Tại hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế", do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTVDigital) vừa tổ chức, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho biết: Tin giả sẽ ngày càng nhiều hơn và có quy mô ngày càng lớn hơn.

“Tin giả ngày nay là do những con người cụ thể tạo ra, nhưng về sau sẽ là do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra với lượng khổng lồ, gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với hiện nay”. Khi lượng tin giả lớn như vậy lan truyền trên mạng xã hội sẽ phát tán nhanh. Thậm chí, người có trách nhiệm, trong đó có một số cơ quan báo chí cũng đăng nhầm tin giả. Điều này có thể xảy ra với mọi cơ quan báo chí trên thế giới. 

{keywords}
Hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế" diễn ra sáng nay 24/5

Trước làn sóng tin giả như vũ bão, các kênh thông tin chính thống cần phải chuẩn chỉnh, chính xác hơn rất nhiều. "Sau khi người dùng lao ra biển thông tin trên Internet, họ có thể tìm về các cơ quan báo chí chính thống để kiểm chứng lại. Lúc này các cơ quan báo chí chính thống đưa ra các thông tin có tính định hướng và xác thực”, ông Minh nói.

Với vai trò này, ông Lê Quốc Minh cho rằng, lúc này báo chí không cần chạy đua với mạng xã hội nữa mà cần sự chính xác. Đây là kênh tham khảo vô cùng quan trọng cho người dùng. Về phía người dùng, mỗi người nên bình tĩnh lại, đừng vội tin, chia sẻ ngay thông tin đọc trên mạng xã hội hoặc trên các trang thông tin mà cần phải kiểm định thông tin mình tiếp nhận để tránh khỏi những hệ lụy.

Về câu chuyện phòng chống tin giả trên các nền tảng số, lãnh đạo Cục Cục Báo chí (Bộ TT&TT) chia sẻ, tin giả là câu chuyện lớn, phức tạp và tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm, trong đó, có cả bản thân người đọc tin.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý, lãnh đạo Cục Báo chí cho biết: "Các cơ quan quản lý đã có giải pháp ngăn chặn, và đã làm được. Tuy nhiên, chúng ta không thể mãi “thả gà ra đuổi” và chạy theo để xử lý hậu quả mà sẽ phải có những biện pháp đón bắt trước". Ví dụ cơ quan quản lý sẽ làm việc nhiều hơn với các nền tảng mạng xã hội: TikTok, Facebook, YouTube… Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới sẽ phải làm tốt hơn hiện nay trong việc ngăn chặn tin giả. Đã có những lúc những nền tảng này và thậm chí đến bây giờ vẫn đang hưởng lợi từ việc để cho tin giả phát tán.

Ở một chừng mực nào đó các mạng xã hội phải làm tốt hơn việc này, phải chấm dứt việc hưởng lợi từ việc phát tán tin giả. Nó không chỉ dừng lại ở việc nhận thức, nếu không làm thì phải có chế tài”, lãnh đạo Cục Báo chí cho biết.

Một giải pháp là các cơ quan báo chí phải mang thông tin chính thống đưa vào không gian mạng. “Chúng ta không thể để mạng xã hội trở thành nơi độc diễn của những nguồn thông tin không chính thống”, vị này nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục Báo chí cho rằng, thời buổi người dùng đọc mọi thứ miễn phí sẽ phải chấm dứt, chuyển sang nền kinh tế truyền thông có cam kết, có trả phí với những người dùng tạo ra nhiều giá trị cho cơ quan truyền thông. "Những người tham gia vào hệ sinh thái truyền thông được kiểm soát hơn, thông tin được chọn lọc hơn", vị này cho hay.

Duy Vũ

Facebook, Youtube gỡ hàng nghìn tin giả, tin xấu độc

Facebook, Youtube gỡ hàng nghìn tin giả, tin xấu độc

Hơn 3.200 video, bài viết sai sự thật và vi phạm đã được các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022.