Có phải chúng ta mới dừng lại ở mức làm lại mô hình khu công nghiệp đất liền đưa ra biển và gắn thêm cảng biển chứ chưa phải là quy hoạch đặc thù cho kinh tế cửa biển?

Đây là câu hỏi luôn được công luận quan tâm đặt ra khi soi chiếu từ thực tế vào quy hoạch các khu kinh tế Biển.

Lợi thế vẫn chưa được đánh thức

Hiện ta có 5 khu kinh tế ta lựa chọn phát triển: Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa); Vũng Áng (Hà Tĩnh) rồi Chu Lai- Dung Quất của Quảng Nam – Quảng Ngãi và Phú Quốc (Kiên Giang).

5 khu kinh tế ven biển này rất quan trọng. Hiện nay Chu Lai - Dung Quất kết hợp với nhau khai thác rất tốt. Cảng Dung Quất có thể cho tàu lớn vào, có khu cảng dầu để đưa dầu vào. Có thể nói là mô hình thành công. Chúng ta phải bổ sung một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư và xây dựng hạ tầng kết nối Chu Lai - Dung Quất với đường sắt, đường bộ tốt hơn nữa thì tôi tin Chu Lai - Dung Quất sẽ thực sự trở thành khu kinh tế biển tiêu biểu ở miền Trung.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Song theo quan sát của ông Ngô Lực Tải, trong suốt một thời gian dài, hơn chục khu kinh tế ven biển của ta hoạt động rất yếu. Cho nên đến năm 2012, Chính phủ đã điều chỉnh lại và chỉ tập trung đầu tư cho 5 khu: Đình Vũ-Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai-Dung Quất và Phú Quốc.

Nhìn tổng quan, ở miền Trung, từ khu vực Tiên Sa - Đà Nẵng đến Vũng Tàu có lợi thế cho phát triển cảng biển lớn, nhưng ‘yếu thế’ là ít hàng hóa tự nhiên, nguồn hàng khan hiếm.

Trong trường hợp này, để biến ‘yếu thế’ thành ‘lợi thế’ và chuyển lợi thế thành ‘lợi ích’ thì việc đầu tư phát triển chuỗi đô thị miền Trung gắn với cảng biển nước sâu và khu kinh tế ven biển, chính là cách tạo cho Miền Trung tạo ra những nhu cầu nội vùng, tạo nguồn hàng hóa tại chỗ. Cảng nước sâu xuất hiện là có đô thị xung quanh, phát triển du lịch, nguồn hàng của những nhà máy xí nghiệp đầu tư vào, nếu được 90% nước ngoài đầu tư thì tốt.

KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phân tích, quy hoạch khu kinh tế biển phải dựa trên khai thác hiệu quả của cảng biển, nơi nào có điều kiện để xây dựng cảng biển thì nơi đó mới có kinh tế biển được. Sau đấy là kết nối với hệ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; có hệ thống sân bay nữa càng tốt.

Vì cảng biển đóng vai trò quan trọng. Sau cảng biển là đất đai, những nhà máy liên kết và hạ tầng đô thị, vì xây dựng các khu công nghiệp phải đi liền với đô thị hóa. Do vậy, không thể lấy một dự án của một khu công nghiệp ở đất liền để đưa ra cảng biển được. Để áp nó vào, phải trên cơ sở nhìn ra biển, lấy việc khai thác khu vực cảng biển để làm nên khu công nghiệp đó, ví dụ Dung Quất.

Dung Quất là khu công nghiệp lấy tên nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam. Trước hết muốn làm khu lọc hóa dầu ta phải có cảng, cảng để cho tàu đưa dầu vào. Khi làm được dầu phải vận chuyển qua biển, đường sắt và qua đường bộ. Sau đó Dung Quất có nhà máy lọc dầu, hóa dầu, nhà máy đóng tàu. Những nhà máy đi theo nó để sử dụng sản phẩm và liên kết thành khu công nghiệp đặc biệt ven biển.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Mô hình này cần những điều kiện gì?

Theo ông Trần Ngọc Chính, ngoài việc có cảng, chúng ta phải tạo được quỹ đất đủ để xây dựng những nhà máy liên kết nhau. Phải quy hoạch ngành, nghề để liên kết được những ngành như lọc dầu, đóng tàu, với những nhà máy mà tạo lên sản phẩm. Cùng đó là cơ sở đô thị, thương mại, tài chính, trường học, bệnh viện, dịch vụ… để tạo lên cuộc sống tốt nhất cho công nhân, cũng như là thu hút được đầu tư nước ngoài.

Trong đó, giao thông phải đi đầu, rồi cấp điện, cấp nước và vấn đề tối quan trọng là môi trường. Hiện tất cả các khu công nghiệp ven biển của ta đang thiếu khâu xử lý môi trường ra biển. Mọi dòng sông đều đổ ra biển, những khu công nghiệp ven sông phải tính kỹ.

Hải Đăng - Lan Hương