Kính thưa đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,
Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,
Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!
Hôm nay, trong không khí phấn khởi, vui tươi của những ngày tháng 9 lịch sử, chúng ta rất vui mừng đến dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2024, đây là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh nhà, đồng thời cũng là dịp tiếp tục khẳng định, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý. Đặc biệt, xin nhiệt liệt chào mừng 250 đại biểu, đại diện cho hơn 47.700 đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh về dự Đại hội. Kính chúc quý vị đại biểu, quý vị khách quý và toàn thể Đại hội sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định là nơi sinh sống lâu đời, đoàn kết và hòa thuận của các dân tộc anh em: Bana, Chăm, H’rê… là địa bàn có vị trí chiến lược không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà cả về quốc phòng - an ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nghe theo lời dạy của Đảng và Bác Hồ kính yêu, với lòng yêu nước nồng nàn, đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định đã kiên quyết nổi dậy, mưu trí, dũng cảm, đánh giặc giữ làng, đồng thời phối hợp với bộ đội chủ lực và dân quân du kích tiêu diệt nhiều đồn bốt của giặc, tích cực tham gia tiếp lương, tải đạn, chi viện cho tiền tuyến. Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, Chiến thắng An Lão, những chiến công hiển hách đó mãi mãi là những trang vàng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, làm cho bộ mặt miền núi không ngừng thay da, đổi thịt. Đặc biệt, từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ III - năm 2019 đến nay, mặc dù đất nước và tỉnh nhà còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương đã dành nguồn lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho vùng đồng bào miền núi có thêm động lực mới để phát triển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong công tác dân tộc, công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Diện mạo đô thị, nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy; công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người đồng bào không ngừng được nâng cao; an ninh trật tự và an toàn xã hội tuyến núi được giữ vững. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp ngày càng được củng cố và tăng cường.
Tại Đại hội hôm nay, chúng ta không chỉ vui mừng trước những thay đổi của vùng đồng bào miền núi, với điện, đường, trường, trạm, nhà cửa khang trang, mà còn được chứng kiến những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững... Từ những phong trào ấy, đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi, không ít những già làng, trưởng thôn đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương sự cố gắng vươn lên và những thành quả mà cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
Nhiệt liệt biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số và mong rằng những điển hình hôm nay sẽ tiếp tục nêu gương sáng, đi đầu trong các phong trào thi đua, góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!
Tự hào với những kết quả đạt được, song phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa bền vững; trình độ sản xuất nông, lâm nghiệp còn khá lạc hậu, chậm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương; sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn nhỏ lẻ, phát triển chậm; kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng tính đồng bộ chưa cao; số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt chuẩn nông thôn mới còn nhiều (21/22 xã); tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao so với bình quân chung của tỉnh (đến cuối năm 2023: còn 4.603 hộ đồng bào DTTS nghèo/11.446 hộ đồng bào DTTS, chiếm 40,21%). Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ cấp xã còn thiếu và yếu. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở một số nơi vẫn còn, chậm được khắc phục. Công tác triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm.
Tôi thống nhất với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội. Để phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội với miền xuôi. Nhân dịp Đại hội hôm nay, tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề để đại biểu nghiên cứu, thảo luận:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của các dân tộc anh em trong sản xuất và đời sống; tăng cường vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong việc vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng thôn, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hai là, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình về đào tạo nghề, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và canh tác; giảm nghèo bền vững, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, địa phương, các dân tộc trong tỉnh.
Ba là, tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vận động đồng bào giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đề cao cảnh giác và ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo… của các thế lực phản động nhằm lừa gạt, lôi kéo, kích động gây rối trật tự an toàn xã hội, an ninh tuyến núi, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tôi đề nghị trong thời gian tới các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quan tâm nghiên cứu, cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm chắc mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó tham mưu có hiệu quả cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là các chính sách liên quan đến đất ở, đất sản xuất và nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng, ý kiến chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời đổi mới nội dung, phương thức triển khai thực hiện công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Mong rằng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình…
Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, cách mạng, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định sẽ tích cực phát huy những kết quả, thành tích đạt được, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, mọi người được ấm no, hạnh phúc.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chân thành cảm ơn đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã dành thời gian về dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Xin kính chúc đồng chí Y Thông, quý vị đại biểu và toàn thể Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi. Chúc Đại hội thành công rực rỡ.
Xin trân trọng cảm ơn!