương và tách biệt hoàn toàn với các lục địa khác. Vị trí địa lý độc lập đã tạo ra một môi trường sinh thái độc đáo với các loài động vật thực vật hết sức lạ kỳ, trong đó nổi tiếng nhất là các loài thú có túi. Điều khó hiểu là loài động vật lớn nhất trên lục địa Úc ngày nay là chuột túi đỏ (Kangaroo), nhưng trọng lượng của chúng lại không vượt quá 90 kg và không có động vật khổng lồ nào trên một vùng đất rộng lớn này. Trên thực tế, chỉ 50.000 năm trước, lục địa Úc vẫn còn rất nhiều quái thú khác nhau, trong đó có không ít những loài động vật khổng lồ nhưng chúng đã biến mất trong một khoảng thời gian ngắn, để lại một bí ẩn cho loài người!
Trong một nghiên cứu đột phá gần đây, các nhà khoa học có thể đã xác định được nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của động vật khổng lồ tại lục địa Úc.
Khoảng 42.000 năm trước, những động vật khổng lồ lang thang khắp lục địa Úc, bao gồm cả những loài thú có trọng lượng tương đương với những chiếc xe tải, các loài chim cái tới 2 mét và sải cánh lên tới hơn 7 mét. Nhưng ngày nay tất cả trong số chúng đã tuyệt chủng. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã tranh luận về việc liệu sự tuyệt chủng của các loài đó có phải do tác động của con người hay không?
Gần đây, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Đa dạng sinh học và Di sản của Úc (CABAH) đã công bố phát hiện của họ, các nhà khoa học đã phân tích các dữ liệu hóa thạch, tái tạo và mô tả thông tin khảo cổ như sự di cư của thổ dân ở Đông Nam Australia. Dựa trên những dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình toán học phức tạp và sau đó áp dụng dữ liệu liên quan vào mô hình để giải thích những thay đổi trong khu vực trong quá trình chung sống của con người và động vật khổng lồ Úc.
Kết quả của nghiên cứu này lần này cho thấy sự thay đổi khí hậu và tác động của con người ở Úc đã góp phần vào sự tuyệt chủng của động vật khổng lồ, ít nhất là ở miền đông nam Australia. Khi khí hậu ấm lên, tài nguyên nước ngọt trở nên vô cùng quý giá đối với động vật và con người và góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động vật khổng lồ trên lục địa này.
Trưởng nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Sinh thái toàn cầu (Đại học Flinders), tiến sĩ Frederik Saltré cho biết: "Các nhà khoa học đang muốn tìm hiểu sâu hơn điều gì đã gây ra sự tuyệt chủng của các động vật cỡ lớn Úc. Đã có rất nhiều tranh luận về sự kiện tuyệt chủng này, bởi vì đây là một trong những sự kiện tuyệt chủng sớm nhất xảy ra sau khi Homo sapiens rời khỏi Châu Phi".
Dựa trên phân tích của hơn 10.000 hóa thạch và mô hình phức tạp, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận và công bố nó trên tạp chí Nature Communications trong một nghiên cứu có tựa đề "Tương tác khí hậu-con người và sự tuyệt chủng của động vật cỡ lớn ở Đông Nam Australia".
Các nhà nghiên cứu đã dựa vào những mẫu hóa thạch hoàn chỉnh của các loài động vật khổng lồ và nhiều bằng chứng khảo cổ khác nhau của con người để lập bản đồ mô hình tuyệt chủng của các loài động vật cỡ lớn tại Úc. Đi theo đó là sử dụng các mô hình toán học phức tạp để thử nghiệm tác động của nhiều yếu tố bao gồm khí hậu, nguồn nước, hoạt động của con người thời cổ đại để phân tích dữ liệu.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, rõ ràng sự kiện tuyệt chủng ở Úc là kết quả của sự kết hợp giữa nhiều yếu tố liên quan tới biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn nước ngọt và các hoạt động của con người có chung môi trường với động vật.
Giáo sư Cory Bradshaw, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm sinh thái toàn cầu tại Đại học Flinder, cho biết: "Mô hình khu vực tuyệt chủng loài có thể giải thích giả thuyết của chúng tôi về quá trình và nguyên nhân tuyệt chủng của những loài động vật khổng lồ. Tài nguyên nước ngọt rất quan trọng không chỉ đối với con người, mà còn đối với động vật lớn. Nguồn nước cũng làm tăng khả năng con người gặp động vật lớn".
Ở Úc vào cuối kỷ Pleistocene, khí hậu trở nên khô hơn, diện tích rừng và đồng cỏ tiếp tục bị thu hẹp, dẫn đến giảm số lượng động vật lớn, môi trường sống bị thu hẹp và thậm chí lục địa còn bị chia cắt. Đồng thời, con người di cư đến lục địa Úc dẫn đến sự cạnh tranh nguồn nước và môi trường sinh tồn.
Họ cũng giết chết và ảnh hưởng đến số lượng của những động vật lớn tại lục địa này, cuối cùng gây ra sự tuyệt chủng của động vật khổng lồ Úc.
Điều này cũng xảy ra tại những lục địa khác trên Trái Đất vào cuối kỷ Pleistocene. Mặc dù con người đóng một vai trò lớn trong sự kiện tuyệt chủng động vật khổng lồ ở Úc, nhưng số lượng của những loài động vật khổng lồ vào thời điểm này cũng đã bị suy giảm rất nhiều, vì vậy con người chỉ đặt dấu chấm hết cho chúng thay cho sự "héo mòn" của thiên nhiên.
Theo GenK