Dự và chứng kiến Lễ ký kết Chương trình phối hợp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, cùng đại diện các đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp.

ky 9890.jpg
Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Báo chí. Ảnh: Phạm Hải

Tại buổi lễ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Báo chí đã thống nhất nội dung phối hợp công tác giai đoạn 2024-2027, tập trung vào các hoạt động như tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi đơn vị.

Hai cơ quan phối hợp chỉ đạo các cơ quan báo chí tham gia thực hiện truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin về hoạt động với những nội dung: Phổ biến, truyền thông về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; quan điểm, chủ trương, chính sách trong các văn bản pháp luật mới ban hành; thành tựu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Việt Nam; Các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Phối hợp thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, pháp luật theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách gắn với việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg…

Cũng tại buổi lễ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) và Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thống nhất nội dung phối hợp giai đoạn 2024-2028.

ky 9812.jpg
Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Thông tin đối ngoại. Ảnh: Phạm Hải

Cụ thể, hai cơ quan phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại trong triển khai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT), pháp luật Việt Nam về hai lĩnh vực này cho các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, hai cơ quan còn phối hợp truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cho các đối tượng làm công tác thông tin đối ngoại ở trong và ngoài nước như: Lồng ghép truyền thông dự thảo chính sách pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật của Việt Nam trong tham mưu thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại ở địa bàn ngoài nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam.

Phối hợp cung cấp thông tin, đánh giá của dư luận báo chí nước ngoài về nội dung chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng theo định kỳ…

Truyền thông chính sách phải đi trước, đón đầu

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, truyền thông chính sách phải đi trước, đón đầu, tạo sự đồng thuận. “Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông luôn quán triệt phương châm này đến lãnh đạo các đơn vị và cán bộ trong quá trình thực thi chính sách”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

nguyen thanh lam 9673.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Phạm Hải

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực báo chí truyền thông nên có những trải nghiệm cụ thể, chứng kiến những kinh nghiệm thành công cũng như những bài học về một chính sách từ quá trình được hoạch định, ban hành, đến khi thực thi.

“Nếu như được truyền thông tốt, tác động xã hội sẽ rất khác, sự đồng thuận xã hội sẽ rất khác. Tuy nhiên, nếu quá trình truyền thông về chính sách đó chưa được làm tốt sẽ cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Chỉ thị 07 ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách mang lại làn gió mới, nhận thức mới trong toàn hệ thống về công tác truyền thông chính sách là việc của cơ quan Nhà nước, của chính quyền. Báo chí cũng như các kênh truyền thông khác là phương thức thể hiện.

“Hôm nay, các đơn vị của hai Bộ chính thức ký kết chương trình phối hợp công tác để kết nối sức mạnh và chia sẻ kinh nghiệm quý báu của mỗi bên trong quá trình thực hiện công việc chung. Đó là quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách được truyền thông rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân và mang lại hiệu quả tốt nhất”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2024 đã nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, tạo đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân.

nguyen thanh tinh 9696.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Phạm Hải

Do đó, theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, nội dung, mục đích, ý nghĩa của lễ ký kết hôm nay là hết sức thiết thực. Sự phối hợp của hai Bộ sẽ giúp việc triển khai thực hiện được thuận lợi theo đúng phương châm “thực chất, hiệu quả”. 

Để đánh giá công tác tuyên truyền thực sự hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, phải lấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân làm thước đo. Cùng với đó phải có những giải pháp tạo nên sự kết nối giữa việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống. Từ đó, mang lại những lợi ích cho mỗi người dân.