- Tôi xin hỏi hiện người dân ở các phường, xã phải đóng những loại quỹ bắt buộc và quỹ không bắt buộc nào. Tôi thấy tổ trưởng tổ dân phố thi thoảng lại đến thu quỹ này, quỹ kia, có khi chỉ ghi sổ mà không hề có hóa đơn chứng từ. Nếu chúng tôi không đóng góp thì có thể bị gây khó dễ. Nếu đóng góp mà không biết quỹ này dùng cho việc gì là bắt buộc hay tự nguyện thì cũng bị ức chế. Xin cho tôi biết cụ thể một năm người dân buộc phải đóng những quỹ gì cho nhà nước (cấp phường xã thu).

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Về chính sách pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 1.11.2007, về việc chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Trong đó nêu rõ “đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng”.

Hiện tại chỉ có quỹ phòng, chống lụt bão, quỹ an ninh quốc phòng là bắt buộc. Theo khoản 1 Điều 9 của quy chế ban hành kèm theo Nghị định 50/2007/NĐ-CP của Chính phủ, công dân trong độ tuổi quy định (nam từ đủ 18 tuổi đến hết 60 tuổi; nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 55 tuổi) mỗi năm nộp cho quỹ này số tiền theo giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tại thời điểm thu: 1kg thóc đối với thành viên hộ nông nghiệp; 2kg thóc đối với các đối tượng khác. Như vậy, chỉ còn hai loại quỹ là quỹ phòng chống lụt bão và quỹ an ninh quốc phòng là bắt buộc.

Quỹ vận động tự nguyện gồm có: Quỹ quốc phòng an ninh (dùng để chi hỗ trợ cho các nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên địa bàn). Ngoài ra có quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ từ thiện, quỹ khuyến học, quỹ chăm sóc người cao tuổi, quỹ vì người nghèo, quỹ phòng, chống ma túy... Riêng đối với quỹ đóng góp đầu tư cơ sở hạ tầng, tùy theo điều kiện thực tế, các quận, huyện được vận động theo từng dự án cụ thể với mức thu theo thỏa thuận (quỹ này phải được bàn bạc thống nhất theo quy định tại Pháp lệnh Dân chủ ở xã phường, có trên 50% hộ dân nhất trí mới thực hiện).

Theo đó, các quỹ đóng góp trên tinh thần tự nguyện thì người dân có quyền tham gia hoặc không tham gia, cơ quan nhà nước chỉ vận động để người dân tham gia và quản lý sử dụng quỹ theo đúng mục đích, tôn chỉ điều lệ hoạt động của quỹ. Trường hợp người hỏi có quyền được tất toán cho quỹ đã đóng ngoại trừ quỹ phòng chống thiên tai hay không, đó là quyền của người đóng. Tuy nhiên, với tinh thần vì cộng đồng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mỗi công dân tùy theo khả năng của mình có thể tham gia để góp phần nào đó cho sự phát triển của địa phương. Việc thu quỹ hàng năm được sử dụng biên lai thu do Sở Tài chính phát hành (Mẫu số: C27-X ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC ngày 12/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, có đóng dấu của phường, xã nơi tổ chức thu Quỹ) và quản lý theo quy định tại Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC.

Hiện nay từng địa phương quy định về thu và đóng các loại quỹ do địa phương đặt ra và hộ dân nào không thực hiện hoặc không đóng đầy đủ, bị gây khó khăn khi xin xác nhận các loại giấy tờ là chính quyền đã làm sai. Người dân cần phản ánh qua các cơ quan truyền thông và cấp có thẩm quyền để chấn chỉnh ngay những việc làm không đúng của chính quyền cấp cơ sở. 

Tư vấn bởi LS. Nguyễn Thành Công, Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc