Các mối đe dọa về việc cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy tại hãng ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen cùng nhiều hãng xe khác của Đức như Mercedes-Benz, BMW,... khiến chính phủ nước này phải tổ chức một cuộc họp gấp vào chiều ngày 23/9.
Cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck chủ trì, với sự tham gia của Hiệp hội Công nghiệp ô tô VDA, các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức, các nhà cung cấp, đại diện tổ chức công đoàn và công nhân.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ngành ô tô của Đức đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, từ chi phí sản xuất cao, quá trình chuyển đổi và tiêu thụ ô tô điện gặp khó khăn và sự cạnh tranh của các hãng xe điện đến từ Trung Quốc.
Trong đó, Volkswagen (VW) là một trong số những hãng xe chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu hồi đầu tháng 9 vừa qua đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự và đang xem xét đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm hoạt động.
Không chỉ VW, các hãng xe lớn mạnh khác của Đức như Mercedes-Benz, BMW,... cũng đang phải chịu những áp lực nặng nề khi doanh số bán xe, nhất là các dòng xe điện mới không được như kỳ vọng, dẫn đến khó khăn chưa từng thấy. Trong vài tuần gần đây, cả Mercedes và BMW đều hạ thấp triển vọng kinh doanh của năm nay, một phần do doanh số bán hàng thấp tại thị trường Trung Quốc.
Tại cuộc họp, các hãng xe của Đức đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc tái áp dụng trợ cấp cho người mua xe điện. Trợ cấp này đã được áp dụng trước đây nhưng bị "cắt" vào năm 2023, dẫn đến sự sụt giảm lớn về doanh số.
Giám đốc điều hành của Volkswagen Oliver Blume kêu gọi Chính phủ Đức trợ cấp 4.000 euro (khoảng 110 triệu đồng) cho khách hàng khi mua một chiếc xe điện. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng sẵn sàng giảm giá thêm 2.000 euro (khoảng 55 triệu) để kích thích tiêu dùng.
Ngoài ra, đại diện VW cho rằng, cần có một gói biện pháp toàn diện, từ trợ cấp đến giảm thuế và giá phí sạc cho xe điện để hấp dẫn khách hàng.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz Ola Kallenius cho rằng, cần cân nhắc lại vấn đề quy định về khí thải. Bởi, việc Đức đã đồng ý với kế hoạch loại bỏ ô tô thải khí CO2 vào năm 2035 khiến những hãng xe lớn của nước này dù nỗ lực đến đâu cũng không kịp chuyển dịch với xu hướng điện hoá.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, Berlin có thể áp dụng những "tín hiệu phù hợp cho thị trường" để khuyến khích việc sử dụng xe điện - đã giảm mạnh 68% vào tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên cũng chưa đưa ra những chính sách cụ thể.
Cuộc họp ngày 23/9 giữa ông Robert Habeck với các hãng xe lớn được cho là để chuẩn bị cho cuộc họp toàn bộ Chính của Thủ tướng Olaf Scholz cũng về nội dung bàn giải pháp cứu ngành công nghiệp ô tô nước Đức trong ít ngày tới.
Không chỉ nước Đức, các nhà sản xuất ô tô châu Âu trong vài năm trở lại đây chịu áp lực rất lớn từ Trung Quốc. Bất chấp các quốc gia châu Âu lập nên hàng rào thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, các nhà sản xuất từ cường quốc châu Á này vẫn quyết tâm tạo dựng chỗ đứng trên thị trường châu Âu bằng nhiều cách khác nhau.
Để tránh thuế cao hơn đối với ô tô của mình, các nhà sản xuất như Geely, Chery, Great Wall Motor và BYD có kế hoạch sản xuất ô tô điện tại các nhà máy của riêng họ ở châu Âu.
Theo DW, Politico
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!