Ngày 21/12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam.
Chưa có tổ chức quản lý thống nhất
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam là một quốc gia biển (với 3.260km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo thuộc 28 tỉnh thành ven biển và 12 huyện/ thành phố đảo) có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển; nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Hơn 1 vạn loài sinh vật này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển.
Với riêng 11 khu bảo tồn biển, Hội nghị tập trung bàn các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bởi theo đại diện Tổng cục Thủy sản, 11 khu bảo tồn biển hiện nay chưa có mô hình quản lý thống nhất gây khó cho các địa phương có khu bảo tồn biển. Cụ thể, Việt Nam đang có 6 Ban quản lý riêng biệt về khu bảo tồn biển cùng với 5 Ban quản lý Vườn quốc gia có biển. Tuy nhiên các Ban quản lý này có những hình thức tổ chức khác nhau.
Dưới góc độ địa phương, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay Thanh Hóa có Khu bảo tồn biển Quốc gia Hòn Mê với diện tích 6.700 ha, trong đó có 6.200 ha là mặt biển. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là địa phương có tiềm năng lớn về nuôi trồng thuỷ sản (nuôi biển) với đầy đủ loại hình nuôi từ nước mặn, nước lợ đến nước ngọt, gồm các hệ sinh thái cửa sông, vùng triều, bãi bồi, rừng ngập mặn và các rạn san hô. “Tuy nhiên, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hiện nay đôi lúc vẫn mắc vào mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn biển”, ông Giang nói về thực tế của địa phương.
Cũng có chung trăn trở như vậy, lãnh đạo một số địa phương có khu bảo tồn biển kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự hội nghị sẽ đóng góp nhiều giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật trong công tác quản lý khu bảo tồn biển, ven biển để các khu bảo tồn biển phát triển bền vững. Đồng thời đề ra được những giải pháp thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tạo hành lang pháp lý minh bạch, để kinh tế biển thực sự trở thành trụ cột, bệ đỡ cho kinh tế nhiều địa phương đang lấy kinh tế biển là trọng tâm phát triển hiện nay.
Các khu bảo tồn biển “bốn không”
Xác nhận và đồng cảm với các kiến nghị của địa phương, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nêu ra thực tế, nhiều khu bảo tồn biển hiện nay đang trong tình trạng “bốn không”: không tiền, không có thẩm quyền, không phương tiện, không cơ sở vật chất. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được quan tâm, xử lý dứt điểm. “Hệ thống pháp luật về bảo tồn biển, ĐDSH khá đầy đủ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý bảo tồn biển hiệu quả, bền vững”, ông Hùng nói.
Đại diện các khu bảo tồn biển bổ sung thông tin, du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều khu bảo tồn được quy hoạch trở thành các điểm tham quan. Tuy nhiên, việc thu phí trong các khu bảo tồn biển hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do không có quy định của pháp luật. Bởi, chỉ có các khu vực được công nhận danh lam thắng cảnh mới được thực hiện thu phí. Chính vì vậy, khu bảo tồn biển cũng cần được ban hành chính sách về việc thu phí tham quan tại các khu bảo tồn, chia sẻ doanh thu từ các hoạt động du lịch trong khu bảo tồn cho các ban quản lý khu bảo tồn...
Ghi nhận các ý kiến của địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn ĐDSH biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp tự nhiên của biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển. Những điều đó góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo.
Ngoài ra, khu bảo tồn biển có tác dụng làm hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường biển, tạo ra không gian xanh cho ngành du lịch biển và một số ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế biển như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Chính vì vậy những khó khăn của các khu bảo tồn cần phải được tháo gỡ sớm, bởi nếu các ban quản lý khu bảo tồn cứ mãi “tay không bắt giặc” thì việc quản lý biển sẽ rất khó khăn và không hiệu quả.
Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện báo cáo trình Bộ NN&PTNT. Các ý kiến trong báo cáo của Tổng cục Thủy sản sẽ là cơ sở để Bộ NN&PTNT tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu của khu bảo tồn biển. Phấn đấu đến năm 2024, tình trạng “bốn không” của ban quản lý các khu bảo tồn biển sẽ được chấm dứt.