- Hàng trăm ý tưởng, dự án sáng chế độc đáo đã được các nhà khoa học nhí là các em học sinh trung học giới thiệu tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành học sinh trung học năm học 2016-2017.
Ngày 6/3, Bộ GD-ĐT phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức khai mạc Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017.
Năm học 2016-2017 là năm thứ tư Bộ GD-ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay thu hút đông đảo giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên khắp cả nước tham gia với 458 dự án ở 22 lĩnh vực, 821 học sinh tham dự (tăng 18 dự án so với năm học trước).
Các học sinh giới thiệu về dự án của mình trước ban giám khảo. |
Đặc biệt, năm nay, cuộc thi có nhiều dự án đáng chú ý như: Mô hình tàu vớt và xử lý bèo làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ; Xe lăn điều khiển bằng cử chỉ của đầu; Mũ bảo hiểm tự cầu cứu, tự lọc không khí; Bánh xe thách thức mọi địa hình; Thuyền chăm sóc cá đa năng;...
Dự án xe lăn điều khiển bằng cử chỉ của đầu. |
Mô hình phát wifi cho toàn quần thể di tích, du lịch. |
Cuộc thi cũng thu hút, tập hợp được hàng trăm nhà khoa học từ các trường ĐH, CĐ, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chọn ra các dự án tham gia từ cuộc thi cấp tỉnh/thành phố đến cấp quốc gia. Cùng đó, nhiều trường ĐH, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến tham dự và công bố tuyển thẳng vào bậc đại học của đơn vị mình đối với các thí sinh đạt giải.
Thuyền chăm sóc cá đa năng. |
Dự án bánh xe thách thức mọi địa hình. |
Cuộc thi nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh và giáo viên, phụ huynh. |
Tại khu vực phía Bắc, cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 6/3 đến 9/3 tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với 241 dự án của 448 học sinh (THPT có 198 dự án với 369 học sinh, THCS có 43 dự án của 79 học sinh) thuộc 21 lĩnh vực.
Tại khu vực phía Nam sẽ diễn ra từ ngày 13/3 đến ngày 16/3/2017 tại TP Vũng Tàu với 217 dự án (trong đó cấp THPT là 174 dự án của 302 học sinh; Cấp THCS là 43 dự án của 71 học sinh).
Các dự án dự thi ở 22 lĩnh vực: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Khoa học Trái đất và Môi trường, Năng lượng Hóa học, Năng lượng Vật lý, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Vi sinh, Vật lý và thiên văn, Khoa học thực vật, Robot và máy thông minh, Phần mềm hệ thống, Y học chuyển dịch,…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại lễ khai mạc cuộc thi. |
Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu cho thấy nhiều học sinh đã thực sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Các ý tưởng sáng tạo của các em đã và đang được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề này sinh trong thực tiễn.
“Hy vọng thông qua cuộc thi này, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường. Đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.
Đây là cuộc thi được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kĩ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Cùng đó, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh trung học.
Thanh Hùng