Cao Bằng có khoảng 150.000ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, diện tích cây trồng chính gần 90.000ha, chủ yếu là cây lương thực; nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, đặc hữu mà các địa phương khác không có hoặc nếu có thì chất lượng khác hẳn. .
Các huyện miền Tây Cao Bằng gồm 3 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình là 1 trong 3 tiểu vùng kinh tế quan trọng của tỉnh, với diện tích chiếm 40% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với những loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, đặc hữu mang lại giá trị kinh tế cao như: các loại cây gỗ quý hiếm, cây dược liệu, lúa nếp hương, cây mận máu, cây dong riềng, trúc sào, bò, lợn đen, lợn rừng...
Thực hiện Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện đã giảm trung bình 6,48%/năm. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo gắn với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển nhưng hiện nay 3 địa phương này vẫn là các địa phương khó khăn nhất của tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tại vùng này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển nông, lâm nghiệp.
Phát huy tiềm năng thế mạnh của cả vùng và của từng huyện nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tiêu thụ sản phẩm gắn với sơ chế, chế biến sâu sản phẩm và đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chăn nuôi hữu cơ, các cơ quan chuyên môn đã tích cực phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình khuyến nông, triển khai các nhiệm vụ khoa học, kỹ thuật; các đề tài, đề án phát triển nông lâm nghiệp; hỗ trợ các chủ thể sản xuất theo chuỗi sản phẩm; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất từ khâu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm; cấp giấy chứng nhận truy suất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu, dán nhãn sản phẩm.
Đến nay, các huyện miền Tây hình thành được 25 chuỗi liên kết tại 3 huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, trong đó, có một số chuỗi hoạt động tương đối hiệu quả như: Liên kết sản xuất và tiêu thụ quả mận máu, Liên kết sản xuất và tiêu thụ quả Lê vàng tại các xã Phan Thanh, Đình phùng huyện Bảo Lạc; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây Lê tại các xã Thể Dục, Ca Thành, Thành Công (Nguyên Bình); Mô hình sản xuất tiêu thụ cây hồng không hạt (Bảo Lâm)... đem lại thu nhập cao cho người dân.
Bên cạnh đó, cũng đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá đặc hữu quy mô lớn đã được hình thành như: 221 ha cây Lê, 228 ha Quế, 50 ha cây Dổi tại huyện Nguyên Bình; trên 70 ha cây Mận máu tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm; 336 ha cây Dâu tằm tại Bảo Lạc...
Một số sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý: Trúc sào tại huyện Nguyên Bình; các sản phẩm Nếp hương Bảo Lạc, Miến Dong Nguyên Bình được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể... là tiền đề để thúc đẩy phát triển quảng bá sản phẩm của tỉnh nói chung và của các huyện Miền Tây đối với thị trường trong và ngoài tỉnh.
Từ việc triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, kinh tế - xã hội các huyện miền Tây có sự chuyển biến tích cực, năm 2022, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản trên 01 đơn vị diện tích đạt 109 triệu đồng/ha; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 77,4 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 huyện trên 685,3 tỷ đồng; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,9%; xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm đạt 89,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,48%/năm...
Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các huyện miền Tây tập trung vận dụng các thế mạnh, ưu thế của địa phương để phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hoá, tạo ra các sản phẩm có đặc trưng riêng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, trong đó, tập trung trồng các loại đặc sản, đặc hữu như: lúa nếp Hương, nếp cẩm; các giống ngô lai; chè chất lượng cao; cây ăn quả (mận máu, lê vàng, lê xanh…); dâu tằm; trúc sào; miến dong; phát triển, cải tạo chất lượng đàn lợn đen, giống lợn bản địa.
Phát triển chăn nuôi đại gia súc, tập trung chăn nuôi trâu, bò, chú trọng phát triển các giống bò địa phương như bò Mông, gắn chặt chẽ với công tác giám sát dịch bệnh, ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng các loại cây dược liệu (quế, hồi, hà thủ ô, xỏm đeng, xả…); trồng rừng gỗ lớn (sa mộc, keo, xoan ta); phát triển các giống thủy đặc sản như cá lăng, cá nheo, cá chiên, cá bỗng, cá dầm xanh, cá sộp... nuôi cá lồng gắn với du lịch lòng hồ; phấn đấu trồng mới 800 ha cây quế, 1.200 ha cây trúc sào, 50 ha cây mácca, 150 ha cây lê, 879 ha cây hồi…
Đây là giải pháp căn cơ để hiện thực hóa các giải pháp để phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 08- NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.