Căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông khi cuộc cạnh tranh tìm dầu cũng như ưu thế khu vực giữa Ấn Độ và Trung Quốc tiến vào một giai đoạn nguy hiểm.

Khi Ngoại trưởng Ấn Độ SM Krishna thăm Việt Nam tuần trước, một trong những vấn đề chính ở chương trình nghị sự của ông là kế hoạch đảm bảo quyền thăm dò hydrocarbon cho Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC). Theo giới phân tích, đây là một động thái gây tranh cãi, khi các lô thăm dò nằm ngoài khơi của Biển Đông - vùng biển có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới.

Ảnh: Wordpress
Nhiều quốc đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong nhiều thập niên qua và thường trích dẫn các tiền lệ từ nhiều thế kỷ trước để hỗ trợ cho việc tuyên bố chủ quyền của mình. Trung Quốc đã thực hiện cách tiếp cận cứng rắn với tranh chấp, khi khẳng định toàn bộ Biển Đông là "lãnh thổ có chủ quyền không thể tranh cãi" của họ.

Trong một thời gian dài, các bên liên quan đã để cho những tranh cãi diễn ra trong lặng lẽ, nhưng triển vọng trữ lượng hydrocarbon khổng lồ dưới đáy biển đã làm gia tăng đáng kể các tuyên bố khẳng định chủ quyền trong những năm gần đây. Với việc đối thủ lớn nhất của châu Á can dự vào tranh chấp, khả năng cuộc đối đầu quân sự một lần nữa lại nổi lên.

Một bài xã luận gay gắt đăng trên Thời báo Hoàn cầu, tờ báo chính thống của Trung Quốc, đã mô tả các hành động của Ấn Độ "là sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng". "Trung Quốc nên kiên quyết ngăn chặn ONGC khỏi việc theo đuổi hành động này", bài xã luận kêu gọi. "Đầu tiên có thể sử dụng các luận chứng, nhưng nếu Ấn Độ vẫn tiến hành, Trung Quốc nên cố gắng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn sự hợp tác xảy ra".

Trong một tuyên bố đưa ra đầu tuần này, bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập tới cái tên Ấn Độ cụ thể, nhưng khẳng định các hoạt động thăm dò dầu khí "trong phạm vi thẩm quyền này" của "bất kỳ nước nào" mà không có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc "sẽ cấu thành nên hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia của Trung Quốc", và vì thế "là trái phép và không có hiệu lực".

Ấn Độ trong khi đó khẳng định, các kế hoạch thăm dò dầu khí ngoài khơi vùng biển Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp. "Mọi thứ chúng tôi làm như một quốc gia yêu chuộng hoà bình và tôn trọng luật pháp là hoàn toàn trong phạm vi các chuẩn mực và công ước quốc tế", một người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ nói.

Nhưng thực tế này không có nhiều "trọng lượng" với Bắc Kinh, vốn không ngừng phô trương sức mạnh quân sự tại Biển Đông. Trong tháng 5 và 6, các tàu Trung Quốc đã cắt cáp hoặc quấy nhiễu tàu thăm dò, tàu cá Việt Nam và Philippines tại phạm vi chủ quyền hai nước.

Tháng tiếp theo, một tàu hải quân Ấn Độ, INS Airavat, đã chạm trán tàu chiến Trung Quốc không lâu sau khi rời cảng Việt Nam và thậm chí còn bị cáo buộc xâm phạm vùng biển Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, những hành động quả quyết gần đây có thể phản ánh nỗi quan ngại ngày càng lớn ở Trung Quốc rằng, họ đang mất dần sự kiểm soát trong khu vực.

Sự tham gia của Mỹ với tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton năm ngoái khi nói Biển Đông là "ưu tiên ngoại giao hàng đầu" chỉ càng làm gia tăng những lo lắng ở Bắc Kinh. Christian Le Mière, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho rằng: "Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong vấn đề này. Tất cả các quốc gia liên quan đã đệ trình tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông năm 2009 theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển. Điều đó cho thấy rằng, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là rất mơ hồ và không phù hợp theo quy định của luật pháp quốc tế".

Theo nội dung các bức điện tín ngoại giao mà WikiLeaks tiết lộ gần đây thì, ONGC của Ấn Độ đã bị các quan chức Trung Quốc cảnh báo về hoạt động trong khu vực, cũng như rất nhiều công ty quốc tế gồm cả Chevron và Exxon Mobil tại Mỹ, Gazprom của Nga và Santos của Australia. Các bức điện tín còn cho thấy, áp lực Trung Quốc có thể giải thích vì sao BP tại Anh, từ bỏ hai lô thăm dò mà họ từ PetroVietnam. "Ngày 8/6/2007, Trung Quốc cảnh báo BP phải ngừng hoạt động tại các lô 5-2/5-3 và đe doạ "những hậu quả kinh tế" nếu BP không tuân thủ", bức điện tín tháng 9/2007 nói.

Ấn Độ không chắc sẽ dễ dàng lui gót bởi áp lực của Trung Quốc. Chính sách "Hướng Đông" của họ đã dẫn tới việc thiết lập các mối quan hệ gần gũi với một số quốc gia Đông Nam Á. Rất nhiều các bên liên quan giờ đang đang dõi theo sát sao những gì xảy ra khi ONGC bắt đầu hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ở khu vực tranh chấp.

Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói: "Các bên vẫn chờ để xem Trung Quốc phản ứng thế nào. Nhưng nếu ONGC thuê tàu thăm dò thì tàu có thể bị quấy nhiễu bởi các cơ quan hàng hải Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra sự leo thang đáng lo lắng trong tranh chấp".

Thái An (theo thenational)

Ấn Độ không lùi bước về vấn đề Biển Đông
Trang ZeeNews (Ấn Độ) vừa đưa tin, bất chấp Trung Quốc phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Ấn Độ trong việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông, New Delhi vẫn khẳng định sẽ không lùi bước.
 
Hướng tới Ấn Độ, TQ nói tìm dầu ở Biển Đông là trái phép
Theo Hindustantimes, Trung Quốc khẳng định, bất kỳ dự án thăm dò dầu khí nào ở Biển Đông không có sự chấp thuận của Trung Quốc đều là trái phép và không có hiệu lực.
 
Úc tìm cách xích gần Ấn Độ trong thế kỷ Á châu
Về mặt chiến lược, Úc và Ấn Độ cần chung sức mở rộng môi trường ổn định, hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương, để đảm bảo rằng các cường quốc trỗi dậy một cách hòa bình.
 
Bắc Kinh ra kế hoạch khai thác đáy Ấn Độ Dương
Giữa những tranh cãi ngoại giao với Ấn Độ về việc nước này dự kiến khai thác dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch mở rộng thăm dò các khoáng sản đáy biển tại Ấn Độ Dương.
 
Báo Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ về Biển Đông
Một tờ báo chính thống có ảnh hưởng ở Trung Quốc cảnh báo rằng “mọi biện pháp có thể” nên được sử dụng để ngăn Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC) Videsh tham gia các dự án thăm dò ở Biển Đông.
 
“Ấn Độ sẽ bảo vệ quyền của mình”
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Pallam Raju tuyên bố, Trung Quốc có thể tự khẳng định nhưng Ấn Độ sẽ bảo vệ các quyền của mình. 
 
Ấn Độ: Con hổ tỉnh giấc thách thức Trung Quốc
Nếu có lời nhắc nhở mạnh mẽ nào về tính cần thiết phải hiện đại hóa khả năng quốc phòng già cỗi của Ấn Độ thì đó chính là những tai nạn xảy ra với các máy bay chiến đấu Nga mà họ sở hữu.
 
TQ cảnh báo Ấn Độ không khai thác dầu ở Biển Đông
Trung Quốc cảnh báo các công ty Ấn Độ tham gia bất kỳ hợp đồng nào với các hãng Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông.
 
Việt Nam ủng hộ Ấn Độ hiện diện ở châu Á - TBD
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.