Giữ vững diện tích, xanh hóa vùng cam

Quan tâm phòng, trừ dịch hại, phát triển bền vững cây cam các vùng trồng cam; nâng cao sản lượng và chất lượng cho các HTX trồng cam đang được coi là nhiệm vụ trong tâm của Bắc Quang. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, tổng diện tích cam niên vụ 2023 – 2024 chỉ còn 5.824 ha (trong đó diện tích cam Sành trên 3.785 ha; cam Vàng 2.039 ha).

Hiện diện tích cây cam cho sản phẩm là 5.080 ha, năng suất đạt gần 130 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 66.000 tấn. Điều đáng nói, từ năm 2021 đến nay có 3.232,5 ha cam của 3.657 hộ bị suy thoái do bị vàng lá, thối rễ (bệnh phổ biến trên cây cam). Trong đó, có 1.074,8 ha cam không có khả năng phục hồi; 1.259,5 ha suy thoái mức độ II, gần 900 ha suy thoái mức độ I. Như vậy, với vòng đời được chăm sóc tốt cây cam có tuổi thọ 12-15 năm, thì nay nhiều diện tích cam có tuổi đời ngắn hơn.

Đáng chú ý, giai đoạn 2019 – 2022, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 47 cơ sở/3.516,85 ha cam Sành được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022 các giấy chứng nhận đa phần đã hết hiệu lực; hiện mới có 6 cơ sở/266,8 ha cam thực hiện chứng nhận lại VietGAP. Trong đó, Bắc Quang còn 3 cơ sở/186,8 ha; Quang Bình còn 3 cơ sở/80 ha. Điều này cho thấy đây là tình trạng đáng báo động đối với sự phát triển cây cam của tỉnh Hà Giang.

hieu0524.jpg
Cam Sành tại Tiên Kiều, Bắc Quang đang được các xã viên HTX kiểm tra trước khi thu hái.

Đứng trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đã tham vấn các chuyên gia về cây ăn quả có múi trực thuộc Bộ NN&PTNT nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhằm hạn chế sự suy thoái diện tích cam Hà Giang. Tuy nhiên, trước một số loại sâu, bệnh hại thường gặp, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và năng suất của cây cam như: Bệnh Greening (vàng lá gân xanh), Tristeza (bệnh tàn lụi), vàng lá thối rễ và Rầy chổng cánh (Diaphorina citri) đang lan rộng thì việc chặn đứng dịch bệnh là việc không dễ dàng.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo, các HTX trồng cam tại Hà Giang cần thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ là cải tạo lại đất trồng, điều chỉnh lại mức đầu tư, không nên lạm dụng quá nhiều vào phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc trừ cỏ và sử dụng giống chưa sạch bệnh để tái tạo vườn. Do đó, từ đầu năm 2023 này, Sở NN&PTNT Hà Giang đã phối hợp Viện nghiên cứu rau quả ban hành Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật (tạm thời) khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam Hà Giang.

Nhờ đó, tính đến tháng 10/2023 có khoảng trên 700 ha cam được phục hồi tập trung ở các xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển bền vững vùng trồng cam, nhất là chuyển sang mở rộng diện tích cam hữu cơ thì việc giữ vững được diện tích trồng cam, xanh hóa vùng cam là việc cần ưu tiên.

Phát triển các HTX trồng cam hữu cơ

Thời điểm bùng nổ của cây cam Hà Giang, diện tích vùng trồng cam lên tới hơn 8.000ha. Ban đầu chỉ trồng cam Sành, tập trung ở các xã ven sông Gâm như Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều… Vài năm trở lại đây, cam Vàng được trồng thay thế một phần diện tích cam Sành ở các xã như Vĩnh Phúc, Giàn Thượng, Vĩnh Thành. Thời điểm chín của cam Sành là những tháng đầu năm, cam Vàng là những tháng cuối năm.

Theo ông Trần Minh Hữu, Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Quang, tháng 11 này là thời điểm thu hoạch cam Vàng. Năm nay cả cam Sành và cam Vàng đều được giá, nhiều hộ xã viên HTX thu hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng cam. Cụ thể, cam Vàng đang có giá bán tại vườn là 10 -12 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 4 ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Những diện tích cam cuối vụ bán dịp Tết có thể lên giá 15 – 18 ngàn đồng/kg.

Theo ông Hữu, thâm canh cây cam Vàng nói riêng cây cam nói chung quan trọng nhất là bộ rễ. Muốn chăm được bộ rễ tốt thì phải dùng phân chuồng, phân vi sinh để bón và bón đúng chu kỳ sinh trưởng của cây. Tuyệt đối tránh sử dụng phân hóa học. Các xã vùng trồng cam Bắc Quang phần lớn có lượng mưa cao nhất tỉnh nên ruộng trồng cam phải lên luống cao cho dễ thoát nước khi trời mưa. Đặc biệt, khi chuyển đổi sang trồng cam hữu cơ thì các yêu cầu kĩ thuật cần phải tuân thủ nghiêm ngặt tới từng HTX. Nếu HTX nào để xã viên vi phạm thì sẽ bị loại khỏi danh sách hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm.

Được biết, cây cam vẫn là cây chủ lực của nhiều xã tại Bắc Quang. Do đó nhiều xã đã đặt mục tiêu chuyển sang canh tác hữu cơ, đoạn tuyệt với phương thức canh tác cũ, đồng thời mở rộng diện tích và hình thành các HTX chuyên canh cây cam. Ví dụ, xã Vĩnh Phúc đã chuyển trên 400 ha ruộng cấy lúa khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng cam Vàng. Việc chuyển đổi  diện tích đã tạo cho bà con một hướng làm ăn mới hiệu quả. Mỗi ha ruộng chuyển đổi trồng cam đã cho thu nhập bình quân từ 500 – 600 triệu đồng/năm.

Về cơ bản, trồng cam có thu nhập gấp từ 7 – 8 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh trên cây cam diễn biến phức tạp thì việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, giữ vững diện tích vùng trồng cam và nâng cao chất lượng cũng như giá trị là điều cần được quan tâm hơn. Bởi cây cam không chỉ là cây giúp người dân làm giàu mà còn là cây thương hiệu của tỉnh Hà Giang. Do đó, phát triển các HTX trồng cam hữu cơ đang được coi là hướng đi đúng đắn và bền vững cho vùng cam Bắc Quang hiện nay.

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV