Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được từ  đầu nhiệm kỳ đến nay, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống".

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Kết quả trên tạo đà và động lực mới để tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020. Trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành thanh tra và thanh tra Chính phủ. 

"Bằng sự đoàn kết, nhất trí, không ngừng phấn đấu vươn lên, năm 2019 toàn ngành thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho, các mặt công tác đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, năm qua thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác; tập trung hoàn thiện, ban hành kết luận, nhất là các cuộc mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; chất lượng các kết luận thanh tra ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển thực hiện khá nghiêm túc.

So với năm 2018, số đoàn đông người, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã thuyên giảm; nhiều địa phương không phát sinh mới các vụ việc phức tạp, đông người; tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo cao hơn năm trước. 

Áp lực rất lớn

Ngành thanh tra đã thực hiện tốt vai trò tham mưu thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế.

"Các đồng chí chịu áp lực rất lớn khi tiến hành các vụ việc phức tạp (vụ AVG, Gang thép Thái Nguyên, Cảng Quy nhơn, Bán đảo Sơn Trà, Thủ Thiêm ...). Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, các đồng chí đã rất nỗ lực, có nhiều cố gắng để kết luận thanh tra hoàn thành theo kế hoạch và bảo đảm khách quan, chính xác", Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, công tác của ngành năm 2019 vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Một số đơn vị xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế; chất lượng một số kết luận thanh tra còn hạn chế, vẫn còn một số cuộc thanh tra còn kéo dài, chậm ban hành kết luận thanh tra mặc dù cấp trên đã nhắc nhở nhiều lần, chất lượng các kết luận thanh tra đã có tiến bộ nhưng một số cuộc chất lượng chưa cao, kiến nghị xử lý chưa phù hợp, không chặt chẽ, không khả thi. Trong hoạt động thanh tra, một số cán bộ thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành thanh tra và thanh tra Chính phủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót; kết quả triển khai thực hiện Luật Tố cáo năm 2018 chưa đồng đều, nhất là một số nội dung mới. 

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.

"Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thậm chí ngay trong chính ngành thanh tra, gây dư luận và bất bình trong quần chúng, nhân dân", Phó Thủ tướng lưu ý. Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém; số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.

 

Không để phát sinh điểm nóng

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành; kịp thời giải quyết các kiến nghị, tham mưu đề xuất của cơ quan thanh tra.

Đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương. 
 
"Không để phát sinh điểm nóng và kịp thời xử lý các tình huống khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp phát sinh" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và giao Thanh tra Chính phủ giữ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Đối với ngành thanh tra, năm 2020 là năm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành vì vậy cần phải chủ động, tích cực và nỗ lực hơn nữa trong tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành thanh tra, đạt được những tiến bộ vượt bậc, xứng đáng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm

Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp thanh tra và trong xây dựng ngành, nâng ngành lên ngang tầm nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn. 

Ngành thanh tra cần bám sát kế hoạch thanh tra; đồng thời tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, tích cực đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Ngành thanh tra tiếp tục đưa Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào sử dụng tới các cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ việc và các đối tượng khác. 

Bên cạnh đó là xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, nhưng hoạt động hiệu quả, đồng thời tăng cường phối hợp trong hệ thống thanh tra, bảo đảm thông suốt; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ ngành thanh tra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, rèn luyện kỹ năng tổ chức, quản lý, đào tạo cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2019, toàn ngành đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính và 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 83.968 tỷ đồng và 897 ha đất (đã thu hồi 19.329 tỷ đồng, 121 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 89.443 tỷ đồng, 21.651 ha đất; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 113.625 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, các nhân với số tiền 5.315 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Về thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.797 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 106 đơn vị có vi phạm.

Theo đó, đã ban hành mới 3.106 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung trên 900 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 2.290 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 338 vụ việc với 413 người vi phạm, đã xử lý kỷ luật 40 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 331 tỷ đồng (đã thu hồi 156 tỷ đồng, đạt 47%). Số người nộp lại quà tặng cho đơn vị là 08 người với giá trị quà tặng là 116 triệu đồng.

Tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2018: Số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 1.081.235 người, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai là 1.075.310 bản; đạt tỷ lệ 99,4% số đã kê khai; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua xác minh phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm 

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm.

Theo VGP

Thanh tra Chính phủ đối thoại với dân Thủ Thiêm trước Tết nguyên đán

Thanh tra Chính phủ đối thoại với dân Thủ Thiêm trước Tết nguyên đán

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND TP sẽ đối thoại với người dân Thủ Thiêm (Q.2) trước Tết nguyên đán.