Trong tháng 12/2023, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã hoàn thiện và công bố đầy đủ bộ quy định mới mang tên “Quy tắc chống lừa đảo bán lẻ ô tô” (CARS) trong đó nghiêm cấm việc các đại lý phân phối bán lẻ ô tô tại Mỹ thực hiện các hoạt động làm tăng chi phí mua xe vô tội vạ, kiểu bán xe “bia kèm lạc”, với mục đích bảo vệ người tiêu dùng. Quy định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Hiệp hội Đại lý Ô tô (NADA).
Theo hãng thông tấn Reuters, ngay đầu năm 2024, hai nhóm đại diện cho nhiều đại lý ô tô tại Mỹ đã đệ đơn khiếu nại đối với quy định CARS vừa được FTC ban hành.
Hiệp hội Đại lý Ô tô Mỹ (NADA) và Hiệp hội Đại lý Ô tô tiểu bang Texas đã yêu cầu Tòa án khu vực mở phiên phúc thẩm để hủy bỏ các quy định này khi họ cho rằng đây là một bộ quy tắc “tùy tiện, thất thường và lạm dụng quyền tự quyết của các cơ sở kinh doanh”.
Bộ quy tắc CARS lần đầu tiên được đề xuất vào tháng 7/2022, trong đó cấm các hoạt động quảng cáo dụ dỗ khách hàng, cấm tính các khoản phí bổ sung không có lợi đối với người mua ô tô và yêu cầu các đại lý phải công khai những thông tin quan trọng như giá bán một cách chính xác lên truyền thông hay quảng cáo.
Theo FTC, các quy định mới của họ sẽ loại bỏ các khoản phí rác cho khách hàng, từ đó giúp người tiêu dùng toàn nước Mỹ có thể tiết kiệm 3,4 tỷ USD và 72 triệu giờ khi mua ô tô trong một năm.
Ngoài Hiệp hội Đại lý ô tô, chính sách mới của FTC từng nhận được không ít các quan ngại từ nhiều tổ chức lớn. Liên minh Đổi mới ô tô, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất nổi tiếng gồm GM, Toyota và Volkswagen cùng nhiều hãng xe khác đã từng cảnh báo về “quy định can thiệp quá mức vào vấn đề vi mô đối với hoạt động bán hàng” xoay quanh quyết định của FTC.
Trước đó, vào tháng 11/2023, một ủy ban trực thuộc Hạ viện Mỹ cho biết, họ đang mở cuộc điều tra về các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng của FTC, khi cơ quan này cho rằng những quy tắc đang “đe dọa gây hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ khi làm khó khăn hơn quá trình mua ô tô và cản trở sự đổi mới của ngành”.
Kể từ nay cho tới khi bộ quy định CARS chính thức đi vào thực tế từ tháng 7/2024, vẫn sẽ còn không ít các tranh cãi nảy lửa và nhiều cuộc điều tra về vấn đề này.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hành vi bán xe kiểu "bia kèm lạc" đang rất phổ biến vào các dịp cao điểm khiến người tiêu dùng bức xúc. Nhiều mẫu xe mới bán chạy thường bị các nhân viên bán hàng yêu cầu phải mua kèm phụ kiện thì mới được mua xe. Các gói phụ kiện này thường dao động từ 50-100 triệu đồng. Thậm chí, các đại lý còn bán chênh giá, tăng thêm so với giá bán niêm yết chính hãng hàng chục triệu đồng, khi nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, các hãng ô tô thường thoái thác trách nhiệm và cho rằng, đây là giao dịch "thuận mua vừa bán" giữa khách hàng và đại lý.
Hùng Dũng (theo Reuters)
Bạn đã từng vướng mắc khi mua xe ô tô? Hãy chia sẻ thông tin về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!