Cho đến năm ngoái, HTC vẫn là một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất. Nhưng giờ đây, HTC đang phải chật vật cạnh tranh với Apple và Samsung |
Doanh số của các hãng công nghệ Đài Loan ngày càng sa sút do nền kinh tế toàn cầu yếu kém và do sự cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường, đặc biệt là sự cạnh tranh đến từ Hàn Quốc, quê hương của Samsung. Business Today, tạp chí kinh doanh hàng đầu của Đài Loan, đã từng phản ánh nỗi lo sợ này khi buộc tội Samsung đang cố “Giết chết Đài Loan”, trong đó có những hành vi cạnh tranh mạnh mẽ với công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., hay TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Gần đây Uỷ ban Thương mại Đài Loan cũng đã tiến hành cuộc điều tra về những cáo buộc nói rằng Samsung đứng sau việc xuất hiện những bình luận không tốt về ngành điện tử tiêu dùng Đài Loan trên Internet.
Trong khi các công ty Đài Loan đang đối mặt với sự thách thức của Samsung, các nhà phân tích như John Brebeck, một cố vấn về phát triển công nghệ ở Đài Bắc, nói rằng thực ra Samsung đang cố gắng tiến vào những lĩnh vực mà họ nhận thấy có tiềm năng lợi nhuận lớn, và các công ty Đài Loan vốn đã và đang kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Dù sao, các công ty công nghệ Đài Loan cũng hiểu rằng họ cần phải nhanh nhẹn và sáng tạo để tránh rơi vào xu hướng đi xuống của các công ty Nhật Bản như Sony. Giá trị xuất khẩu công nghệ cao của Đài Loan đạt 98 tỷ USD trong năm ngoái, chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội của hòn đảo này.
Chính phủ Đài Loan cũng đang kêu gọi các công ty công nghệ hợp tác gần gũi hơn nữa với các nhà cung cấp linh kiện địa phương nhằm tạo ra sự kết hợp trong kinh doanh. “Chúng tôi hy vọng các công ty công nghệ có thể hợp tác với các nhà cung cấp trong nước tốt hơn trong suốt quá trình phát triển sản phẩm, chứ không phải đợi đến khi linh kiện mới được phát triển”, Stephen Su, một cán bộ của Viện Nghiên cứu Công nghệ Đài Loan, nói.
Ông Su cũng tiết lộ một dự án thí điểm lớn trong mối hợp tác này có liên quan đến nhà sản xuất smartphone HTC, hãng đang cố gắng sử dụng các vi xử lý do các nhà thiết kế chip địa phương sản xuất trong các mẫu điện thoại mới. Cho đến năm ngoái, HTC vẫn là một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất, thuộc nhóm những công ty đầu tiên áp dụng hệ điều hành Android của Google. Nhưng giờ đây, HTC đang phải chật vật cạnh tranh với Apple và Samsung.
Một trận chiến khác đang nổi lên giữa Đài Loan và đối thủ Samsung là ngành công nghiệp bán dẫn, từ lâu đã là thế mạnh của Đài Loan.
Với nguồn vốn dường như vô hạn của mình, Samsung đã tiến từ việc sản xuất chip nhớ lưu trữ dữ liệu đến loại chip có lợi nhuận cao hơn, đóng vai trò như bộ não của máy tính. Samsung còn đối đầu trực tiếp với TSMC, hãng cung cấp chip ứng dụng cho các công ty như Apple và Samsung. Người sáng lập của TSMC, Morris Chang, đã gọi Samsung là “đối thủ ghê gớm” nhưng nói công ty ông đã chuẩn bị tốt để đối phó với thách thức này.
Trong năm qua, TSMC đã tăng đáng kể nguồn vốn vào những công nghệ chip hiện đại 20- và 16-nanometer, nhỏ hơn và có thể chạy nhanh hơn, tiêu ít điện năng hơn.
Các công nghệ mới sẽ cho phép TSMC sản xuất vi xử lý ứng dụng chạy trong iPhone và iPad mới. Hiện nay Apple vẫn dùng chip của Samsung, đối thủ chính của Apple trên thị trường smartphone và tablet. Nhưng các nhà phân tích nói Apple khó “chia tay” với Samsung do Samsung liên quan đến việc thiết kế vi xử lý và nhiều linh kiện khác.
“Apple sẽ đợi cho đến khi TSMC sẵn sàng và có đủ năng lực”, ông Brebeck nói. “Họ sẽ đợi vì họ muốn tránh xa Samsung. TSMC hiểu điều đó và đang nhanh chóng nỗ lực”.
Một công ty Đài Loan khác cũng đang bị Samsung “doạ” là Hon Hai Precision Industry, hay Foxconn, hãng sản xuất thiết bị cho các khách hàng toàn cầu, trong đó có Apple. Một trong những vấn đề của Hon Hai là vụ sáp nhập với Chimei Innolux, nhà sản xuất panel màn hình, cách đây 3 năm. Kể từ đó Chimei gặp thua lỗ lớn. Vì thế, một yếu tố khiến Foxconn khó cạnh tranh với Samsugn là nguồn vốn và khả năng sản xuất panel màn hình tiết kiệm năng lượng Amoled, giúp tăng chất lượng hình ảnh siêu việt.
“Hon Hai là một nhà thầu lớn nhất – thành công nhất và hiệu quả chi phí nhất”, ông Brebeck nói. “Đấu với Hon Hai, các công ty sẽ gặp nhiều trở ngại”.
Trong khi đó, ông Su của Viện Nghiên cứu Công nghệ, nói Samsung đang ở vào vị thế tốt hơn trong việc thu hút nhân tài, một yếu tố quan trọng trong trận chiến công nghệ cao.
Đại gia Hàn Quốc đang ráo riết tìm kiếm nhân lực từ Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, đó là những công nhân kỹ năng tốt và được trả lương cao hơn. Samsung cũng cử nhiều nhân sự đi nghiên cứu nước ngoài và học họi các thị trường ngoại quốc.
“Các nhà sản xuất Đài Loan có thể duy trì sức mạnh trong ít nhất 3 năm nữa, tình hình sau đó sẽ phụ thuộc vào năng lực và sự chăm chỉ của họ”, ông nói. “Chính phủ Đài Loan cần giảm nhẹ các chính sách để giúp ngành công nghiệp công nghệ cao, nhưng chúng ta vẫn ở sau Hàn Quốc trong việc này, vì Hàn Quốc đã đưa việc thu hút và tạo điều kiện cho các đầu tư vào công nghệ cao thành mục tiêu chiến lược quốc gia”.
Theo New York Times
Nội dung được đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống ngành Bưu điện