Hôm nay (19/11), Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức sự kiện về internet lớn trong khu vực với chủ đề “Internet of things” diễn ra tại khách sạn Sheraton Hà Nội.
Ông Vũ Hoàng Liên. Chủ tịch Hiệp hội Internet cho biết, xu hướng “Internet of things” sẽ đem lại cơ hội chưa từng có cho tổ chức, doanh nghiệp. Đây là xu thế tất yếu cho quá trình đổi mới và ước đoán sẽ mang lại các giá trị tương đương 19.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Hiện nay có khoảng 8 tỷ các thiết bị kết nối, nhưng đến năm 2020 sẽ lên tới 80 tỷ thiết bị. Trên thế giới đã hình thành các liên minh “Internet of things” như liên kết quốc tế giữa các khu vực (EU - Hàn Quốc, EU - Trung Quốc, EU - Nhật Bản…), liên minh các hãng (Intel, Samsung, Dell, Broadcom,..) Tại Việt Nam, S.M.A.C với Social (mạng xã hội), Mobility (di động), Analytics (phân tích dữ liệu lớn) và Cloud (điện toán đám mây) đang tạo ra xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực. Một số ý tưởng và sản phẩm về “Internet of things” đã bắt đầu xuất hiện như nhà thông minh, các thiết bị điều khiển trong gia đình, giao thông…
Phát biểu tại sự kiện Internet Day 2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu. Trong suốt 18 năm qua, Internet Việt Nam đã có bước phát triển hết sức nhanh chóng và trở thành hạ tầng quan trọng để Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức và tăng cường hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Hồng Hải cho rằng, với chủ đề của Internet Day 2015 "Internet vạn vật - Internet of things" là xu hướng phát triển mạnh mẽ của thế giới và bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam như nhà thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh… Trên nền tảng của 4 trụ cột công nghệ là mạng xã hội, công nghệ di động, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet of things được dự báo sẽ đem lại một kỷ nguyên mới bùng nổ cả về số lượng kết nối với khoảng 50 tỷ kết nối vào năm 2020 cũng như các dịch vụ, ứng dụng trên nền Internet, tạo động lực phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ, từ đó tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia.
Ông Phạm Hồng Hải cho biết, tính đến hết tháng 9/2015, tổng băng thông kết nối Internet trong nước đạt 900 Gbps, kết nối Internet quốc tế đạt 1.400 Gbps. Mạng truy cập băng rộng đã kết nối đến các vùng miền với các loại hình kết nối gồm cả vô tuyến và hữu tuyến. Hiện Việt Nam có 120 triệu thuê bao di động, trong đó có 35 triệu thuê bao 3G. Hiện Việt Nam đang có trên 7 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định, trong đó số thuê bao cáp quang chiếm hơn 40%. Đối với phần đông dân số, đặc biệt là giới trẻ, dịch vụ Internet trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
"Có thể khẳng định rằng với hạ tầng băng rộng đang được đầu tư phát triển và dân số trẻ, yêu công nghệ, Việt Nam đang có tiền đề quan trọng, là thị trường tiềm năng để thu hút, phát triển các sáng kiến, ứng dụng trên nền Internet of things", ông Phạm Hồng Hải nói.
Để đón đầu xu hướng này, Bộ TT&TT đã ban hành hoăc tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng tiếp tục phát triển hạ tầng mạng lưới và dịch vụ trên nền Internet.
Thứ nhất, để chuẩn bị nguồn tài nguyên viễn thông, Internet đáp ứng xu thế bùng nổ kết nối các loại hình kết nối máy với máy (M2M) trên nền tảng di động, trong năm 2015, Bộ TT&TT đã ban hành quy hoạch kho số viễn thông mới, trong đó mở rộng không gian kho số di động với 6 đầu mã và dành 1 đầu mã cho M2M. Bộ TT&TT cũng đang tiến hành số hóa truyền hình để giải phóng băng tần 700 MHz phục vụ cho phát triển băng rộng, thúc đẩy triển khai sử dụng địa chỉ IPV6.
Thứ 2, trong năm 2016, Bộ TT&TT sẽ cấp phép 4G. Bộ TT&TT cũng sẽ triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn đến năm 2020 với tổng vốn 11.000 tỷ đồng, trong đó sẽ dành 70% kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng băng rộng cố định.
Thứ ba, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử trong đó có đặt mục tiêu cải cách toàn diện các nhóm chỉ số về dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó Thủ tướng cũng đã phê duyệt chương trình quốc gia về CNTT.
"Với tất cả điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ và chính sách như trên, tôi muốn cộng đồng doanh nghiệp CNTT - viễn thông, doanh nghiệp nội dung số cần nắm bắt xu hướng công nghệ, phát huy sáng tạo, tăng cường đầu tư nhân lực để phát triển nhiều hơn nữa các dịch vụ, ứng dụng có giá trị trên nền tảng Internet of things, đáp ứng nhu cầu người dùng và góp phần vào công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước" ông Phạm Hồng Hải nói.
Cũng tại sự kiện Internet Day 2015, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị của FPT, các phân tích của thế gới cho thấy tương lai đời thực sống thực và đời sống số là một, mọi lãnh đạo sẽ phải là lãnh đạo số, mọi doanh nghiệp sẽ là doanh nghiệp số. Người giầu nhất trên thế giới sẽ là người không phải là có nhiều tiền mặt mà là có nhiều "số". Ông Trương Gia Bình đưa ra ví dụ tiếp, Thủ tướng Lý Hiển Long tự xưng chức danh của mình là kiến trúc sư trưởng số của Singapore.
"Ngành viễn thông Việt Nam đang thay đổi không còn tổng đài nữa mà là phần mềm. Chúng ta cũng đang hình thành nền kinh tế mới là nền kinh tế chia sẻ. Các doanh nghiệp tin học đang trở thành nhà vận chuyển lớn nhất như Uber. Phương thức số tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Hiện có 18 tỷ kết nối, nhưng 5 năm nữa sẽ tăng gấp 5 lần. Đây là cuộc cách mạng không thể tưởng tượng được. Cuộc cách mạng này đang thay đổi hình hài của thế giới, nên Việt Nam mà bỏ lỡ thì sẽ không biết Việt Nam sẽ ở đâu. Hiện chúng ta không nhanh không chậm trong Internet of things, chúng ta bình đẳng với các dân tộc khác, vì vậy chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội này" ông Trương Gia Bình nói.